Chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống

Theo Mạnh Hòa/sggp.org.vn

Hệ thống phân phối thương mại tại TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) gồm 239 chợ truyền thống, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, hơn 2.500 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, các chợ truyền thống cung cấp từ 50%-70% nhu cầu thực phẩm thiết yếu của người dân TPHCM. Tuy nhiên, tình hình quản lý kinh doanh tại các chợ trên địa bàn TPHCM cũng đang gặp phải không ít vấn đề cần thay đổi.

Mua bán tại chợ Bình Tây, quận 6, TPHCM.
Mua bán tại chợ Bình Tây, quận 6, TPHCM.

Người dân ngại đến chợ
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tình hình kinh doanh, mãi lực ở các chợ truyền thống đang có dấu hiệu chững lại. Nhiều người dân chuyển từ mua sắm ở chợ truyền thống sang siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, mua sắm trực tuyến…

Một số chợ thiếu công trình phụ trợ, thiếu tiện ích như nhà vệ sinh, bãi giữ xe, nơi để hàng hóa khiến chợ bị giảm khách. Một số chợ còn tình trạng cân thiếu, không niêm yết giá, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng e ngại mua sắm ở chợ.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết việc kêu gọi đầu tư, xây dựng, sửa chữa các chợ gặp khó khăn, không hấp dẫn bằng kêu gọi xây dựng trung tâm thương mại. Nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp chủ yếu từ quận huyện nên phần lớn chỉ sửa chữa nhỏ.

“Một khó khăn thường xuyên là tình trạng mua bán tự phát xung quanh chợ. Thậm chí, có chợ mới, tiểu thương vẫn không bán mà lại bán ở chợ tự phát xung quanh, dẫn tới ít thu hút người tiêu dùng vào trong chợ”, ông Phạm Thành Kiên phân tích.

Bà Phan Thị Phụng Cơ, Trưởng ban Quản lý chợ Bà Điểm (huyện Hóc Môn), chỉ ra tình trạng kinh doanh thiếu công bằng giữa bán buôn trong chợ và ngoài chợ. Tiểu thương buôn bán ở trong chợ phải đóng thuế và đảm bảo các yêu cầu khác, nhưng lại rơi vào cảnh ế ẩm; còn người buôn bán tự phát bên ngoài thì không phải đóng thuế, lại “hốt” hết khách đi đường, thường tấp xe vào mua.

“Bên trong chợ là quận quản lý, ngoài chợ là phường quản lý nên cần làm sao thể hiện sự công bằng giữa người buôn bán trong và ngoài chợ”, bà Tạ Thị Kim Anh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân quản lý chợ Thủ Đức, góp ý.

Dẹp chợ tự phát

Để thu hút người tiêu dùng đến chợ, các quận huyện đang tập trung chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ ban quản lý sang doanh nghiệp, hoặc hợp tác xã (HTX) quản lý chợ. Hiện 239 chợ được quản lý theo 4 mô hình: ban quản lý (54 chợ); UBND phường xã quản lý (112 chợ); HTX (37 chợ) và doanh nghiệp quản lý (36 chợ). Một số chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý, hoạt động tích cực hơn.

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho hay quận đã chọn 4 chợ truyền thống trên địa bàn để đấu thầu khai thác quản lý chợ. Sau khi chuyển đổi, nhiều chợ đã tinh giản bộ máy quản lý, hiệu quả hoạt động nâng lên. Các sửa chữa nhỏ trong chợ được doanh nghiệp, HTX phối hợp với tiểu thương làm nhanh, làm tốt, không cần phê duyệt của cơ quan chức năng, cũng không cần tiền ngân sách.

Trong khi đó, quận 7 cũng có nhiều cách kéo người dân đến với chợ. Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết, quận đã ứng 11 tỷ đồng sửa chữa chợ, giúp tiểu thương kinh doanh. Đồng thời, tập trung ưu tiên giải tỏa lòng lề đường, giảm điểm tự phát; phối hợp, hỗ trợ tiểu thương tiếp cận vốn vay ưu đãi. Các chợ trên địa bàn cũng mở cửa sớm hơn, tạo cảnh quan sạch sẽ, tiểu thương buôn bán thân thiện để “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”.

Ông Phạm Thành Kiên cho hay, việc quan trọng nhất là TPHCM tiếp tục thực hiện quy hoạch các chợ với mục tiêu: không xây dựng chợ mới và giảm dần chợ ở trung tâm. Việc xây dựng chợ mới tại các khu vực khác phải theo nguyên tắc “chỉ xây dựng chợ khi có nhu cầu thực sự của người dân”. Nhấn mạnh nguyên tắc này, ông Kiên nhận định, điều đó sẽ giải quyết được tình trạng chợ xây lên nhưng tiểu thương không vô buôn bán.

TPHCM khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác chợ. Với các chợ ế ẩm, lại không cải thiện được môi trường kinh doanh thì TP cho chuyển đổi, hoặc di dời. Với chợ tự phát, TP kiên quyết giải tỏa.

Ông Phạm Thành Kiên cũng đề nghị các quận huyện cần chủ động, nâng cao trách nhiệm trong việc nâng cấp cơ sở vật chất cho các chợ; cần sắp xếp tiện ích về bãi giữ xe, nhà vệ sinh… vì trách nhiệm đã được phân cấp thuộc quận huyện.

* Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM: Hạn chế phát không túi ni lông ở chợ

Chỉ có khoảng 10% chợ có các thủ tục pháp lý về môi trường và có hệ thống xử lý nước thải. Khối lượng rác thải phát sinh tại các chợ khá lớn. Chỉ riêng 3 chợ đầu mối trong năm 2018 đã phát sinh khoảng 250 tấn rác thải/ngày. Sở sẽ phối hợp tăng cường giám sát việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại các chợ truyền thống, không để tình trạng đổ rác ra đường. Đồng thời, phối hợp vận động tiểu thương, đề nghị các nhà sản xuất cung ứng nông sản thực phẩm đã qua sơ chế để giảm khối lượng rác phát sinh; vận động tiểu thương giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy; thiết lập điểm phân phối túi ni lông thân thiện môi trường; khuyến khích người dân mang túi xách sử dụng nhiều lần.

* Bà HUỲNH THỊ KIM CÚC, Phó Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM: Nên thường xuyên test nhanh mẫu thực phẩm

Ban quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ trong thanh tra, kiểm tra để đảm bảo thực phẩm đến tay người tiêu cùng được an toàn. Các tiểu thương nên ghi chép, lưu giữ chứng từ để thuận tiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Các tiểu thương cần tuân thủ khám sức khỏe; giấy tờ chứng nhận về kinh doanh; có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trang bị bảo hộ, găng tay, tạp dề… Các chợ và tiểu thương định kỳ nên đưa đi test (xét nghiệm) nhanh mẫu thực phẩm, giúp nâng thương hiệu, uy tín của sạp, của chợ. Qua đó, người dân an tâm tới chợ mua sắm.