Từng bước minh bạch hoá số liệu giải ngân ODA hàng năm
Con số giải ngân ODA năm 2014 tăng mạnh khiến bội chi năm 2014 tăng vượt dự toán là vấn đề được thảo luận nhiều tại phiên họp sáng 15/6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014.
Giải ngân vốn ODA tăng 36.952 tỷ đồng
Theo báo cáo của Chính phủ, dự toán thu NSNN 782.700 tỷ đồng, quyết toán 877.697 tỷ đồng; tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ dầu thô và tăng thu tiền sử dụng đất, thuế nhập khẩu, và thu từ các khu vực kinh tế.
Dự toán chi NSNN 1.006.700 tỷ đồng, quyết toán 1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (96.236 tỷ đồng) từ nguồn vốn ngoài nước, nguồn bổ sung từ dự phòng ngân sách theo chế độ và nguồn năm trước chuyển sang. Tính cả đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) (85.793 tỷ đồng) và xổ số kiến thiết (17.688 tỷ đồng), thì chi đầu tư phát triển đạt 362.717 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng chi NSNN và bằng 9,2% GDP.
Các nhiệm vụ chi thường xuyên quan trọng như chi giáo dục đào tạo, chi sự nghiệp y tế, chi sự nghiệp môi trường, chính sách an sinh xã hội đạt và vượt dự toán nhờ bổ sung từ nguồn năm trước và dự phòng ngân sách.
Quyết toán số bội chi là 260.145 tỷ đồng, vượt 36.145 tỷ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,61% GDP thực hiện, do tăng chi từ vốn ngoài nước 36.952 tỷ đồng (gồm cả một số nhiệm vụ chi thường xuyên), chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông (tăng 16.865 tỷ đồng), thủy lợi (2.263 tỷ đồng), nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng (Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội số 223/BC-CP ngày 19/5/2015); đồng thời nhờ tiết kiệm chi nguồn trong nước 807 tỷ đồng, nên bội chi chỉ tăng so với dự toán là 36.145 tỷ đồng.
Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi NSNN như trên, tính đến 31/12/2014, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 46,4%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 38,3%, nợ công bằng 58,0%; trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và của Quốc hội.
Xem xét khoản chi vốn ODA cho 5 dự án đường cao tốc
Theo dự thảo Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014 tại công văn số 459/KTNN-TH ngày 28/4/2016 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi Bộ Tài chính, KTNN cơ bản nhất trí với Báo cáo quyết toán của Chính phủ, những kiến nghị của KTNN đã được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp thu, xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, KTNN kiến nghị xem xét điều chỉnh giảm chi vốn ODA cho 3 dự án đường cao tốc 10.782,7 tỷ đồng thực hiện theo hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp, nhưng Chính phủ chưa báo cáo Quốc hội, UBTVQH; đồng thời giảm bội chi NSNN năm 2014 tương ứng.
Về vấn đề này, Chính phủ báo cáo tại UBTVQH cho biết về chủ trương, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 về việc chuyển đổi cơ chế từ cho vay lại sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án (cấp phát ngân sách) đối với vốn ODA của 5 dự án đường cao tốc. Cụ thể số ghi thu ghi chi NSNN năm 2014 của 5 dự án như sau: Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gói thầu VN10-P8: 1.254.947.768.736 đồng; Dự án đường cao tốc Tp HCM - Long Thành - Dầu Giây gói thầu VNXV-1 & VN10-P7: 6.231.844.035.038 đồng; Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam, đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gói thầu VN13-P5: 861.192.853.095 đồng: Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam, đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi gói thầu VN13-P4: 1.596.623.420.860 đồng; Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai: 838.190.717.269 đồng.
Theo Luật quản lý nợ công, Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định đối với dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (cấp phát hoặc cho vay lại), nên việc Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển từ cho vay lại sang cơ chế cấp phát đối với vốn ODA của các dự án trên là đúng với Luật quản lý nợ công.
Về việc quyết toán vốn ODA, tại Báo cáo thực hiện đánh giá NSNN năm 2014 và tình hình thực hiện NSNN năm 2015 (Số 223/BC-CP ngày 19/5/2015) Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nội dung: việc giải ngân vốn ODA tạm xác định bằng dự toán; khi quyết toán, số vốn vay ODA giải ngân vượt dự toán, kiến nghị cho phép điều chỉnh tăng tương ứng vào số bội chi NSNN năm 2014. Thực tế các khoản vốn trên đã ghi thu, ghi chi vào năm 2014, vì vậy đề nghị cho phép báo cáo Quốc hội để quyết toán khoản chi này vào năm ngân sách 2014.
Siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính trên mọi lĩnh vực
Giải trình thêm tại UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Tình hình ngân sách phản ánh thực trạngkinh tế và để đánh giá cần căn cứ thực tế trong quá trình điều hành. Lâu nay, tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư và khai thác khoáng sản. Việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư, xây dựng cơ bản cũng là yếu tố tích cực tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Về con số giải ngân ODA vượt dự toán, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết lâu nay con số giải ngân ODA thường được đưa vào dự toán ở mức rất thấp, đây là điều không thực chất và cần được minh bạch hơn. Năm 2014, con số ODA giải ngân bố trí chỉ là 26.000 tỷ đồng, và con số thực tế đã cao hơn nhiều. Dù đây là khuyết điểm trong dự toán, nhưng mặt khác cũng có thể coi là một thành tích trong việc thúc đẩy giải ngân ODA.
Các năm gần đây, cùng với nỗ lực trong triển khai của các bộ, ngành địa phương, thì vốn đối ứng cho ODA cũng đã được bổ sung từ nguồn vốn TPCP, bên cạnh nguồn ngân sách. Chính vì vậy, giải ngân ODA đã được đẩy lên mức cao. Hơn nữa, nếu con số giải ngân tăng này không được ghi vào ngân sách 2014 thì cũng ghi vào ngân sách 2015, đều làm bội chi tăng. "Đưa vào ngân sách 2014 chính là từng bước để minh bạch hoá", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, hiện nay chúng ta còn cam kết 22 tỷ USD chưa giải ngân được. Để con số dự toán thực chất hơn, kế hoạch tài chính trung hạn 2016 – 2020 đã đề nghị bố trí 50.000 tỷ đồng giải ngân ODA mỗi năm thay vì mức thấp như trước kia.
Đối với vấn đề nợ đọng thuế, lãnh đạo ngành Tài chính khẳng định công tác quản lý thuế thời gian qua được cải thiện nhiều, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, nhất là các địa phương nên đã thu nợ đọng thuế khá tốt, giảm lỗ, giảm chi phí khá lớn. Những tháng đầu năm, số thu nợ đọng thuế đã đạt 14.000 – 15.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong các vấn đề về tài chính thì nợ đọng xây dựng cơ bản đang là vấn đề nan giải. Con số nợ thực tế tại các địa phương có thể lớn hơn nhiều số đã báo cáo. Do vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc cần siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ ở trung ương mà phải làm chặt chẽ đến từng địa phương.
Sau quá trình thảo luận, cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo để trình ra UBTVQH xem xét tại phiên họp tới trước khi trình ra Quốc hội.
Trên cơ sở các vấn đề đã giải trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2014 như sau:
- Tổng số thu cân đối NSNN là 1.130.609 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư NSĐP năm 2013, thu huy động đầu tư của NSĐP và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN).
- Tổng số chi cân đối NSNN là 1.350.272 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015).
- Bội chi NSNN 260.145 tỷ đồng, bằng 6,61% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 40.482 tỷ đồng).