Xử lý tài chính đối với một số nội dung đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập
Xử lý tài chính đối với một số nội dung đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị định về chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần (CTCP) do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng trình Chính phủ thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển ĐVSNCL thành CTCP.
Bộ Tài chính cho biết, để khắc phục các vướng mắc phát sinh trong xử lý tài chính đối với các nội dung đặc thù của các ĐVSNCL, căn cứ vào tính chất nguồn vốn và mục tiêu sử dụng của các nguồn kinh phí theo quy định, Nghị định đã quy định nội dung này từ Điều 13 đến Điều 21, cụ thể:
Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi: Số dư bằng tiền của hai quỹ này tại thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL chuyển đổi được sử dụng để bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động (nếu có), chi cho người lao động theo chế độ quy định đối với ĐVSNCL, phần còn lại chia cho người lao động đang làm việc ở ĐVSNCL theo số tháng công tác tại ĐVSNCL chuyển đổi. Việc chi số dư bằng tiền của các Quỹ cho người lao động được thực hiện xong trước thời điểm ĐVSNCL chuyển đổi thành CTCP.
Về xử lý số dư bằng tiền của Quỹ bổ sung thu nhập (hoặc Quỹ dự phòng ổn định thu nhập đối với các đơn vị còn áp dụng cơ chế tài chính tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006): Theo quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL, sau khi trích tối thiểu 25% chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, ĐVSNCL tự đảm bảo được chi thường xuyên và chi đầu tư thực hiện trích lập Quỹ bổ sung thu nhập theo mức tự quyết định, không hạn chế mức trích và ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên được trích không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do nhà nước quy định. Mục đích sử dụng Quỹ là để chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau trong trường hợp nguồn thu nhập bị giảm (để đảm bảo tính ổn định thu nhập cho người lao động).
Do vậy, đối với số dư Quỹ này, Bộ Tài chính có đề xuất 2 phương án xử lý như sau: Số dư bằng tiền của Quỹ được tính vào giá trị phần vốn nhà nước khi xác định giá trị ĐVSNCL (Phương án 1) và Số dư bằng tiền của Quỹ được chia cho người lao động đang làm việc ở ĐVSNCL theo số tháng công tác tại ĐVSNCL chuyển đổi. Việc chi số dư bằng tiền của các Quỹ cho người lao động được thực hiện xong trước thời điểm ĐVSNCL chuyển đổi thành CTCP (Phương án 2).
Liên quan đến các phương án này vẫn còn ý kiến tranh luận. Một số ý kiến cho rằng, do đây là quỹ được trích lập từ nguồn chênh lệch thu chi của ĐVSNCL. Tức về bản chất là nguồn vốn dự phòng của Nhà nước để tại ĐVSCNL để ổn định thu nhập cho người lao động, để giá trị phần vốn nhà nước tại ĐVSNCL được tính đầy đủ nên phương án 1 là hợp lý.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, Quỹ bổ sung thu nhập cũng tương tự như Quỹ Phúc lợi, Quỹ khen thưởng đều được trích lập sau khi tính chênh lệch thu chi và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Đây là kết quả, năng suất, hiệu quả làm việc của tất cả người lao động trong đơn vị nên có tiết kiệm chi phí để có được Quỹ này. Quỹ này cũng nhằm để ổn định thu nhập cho người lao động để dự phòng những năm khó khăn, doanh thu giảm. Đối với đơn vị thực hiện chuyển đổi là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nên NSNN không cấp kinh phí. Do đó, kết quả này là từ nguồn thu dịch vụ, sản xuất kinh doanh của đơn vị. Việc tính Quỹ này vào giá trị phần vốn Nhà nước khi xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập làm mất quyền lợi của người lao động. Do đó, số dư tiền mặt bổ sung thu nhập (hoặc Quỹ dự phòng ổn định thu nhập) nên chi cho người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và thực hiện xong trước thời điểm đơn vị sự nghiệp chuyển đổi thành CTCP.
Số dư Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ khác được trích lập từ nguồn chênh lệch thu chi của ĐVSNCL:
Theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thì chỉ có tài sản hình thành từ nguồn Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ phúc lợi. Như vậy, có 2 tình huống như sau:
Thứ nhất, đối với những tài sản được hình thành và có đầy đủ hồ sơ thì đánh giá tính vào giá trị đơn vị SNCL chuyển đổi.
Thứ hai, đối với những tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang: Đối với tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án, công trình bị đình hoãn theo quyết định của cấp có thẩm quyền, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm kế thừa, theo dõi và xử lý theo quy định của pháp luật; Đối với các khoản chi phí của các dự án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa hình thành hiện vật, không có giá trị thu hồi như: chi phí lập phương án tiền khả thi, chi phí khảo sát, tư vấn thiết kế, thiết kế công trình thì đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phát xác định nguyên nhân, trách nhiệm bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Đối với vấn đề này, Nghị định quy định được tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại ĐVSNCL khi xác định giá trị ĐVSNCL chuyển đổi.
Đối với hao mòn tài sản cố định từ thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL đến thời điểm chính thức chuyển thành CTCP dẫn tới giảm vốn nhà nước: Đây là nội dung khác biệt của ĐVSNCL so với doanh nghiệp (do ĐVSNCL chủ yếu chỉ tính hao mòn mà không phải trích khấu hao đối với tài sản cố định). Do vậy, Nghị định có quy định nội dung này như sau: Hao mòn tài sản cố định từ thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL đến thời điểm chính thức chuyển thành CTCP dẫn tới giảm vốn nhà nước được bù trừ vào khoản chênh lệch tăng giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang CTCP với giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL. Trường hợp khoản chênh lệch tăng giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang CTCP với giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL không đủ để bù trừ thì phần phần còn thiếu được giảm trừ vào giá trị phần vốn nhà nước tại ĐVSNCL chuyển đổi.
Đối với kinh phí do NSNN cấp để thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, các đề tài khoa học - công nghệ, kinh phí các dự án ODA và các viện trợ khác có hình thành tài sản: Đây là các khoản kinh phí đặc thù được cấp cho ĐNSNCL, nếu đến thời điểm chính thức chuyển thành CTCP vẫn chưa thực hiện xong, NSNN tiếp tục cấp kinh phí để thực hiện tiếp thì xử lý như sau:
Thứ nhất, trường hợp DN sau chuyển đổi có nhu cầu tiếp nhận, sử dụng tài sản hình thành từ chương trình, dự án, đề tài khoa học – công nghệ thì kinh phí hình thành tài sản nêu trên được ghi tăng phần vốn nhà nước tại ĐVSNCL tại thời điểm chính thức chuyển thành CTCP.
Thứ hai, trường hợp DN sau chuyển đổi không có nhu cầu sử dụng tài sản hình thành từ dự án, chương trình, đề tài khoa học công nghệ thì Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh xem xét xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn.
Thứ ba, trường hợp cơ quan quản lý cấp trên có văn bản dừng thực hiện thì ĐVSNCL có trách nhiệm nộp lại NSNN hoặc hủy dự toán tại kho bạc nhà nước hoặc xử lý theo cơ chế tài chính của chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành (nếu có).
Sau khi ĐVSNCL chuyển thành CTCP, tài sản hình thành từ nguồn kinh phí nhà nước cấp nêu trên được quyết toán theo quy định hiện hành, được bàn giao cho CTCP, được đánh giá và ghi tăng giá trị phần vốn nhà nước tại CTCP chênh lệch giữa giá trị được đánh giá lại và giá trị tài sản đã ghi nhận tại thời điểm chính thức chuyển thành CTCP. Trên cơ sở phần vốn nhà nước tại CTCP được xác định lại, CTCP có trách nhiệm điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo tính minh bạch thông tin, tránh tranh chấp giữa các bên sau khi đơn vị đã được chuyển thành CTCP, dự thảo Nghị định quy định phải công bố cụ thể tại Bản Công bố thông tin bán đầu giá cổ phần lần đầu của ĐVSNCL các thông tin về các dự án, chương trình, đề tài khoa học – công nghệ, đang được triển khai của ĐVSNCL và hướng xử lý đối với tài sản hình thành từ các chương trình, dự án, đề tài khoa học – công nghệ.
Đối với kinh phí được cấp để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức: Để đảm bảo tính ổn định trong hoạt động của đơn vị, dự thảo Nghị định quy định theo hướng ĐVNSCL được tiếp tục thực hiện hoạt động đào tạo bồi dưỡng đến thời điểm chính thức chuyển sang CTCP. Đến thời điểm chính thức chuyển sang CTCP, số kinh phí còn lại hoặc không sử dụng hết phải nộp vào NSNN. Khoản kinh phí do NSNN cấp sẽ được quyết toán theo quy định của Luật NSNN.