Từ phục hồi đến cải cách


Mặc dù phục hồi nhanh chóng sau tác động của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của Malaysia phải đối mặt với nhiều trở ngại vào năm 2023, giảm tốc độ từ 8,7% của năm trước xuống còn khoảng 4%. Nguyên nhân chính là nền kinh tế toàn cầu yếu hơn đã ảnh hưởng đáng kể đến ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của nước này. Để đối phó với những thách thức đó, Malaysia đã đưa ra Sáng kiến kinh tế Madani: Trao quyền cho người dân, vạch ra kế hoạch toàn diện để tăng trưởng kinh tế bền vững.

Một góc Kuala Lumpur. Nguồn: VNA
Một góc Kuala Lumpur. Nguồn: VNA

Tái thiết nền kinh tế kiên cường, cạnh tranh và bền vững

Theo EAF, thời điểm then chốt trong quá trình phục hồi kinh tế của Malaysia là việc thành lập Chính phủ liên minh vào tháng 11/2022. Sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 được tổ chức thời gian đó, không đảng chính trị hoặc liên minh nào giành được đa số tối thiểu (112 ghế) để đứng ra thành lập Chính phủ. Với sự can thiệp của Quốc vương, sau 4 ngày bàn thảo liên tục, Liên minh Mặt trận quốc gia và Liên minh các đảng Sarawak - Sabah đã nhất trí ủng hộ Liên minh Hy vọng thành lập Chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim. Động thái này giúp giảm bớt những căng thẳng chính trị, tạo điều kiện cho Chính phủ đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các cải cách cơ cấu quan trọng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, bất chấp bước đi tích cực trên, thách thức như sự phân cực sắc tộc ngày càng gia tăng vẫn tồn tại, đòi hỏi các nỗ lực không ngừng để thúc đẩy sự gắn kết xã hội.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của Malaysia sang vị thế quốc gia có thu nhập cao, chương trình nghị sự của Chính phủ hiện tại nhấn mạnh việc thúc đẩy cải cách cơ cấu để nâng cao năng suất lao động. Nhiều nỗ lực được thực hiện để theo đuổi chính sách tăng trưởng bao trùm, đặc biệt bằng cách nâng cao mức sống cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Ra mắt vào tháng 7/2023, "Sáng kiến kinh tế Madani: Trao quyền cho người dân” vạch ra kế hoạch phát triển kinh tế 10 năm nhằm tái thiết một nền kinh tế kiên cường, cạnh tranh và bền vững hơn. Sáng kiến này đặt mục tiêu tăng trưởng trung hạn là 5,5 - 6%, nhấn mạnh vào hội nhập kinh tế với các nước láng giềng, thiết lập môi trường kinh doanh thân thiện để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao và hình thành các doanh nghiệp mới; ưu tiên đẩy mạnh đầu tư trong nước vào số hóa và tăng trưởng xanh.

Phấn đấu tăng trưởng toàn diện

Sáng kiến cũng tập trung vào tăng trưởng toàn diện cho Malaysia, nhất là việc nâng cao mức sống cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nó vạch ra một loạt chính sách nhằm hiện thực hóa điều này, nhấn mạnh đến việc phân phối tài sản một cách công bằng. Mức lương tối thiểu 1.500 ringgit Malaysia (khoảng 320 USD) sẽ được đánh giá lại để kích thích tăng trưởng tiền lương. Sáng kiến nhằm tăng lương cho người lao động có thu nhập thấp bằng cách tạo điều kiện phát triển kỹ năng sẽ được thử nghiệm bằng chương trình thí điểm tiền lương lũy tiến bắt đầu từ tháng 6.2024. Theo sáng kiến này, các ưu đãi bằng tiền mặt sẽ được cung cấp cho các công ty trong nước có nhân viên lương thấp đăng ký tham gia vào các chương trình đào tạo kỹ năng được chỉ định của Chính phủ.

Ngoài ra, Malaysia đang giải quyết vấn đề an sinh xã hội bằng cách thúc đẩy chăm sóc sức khỏe ban đầu và tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc y tế. Những nỗ lực nhằm mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cho khu vực phi chính thức đang được tiến hành, phản ánh cam kết cải thiện phúc lợi chung cho người dân.

Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc củng cố tài chính, Malaysia đặt mục tiêu giảm thâm hụt tài chính từ 5% GDP vào năm 2023 xuống 4,3% vào năm 2024, với mục tiêu trung hạn là 3% hoặc thấp hơn. Đạo luật Trách nhiệm tài chính, được Quốc hội thông qua tháng 10.2023, đóng vai trò là nền tảng cho việc củng cố tài chính bằng cách tái khẳng định sự quan tâm của Chính phủ trong việc tăng cường quản trị, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Những nỗ lực củng cố tài chính liên quan đến cả thu và chi. Hợp lý hóa các khoản trợ cấp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, là một ưu tiên. Các khoản trợ cấp năng lượng không hiệu quả và kém tiến bộ đang được thay thế bằng các phương pháp tiếp cận có mục tiêu nhằm mang lại lợi ích cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Về lĩnh vực thuế, cải cách thuế, vốn có ý nghĩa quan trọng nhằm đảo ngược tình trạng sụt giảm doanh thu thuế trên một đơn vị GDP, có khả năng bao gồm cả việc áp dụng lại thuế hàng hóa và dịch vụ từng bị loại bỏ vào năm 2018. Doanh thu thuế trên mỗi đơn vị GDP của Malaysia vào năm 2021 thuộc hàng thấp nhất trong ASEAN với 11,8%, kém hơn so với 12,6% của Singapore và 16,4% của Thái Lan.

Bất chấp những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu, Malaysia vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế của mình. Ngân hàng trung ương Malaysia dự đoán, tăng trưởng GDP trong năm 2024 sẽ nằm trong khoảng 4% đến 5%, được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước mạnh mẽ và việc làm ổn định. Điều đó phù hợp với dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á đối với nước này là 4,6% trong năm 2024.

Nói chung, Sáng kiến kinh tế Madani của Malaysia thể hiện cách tiếp cận toàn diện, ưu tiên các chính sách bao trùm, cải cách cơ cấu và củng cố tài chính để tăng trưởng kinh tế bền vững. Malaysia đặt mục tiêu không chỉ phục hồi sau những khó khăn của năm 2023, mà còn khẳng định mình là quốc gia có thu nhập cao với nền kinh tế kiên cường. Sự thành công của sáng kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định quỹ đạo kinh tế của Malaysia trong những năm tới.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn