Tuyên bố Hà Nội: Văn kiện quan trọng của IPU-132

Hà Anh

(Tài chính) Tuyên bố Hà Nội sẽ là văn kiện chính thức được IPU chuyển tới Hội nghị toàn cầu các Chủ tịch Quốc hội và Nghị viện (tháng 8/2015), Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về các Mục tiêu phát triển bền vững được tổ chức ngay trước thềm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 70 (tháng 9/2015).

Các nghị sỹ quốc tế biểu quyết thông qua Tuyên bố Hà Nội.
Các nghị sỹ quốc tế biểu quyết thông qua Tuyên bố Hà Nội.
“Tuyên bố Hà Nội”, sáng kiến của Việt Nam, là văn kiện quan trọng nhất của ĐHĐ IPU-132 được thông qua, là kết quả của quá trình chuẩn bị, tham vấn và vận động kỹ lưỡng giữa ta với Ban Thư ký IPU. Văn kiện cuối cùng Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại phiên bế mạc (01/4/2015) đã tiếp thu hầu hết các điểm then chốt của ta, trở thành tuyên bố có ý nghĩa hết sức quan trọng của IPU-132 cũng như đối với IPU.

Văn kiện này phản ánh được các nội dung cơ bản về cam kết và hành động của nghị viện đối với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015. “Tuyên bố Hà Nội” sẽ là văn kiện chính thức được IPU chuyển tới Hội nghị toàn cầu các Chủ tịch Quốc hội và Nghị viện (tháng 8/2015), Hội nghị thượng đỉnh LHQ về các Mục tiêu phát triển bền vững được tổ chức ngay trước thềm Đại hội đồng LHQ khóa 70 (tháng 9/2015).

Tuyên bố Hà Nội khẳng định thành công của IPU-132, khẳng định nghị viện sẽ góp phần hỗ trợ Chính phủ các nước thành viên thực hiện tốt các mục tiêu SDGs, đáp ứng quan tâm và kỳ vọng của người dân về một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng. Tuyên bố cũng khẳng định sự phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm phải dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền của con người, xóa đói giảm nghèo dưới mọi hình thức, xóa bỏ bất bình đẳng, trao quyền cho các cá nhân để phát huy hết các tiềm năng của họ. Điều này đòi hỏi phải có hòa bình và an ninh quốc tế, dựa trên sự tôn trọng đầy đủ Hiến chương LHQ và Luật pháp quốc tế. Quan trọng hơn hết, Tuyên bố khảng định cam kết mạnh mẽ của các nghị viện, nghị sĩ thông qua qua chức năng lập pháp, giám sát và quyết định phân bổ các nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững thông qua các chương trình nghị sự phát triển của các quốc gia thành viên.

Đối với Việt Nam, Tuyến bố Hà Nội được thông qua tại IPU-132 thể hiện sự chủ động và tích cực của Quốc hội Việt Nam trong hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Quốc hội Việt Nam; góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, trên trường quốc tế./.