Tỉnh Long An:
Từng bước phục hồi chợ truyền thống sau dịch
Sau thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Long An đã trở lại hoạt động trên phương châm an toàn là trên hết. Hầu hết tiểu thương, người dân phấn khởi trở lại với không khí buôn bán trong trạng thái “bình thường mới”.
Tiểu thương phấn khởi
Chị Lê Thị Mộng Điệp bán thức ăn sáng tại chợ Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, mấy ngày nay rất phấn khởi, bởi được phép bán thức ăn sáng mang về cho người dân địa phương. Chị Điệp cho biết, chị bắt đầu bán từ ngày 03/10. Hiện nay, chị chỉ bán được vài chục phần mỗi buổi sáng, tiền lãi kiếm được không nhiều nhưng được trở lại với nghề. Trước đây, cứ 3 giờ là chị bắt đầu với công việc chuẩn bị các món ăn như bánh mì, bún xào, hủ tiếu, sữa đậu nành... Khách hàng rất đa dạng như công nhân, học sinh, người đi chợ, kể cả những người là thương lái từ các nơi khác đến Tân Ninh mua nông sản. Chị Điệp nhớ lại, trước đây, từ 3/7 giờ là chị bán được cả mấy trăm phần.
Chị Dương Thị Ràng, ngụ ấp Kênh Tè, là tiểu thương chợ xã Tân Ninh nhiều năm nay. Chị Ràng cho biết, nhà có 0,2ha đất trồng rẫy với đủ các loại như đậu đen, dưa leo, mướp,... Khi thu hoạch, chị bán cho thương lái một ít, còn lại mang ra chợ bán. Từ khi nhận được thông tin được trở lại chợ bán, chị mừng lắm và chuẩn bị nhiều vật dụng phòng dịch cho mình, trong đó có khẩu trang, nước sát khuẩn tay. Đặc biệt, chị đã chuẩn bị 1 cây sào dài tầm 2 mét có gắn cái móc ở đầu và 1 chiếc hộp nhỏ để đựng tiền khi giao dịch gắn trên đầu cây sào. Khi khách mua thì lựa bỏ vào túi, chị móc vào cân và đưa ra cho khách cũng bằng cây sào này. Xong mỗi lượt khách, chị xịt khuẩn cả 2 đầu cây sào, hộp đựng tiền lẫn tiền. Chị Ràng nói, phòng dịch là tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho người mua lẫn người bán và cả những người thân trong gia đình.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh - Nguyễn Văn Luôn chia sẻ, chợ có 66 tiểu thương bán buôn (trước dịch) trong khuôn viên nhà lồng chợ, nhưng thời điểm này có 33 tiểu thương trở lại chợ sau thời gian tạm dừng phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian tới, chắc chắn tiểu thương chưa đến chợ trở lại. Để tiểu thương lẫn người đi chợ được an toàn, ngày đầu đến chợ, tiểu thương được thực hiện test COVID-19. Theo kế hoạch, từ 3/7 ngày, tiểu thương phải được test COVID-19 định kỳ nhằm kịp thời phát hiện F0.
Riêng đối với người đi chợ, UBND xã Tân Ninh phát phiếu cho người dân đi chợ 1 tuần 2 lần vào các ngày trong tuần, chủ nhật chợ nghỉ để phun khử khuẩn. Ở đầu chợ có mã QR, người đi chợ có thể quét mã. Ban Quản lý chợ phối hợp Công an xã kiểm phiếu đi chợ của người dân, cứ 1 giờ cột phiếu 1 lần nếu người đi chợ đông, nếu chợ thưa thì 2 giờ cột 1 lần. Theo ông Luôn, như vậy để dễ truy vết nếu phát hiện F0 ở chợ.
An toàn là trên hết
Ông Lê Thanh Đông - Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết: Kể từ ngày 04/10, huyện cho phép hoạt động lại chợ truyền thống, triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn. Đến nay, có 6/7 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Hiện nay, chợ Tân Lập tiếp tục tạm dừng do chưa bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, huyện Tân Thạnh thành lập trạm kiểm soát khu vực chợ và giao, nhận hàng hóa. Khu vực chợ được phun khử khuẩn thường xuyên, dọn vệ sinh, trang bị dụng cụ phục vụ công tác phòng, chống dịch (nước sát khuẩn, khẩu trang, thùng rác có nắp đậy,...). Huyện cũng lập danh sách tiểu thương xét nghiệm COVID-19, cam kết trong hoạt động kinh doanh, xác định nguồn cung cấp hàng hóa của tiểu thương. Trước dịch, huyện có 600 tiểu thương bán tại 7 chợ, hiện có 394 tiểu thương hoạt động lại. Tiểu thương chưa đến chợ đầy đủ do lo ngại tình hình dịch bệnh, khó khăn về tài chính hoặc chuyển về kinh doanh tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thạnh Hóa cho biết: Chợ truyền thống trên địa bàn huyện được mở cửa một cách thận trọng, đặt tính an toàn lên hàng đầu. Do tình hình dịch bệnh nên sức mua giảm, hàng hóa chưa đa dạng, phong phú nhưng cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Huyện chú trọng kiểm soát chặt các đầu mối, điểm giao, nhận hàng, bố trí điểm tập kết các xe vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, xe vận chuyển hàng hóa phải có nhật ký hành trình di chuyển, cài đặt Bluezone, phần mềm khai báo y tế, thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, khử khuẩn thường xuyên, hạn chế tiếp xúc gần.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, từ ngày 21/9, Sở Công Thương có văn bản hướng dẫn các địa phương trên cơ sở đánh giá, kiểm soát dịch bệnh, xây dựng phương án để chuẩn bị mở lại các chợ truyền thống trên địa bàn. Qua kiểm tra, một số chợ đã hoạt động trở lại, các địa phương, ban quản lý chợ thực hiện tốt các phương án phòng, chống dịch, đánh giá nguy cơ trong an toàn phòng, chống dịch cơ bản tốt từ khâu kiểm soát đối với tiểu thương trở lại buôn bán, người dân đi vào các chợ.
Theo kế hoạch, địa phương từng bước khôi phục các hoạt động thương mại, trong đó có chợ truyền thống giai đoạn từ ngày 20/9 đến 01/10 và từ ngày 01 đến 15/10. Đến thời điểm này, có 40/125 chợ trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại. Đối với các chợ đã hoạt động trở lại, địa phương làm tốt phương án phòng, chống dịch. Quan điểm của ngành Công Thương là mở cửa chợ trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất nhưng đặt tiêu chí an toàn. Trước mắt, các gian hàng bán lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu mở trước, các gian hàng khác tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh sẽ mở lại theo lộ trình đến ngày 15/10.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm: Theo khảo sát, nguồn hàng cung ứng đảm bảo, bắt đầu dồi dào trở lại. Tuy nhiên, một số mặt hàng do quá trình tổ chức, lưu thông chịu nhiều chi phí kiểm soát dịch bệnh có tăng giá nhưng nhìn chung, nguồn cung cấp hàng hóa đảm bảo. Đến nay, hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh cơ bản thông suốt, thuận lợi. Để thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế sau thời gian chống dịch, UBND tỉnh có giao ngành Công Thương thúc đẩy khôi phục lại thương mại - dịch vụ.
Chủ trương của UBND tỉnh là cho mở lại tất cả hoạt động thương mại - dịch vụ, chợ truyền thống, ngành hàng. Riêng ngành dịch vụ ăn uống tại chỗ, Sở Công Thương đã rà soát, đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh, hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin trong người dân trên toàn tỉnh cao nên ngành dịch vụ ăn uống tại chỗ sẽ được mở cửa sớm. Đây cũng là một trong những điều kiện giúp ngành thương mại - dịch vụ phục hồi nhanh chóng sau dịch.