Từ ngày 1/8 phí BOT sẽ giảm 10-20%
Liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ các phương án giảm phí BOT cho 29 trạm thu phí với mức từ 10-20%. Việc giảm phí này dựa trên cơ sở giá trị triển khai dự án thấp hơn dự toán.
Trước đó, tại Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT hiện nay, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.
Nay trong tờ trình số 8302/BTC-CST, Bộ Tài chính cho biết các phương án giảm phí được đề ra trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT.
Theo đó, việc giảm phí được đề xuất mức 10-15% cho nhóm 4 (xe tải có tải trọng 10-18 tấn, xe container 20 feet), nhóm 5 (xe tải 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet) tại các trạm có mức thu tối đa khung tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC (mức thu cao nhất là 200.000 đồng/lượt).
Bộ Tài chính kiến nghị xem xét giảm 10-20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất gồm 2 trạm ở Quốc lộ 5, 2 trạm cầu Bến Thuỷ Quốc lộ 1 và 1 trạm cầu Gianh Quốc lộ 1.
Nếu được chấp thuận sẽ có 24 trạm thu phí giảm phí cho các xe nhóm 4,5 với mức 10-15% và có 5 trạm giảm phí cho các xe nhóm 1,2 với mức từ 10-20%. Ngoài ra, Bộ này cũng đề xuất không tăng phí năm 2016 theo lộ trình với các trạm thu trước năm 2014.
Các trạm có mức thu theo Thông tư số 90/2004TT-BTC vì mức thu này thấp và các trạm thu phí trên đường cao tốc do thu phí kín, mức thu tính theo km xe chạy và người sử dụng có quyền lựa chọn (đi đường cao tốc hoặc quốc lộ) không thuộc diện đề nghị giảm phí.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT làm việc với các nhà đầu tư để thống nhất thực hiện giảm phí và gửi đề xuất trước ngày 10/7 để Bộ Tài chính ban hành Thông tư điều chỉnh mức thu phí để thực hiện ngay.
Đại diện của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đề xuất giảm phí dựa trên cở sở: Giá trị thực tế triển khai dự án thấp hơn dự toán (làm cơ sở xây dựng phương án thu phí) và chi phí dự phòng của một số dự án chưa được sử dụng. Ngoài ra, ở các trạm thu phí có lưu lượng xe tăng cao hơn phương án tài chính của dự án cũng sẽ được tính toán lại để giảm phí.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ đã gửi thông báo tới các trạm thu phí trong diện đề xuất giảm và mức giảm thống nhất chung là 10% cho 29 trạm.
Về việc có kéo dài thời gian thu phí tại các trạm trên, ông Trường cho biết, bộ sẽ cùng các chủ đầu tư tính toán lại phương án tài chính và điều này đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian thu phí bởi việc giảm phí sẽ dẫn tới giảm thu lớn cho nhiều dự án. Liên quan tới thời điểm bắt đầu giảm phí, ông Trường khẳng định ngay khi có thông tư của Bộ Tài chính là sẽ giảm ngay.
Hiện hai Bộ vẫn đang chờ quyết định chính thức từ Chính phủ nhưng lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng về cơ bản đề xuất này sẽ được chấp thuận vì Chính phủ đã có chủ trương. Do đó, việc giảm phí ngay từ ngày 1/8 là hoàn toàn có thể.
Liên quan đến vấn đề thu phí BOT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang có Đoàn kiểm tra, xác định doanh thu thu phí tại trạm Pháp Vân-Cầu Giẽ trong vòng 10 ngày đầu tháng 7.
Tổng cục đã chỉ ra hàng loạt lỗi về dữ liệu khiến việc kiểm tra, giám sát doanh thu từ thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ của cơ quan chức năng gặp khó khăn.
Trước đó, đã có nhiều đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí của tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ do nghi nghờ thất thoát phí, doanh thu thu phí báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước chưa sát với thực tế.