Từ ngày 1/11/2014: Người tiêu dùng sẽ có cơ hội sử dụng xăng giá thấp

Thúy Nga

(Tài chính) Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã khẳng định như vậy với chúng tôi bên lề Hội nghị phổ biến Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng mới đây tại Hà Nội.

PV: Nghị định 83/2014/NĐ-CP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2014, ông đánh giá như thế nào về những điểm mới căn bản của NĐ?

Từ ngày 1/11/2014: Người tiêu dùng sẽ có cơ hội sử dụng xăng giá thấp  - Ảnh 1
Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam
Ông Phan Thế Ruệ: Nghị định có rất nhiều điểm mới tạo điều kiện để thị trường xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, tiếp cận dần với thị trường xăng dầu khu vực và thế giới. Và những điểm mới này đã đáp ứng được yêu cầu xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ, đó là dứt khoát đưa thị trường xăng dầu Việt Nam theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Điểm mới thứ hai, đó là có thêm các thành phần tham gia thị trường xăng dầu. Nếu như trước đây chỉ có 3 đối tượng tham gia là đầu mối, tổng đại lý và đại lý bán lẻ thì nay theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP sẽ có thêm thương nhân phân phối và thương nhân nhượng quyền. Trong đó, quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối sẽ không kém gì so với các đầu mối, tức là họ cũng sẽ được mua xăng dầu của nhiều đầu mối và tự quyết định giá. Như vậy, Nghị định 83/2014/NĐ-CP sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh về giá đúng nghĩa, doanh nghiệp (DN) được phép quyết định, cho nên thị trường sẽ có nhiều mức giá, đúng với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Điểm thứ ba là, thời gian tính giá cơ sở tính theo bình quân 15 ngày. Nếu giá cơ sở tăng 0-3% thì DN được quyền tự quyết, từ 3-7% việc điều chỉnh giá sẽ có sự chỉ đạo của liên Bộ và trên 7% là do Chính phủ quyết định. Như vậy, quy định này phần xóa bỏ được những “cơn sóng” tăng giá xăng dầu như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, trích lập quỹ bình ổn vẫn tính vào giá bán lẻ, quản lý vẫn để DN nhưng DN phải dùng như quỹ tài chính…

Theo ông đâu là những bất cập trong Nghị định 83/2014/NĐ-CP?

Thực tế có một số quy định trong Nghị định 83/2014/NĐ-CP nếu đưa ra áp dụng ngay được song khó có thể đoán định sự ổn định của thuế nhập khẩu cũng như hướng dẫn về biên độ 3%, 7% và trên 7%, trong khi lại ghi giữa 2 lần điều chỉnh không quá tối thiểu 15 ngày đối với tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với giảm giá. Không có Thông tư hướng dẫn sẽ rất khó triển khai việc để DN tự điều chỉnh giá, bởi sẽ có DN điều chỉnh ngay khi giá tăng hoặc giảm 1% nhưng cũng có DN chờ tới 3% mới có sự điều chỉnh… Và như vậy, sẽ tạo nên thị trường có nhiều giá và lúc đó người tiêu dùng sẽ có quyền lựa chọn giá ở từng cây xăng. Đây là điều hay nhất của Nghị định 83/2014/NĐ-CP, đó là phải để DN tự do điều chỉnh theo luật pháp.

Quy định cho phép thương nhân phân phối được phép mua xăng dầu của nhiều đầu mối sẽ liên quan tới chất lượng xăng dầu. Vậy theo ông làm sao để đảm bảo yêu cầu chất lượng xăng dầu khi thực hiện Nghị định này?

Phải khẳng định rằng, khi nhiều thành phần tham gia mua bán, chất lượng xăng dầu sẽ rất khó được quản lý. Trước đây, tổng đại lý chỉ quản lý một đầu mối và đầu mối đó phải chịu trách nhiệm nhưng nay rất nhiều đầu mối, chất lượng của đầu mối sẽ cực kỳ khó kiểm soát. Do vậy, Thông tư liên tịch phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Bộ Tài chính, Công thương nên kết hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường để bàn bạc cụ thể.

Một vấn đề rất quan trọng đó là Nghị định 83/2014/NĐ-CP thiếu hẳn chế tài xử phạt, vậy theo ông khi phát hiện những vi phạm thì nên quy trách nhiệm như thế nào?

Đúng là Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã thiếu một chương về chế tài xử phạt, do vậy phải có một Nghị định riêng về chế tài xử phạt hành chính. Và chế tài phải ở mức cao để xử lý răn đe.

Từ thực tế hoạt động của ngành xăng dầu, ông có khuyến nghị như thế nào để việc triển khai Nghị định 83/2014/NĐ-CP một cách đồng nhất, bởi hiện nay Bộ Công thương đang độc lập xây dựng thông tư hướng dẫn?

Bộ Tài chính và Công thương nên hợp tác với nhau để xây dựng Thông tư liên bộ, bởi nếu mỗi Bộ ban hành một thông tư hướng dẫn khác nhau, khả năng sẽ "dẫm lên vết xe đổ" như lần xây dựng Nghị định 84. Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa  là Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã có hiệu lực, nếu Thông tư liên bộ không kịp ban hành thì Nghị định 83/2014/NĐ-CP khó mà triển khai ứng dụng được, bởi đến tháng 12 là các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã phải ổn định thuế. Không chỉ về thuế mà còn còn liên quan đến hoạt động của quỹ bình ổn, nếu liên tục trích quỹ người tiêu dùng sẽ bị thiệt, còn liên tục xả quỹ DN sẽ chết.

Xin cảm ơn ông!