Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Trước mắt, không tăng phí BOT để “cứu” doanh nghiệp

Theo laodong.com.vn

Với mục tiêu ngăn lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vận tải cùng người dân, Chính phủ vừa bật “đèn đỏ” trước những đề xuất tăng phí BOT, đồng thời yêu cầu rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT để “cứu” DN vận tải và người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Rà soát phí BOT, cứu DN vận tải

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập tới trong Nghị quyết 35/NQ-CP ký ngày 16/5/2016 của Chính phủ là rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT đồng đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là DN kinh doanh dịch vụ vận tải. Việc này là một trong những giải pháp để gỡ khó cho người dân cũng như DN trong quá trình thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 đồng thời nhằm kiểm soát vấn đề lạm phát.

Liên quan tới vấn đề này, khi trao đổi với báo giới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Với điều kiện và nhu cầu của Việt Nam thì đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và PPP là con đường không thể không làm, nhưng phải minh bạch, tính đủ, đúng, chặt chẽ tổng mức đầu tư, thực hiện kiểm toán, quyết toán chặt chẽ các dự án BOT để xác định mức phí và thời hạn thu phí. Trước mắt, Chính phủ đồng ý với Bộ GTVT chưa tăng giá phí BOT, thực hiện dãn tăng giá, tránh gây sức ép tới giá cả”. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cụ thể Bộ GTVT tổng kết, đánh giá lại 5 năm thực hiện xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông trong đó có vấn đề rà soát và minh bạch hoá phí BOT.

Phí cao, kém minh bạch

Trong thời gian qua, phí BOT là câu chuyện nóng trên mặt báo cũng như ngoài dư luận. Người dân và cộng đồng DN vận tải liên tục bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng phí cao, tăng nhiều và kém minh bạch của không ít dự án BOT. Phản ứng về vấn đề phí BOT, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội - từng nhận định đầu tư BOT hiện còn không ít mặt bất cập như phí quá cao, thậm chí có những tuyến đường phí chồng phí khi DN vận tải vừa phải đóng phí trên đầu phương tiện lại phải mất thêm phí BOT, mật độ trạm thu phí quá dày như đoạn Hà Nội - Thái Bình chỉ vẻn vẹn có 100km song có tới 4 trạm thu phí BOT.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - đề nghị sau khi Bộ GTVT và Bộ Tài chính thanh, kiểm tra, rà soát lại mức phí đường bộ, phí BOT thì cần phải có kết luận rõ ràng, chính xác, công khai về từng dự án BOT và trên cơ sở đó nếu cần thiết phải điều chỉnh lại số liệu liên quan tới dự án như tổng mức đầu tư, tổng mức quyết toán, mức thu phí với thời hạn ra sao… Những sai phạm nếu có liên quan tới việc thu phí, hoàn vốn dự án BOT cũng được đề nghị phải được xử lý triệt để. Đại diện các DN vận tải đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính cùng xem xét để kiến nghị Chính phủ giảm phí BOT theo lộ trình.

Trước phản ánh của dư luận và báo giới về các bất cập của dự án BOT, trong toạ đàm về vấn đề BOT tổ chức ngày 30/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vẫn cho rằng các dự án BOT hiện đang được kiểm soát rất chặt từ khâu đầu tư tới thu phí. Ông Trường khẳng định riêng thu phí BOT hiện có 4 cơ quan kiểm soát trong đó có Bộ GTVT và các cơ quan thuế và Bộ GTVT dự kiến từ năm 2020 trở đi sẽ triển khai công nghệ thu phí không dựng tại tất cả các trạm thu phí. Trong tháng 6, Bộ GTVT sẽ tổ chức tổng kết 5 năm đầu tư dự án bằng BOT để đánh giá sự “được - mất” từ việc đầu tư BOT, kiến nghị về cơ chế chính sách, mức độ đầu tư, mức phí… cho các dự án BOT trong giai đoạn tiếp theo như thế nào.

Trong khi đó, một số dự án như Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện vẫn đang bị đặt dấu hỏi về tính minh bạch trong thu phí hoàn vốn khi nội bộ chia rẽ, nghi ngờ nhau về chính vấn đề thu phí trong khi các dự án như Cầu Giẽ - Ninh Bình hay BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long đề nghị tăng phí. Đề xuất tăng phí trên hiện đang bị cơ quan chức năng từ chối nhưng chưa rõ đà tăng phí nói trên sẽ được hãm tới đâu.