Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Bộ nói “khó”, địa phương muốn “thử”!
Trong khi Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, việc xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) khó thu hút các nhà đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thì mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc họp cho ý kiến đối với đề xuất đầu tư dự án này bằng hình thức BOT.
Một hướng tuyến, hai phương án
Vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Theo giải thích của Bộ Giao thông - Vận tải, hiện đoạn từ Hạ Long đến Vân Đồn đã được đầu tư theo hình thức BOT và sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Nếu bổ sung đoạn Vân Đồn - Móng Cái vào dự án BOT đoạn Hạ Long - Vân Đồn thì khả năng hoàn vốn của dự án này là khó khả thi. Trong trường hợp tách đoạn Vân Đồn - Móng Cái thành một dự án BOT thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia do kinh phí lớn.
Ngoài ra, đây là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư, đặc biệt thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông không thu phí. Hơn nữa, hiện chỉ có Trung Quốc quan tâm đến dự án này. Vì vậy, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, tại thời điểm này việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc cho dự án là hợp lý.
Tuy nhiên, trong khi Bộ Giao thông - Vận tải than khó thu hút các nhà đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức BOT thì ngày 21/7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc họp cho ý kiến đối với đề xuất đầu tư dự án này bằng hình thức BOT.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn Tedi và Liên danh nhà đầu tư Cái Mép - Thái Sơn - Vinaconex E&C tại cuộc họp, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng chiều trên 91km, ngắn hơn 30km so với Quốc lộ 18 hiện nay. Dự án có điểm đầu đấu nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, điểm cuối giao với đường dẫn cầu Bắc Luân II.
Dự án đi qua 5 địa phương: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Sau khi hoàn thành, thời gian đi từ Vân Đồn đến Móng Cái bằng đường cao tốc khoảng 1 tiếng đồng hồ, giảm ½ thời gian so với đi Quốc lộ 18.
Theo dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án trên 16.000 tỷ đồng và sẽ được triển khai từ năm 2017, hoàn thành trước năm 2020, thời gian thu phí dưới 30 năm. Được biết, Quảng Ninh cơ bản đồng tình với hướng tuyến do tư vấn và nhà đầu tư trình bày và yêu cầu nghiên cứu, xem xét các phương án về nền đường, mặt đường, quy mô cầu sao cho hợp lý với kinh phí đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh muốn thu hút và kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái để từ đó có thể so sánh, cân nhắc và đưa ra lựa chọn tối ưu nhất, hiệu quả nhất cả về hình thức đầu tư cũng như yếu tố kỹ thuật.
Cơ quan nào có thẩm quyền với dự án?
Việc Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất vay vốn Trung Quốc để đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn -Móng Cái trong khi Quảng Ninh - địa phương “ôm trọn” tuyến đường này lại đang nghiên cứu hình thức BOT đặt ra câu hỏi: cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền đối với dự án này?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, năm 2014, Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Quảng Ninh chủ động huy động vốn đầu tư dự án đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái và đồng ý về nguyên tắc UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Ninh trong quá trình triển khai các dự án; kịp thời hướng dẫn, xử lý các vướng mắc phát sinh theo trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, tại Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030 (Thủ tướng ký ban hành vào tháng 3.2016), Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, trong đó có tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái. Dựa trên yếu tố này, Bộ Giao thông - Vận tải đang kiến nghị chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án từ UBND tỉnh Quảng Ninh sang Bộ Giao thông - Vận tải.
Liên quan tới thẩm quyền của các cơ quan nhà nước với dự án này, một số cán bộ có thâm niên trong ngành giao thông vận tải cho rằng, giao cho chính quyền địa phương làm chủ đầu tư là hợp lý, vì họ sẽ chủ động được khâu giải phóng mặt bằng - bài toán khó nhất của mỗi dự án.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, khi trao đổi với báo chí cũng tán đồng quan điểm: chính quyền Quảng Ninh phải là chủ đầu tư chứ không phải Bộ Giao thông - Vận tải.