Sẽ nghiên cứu giảm, giãn thời gian thu phí BOT đường bộ
Các dự án BOT đã ký hợp đồng, đang triển khai đầu tư hoặc đã đưa vào khai thác sẽ nghiên cứu phương án điều chỉnh giảm mức phí, giãn thời gian tăng phí và rút ngắn thời gian thu phí từ nguồn kinh phí còn dư của dự án.
Thông tin trên vừa được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ GTVT quản lý, tổ chức sáng 7/6.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án, gồm 58 dự án BOT (tổng mức đầu tư 170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng).
Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư 36 dự án với TMĐT 111.854 tỷ đồng. Cơ bản các dự án triển khai đúng và vượt tiến độ, trình tự thủ tục đầu tư tuân thủ quy định hiện hành.
Thứ trưởng cho biết, kết quả tính toán của đơn vị tư vấn độc lập cho thấy, các dự án vốn xã hội hóa đưa vào khai thác đã giúp các phương tiện tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông, tiết giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện,… so với khi công trình chưa được đầu tư xây dựng.
Liên quan đến trạm thu phí,Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm; 13 hệ thống thu phí trên các tuyến cao tốc, Bộ GTVT quản lý 12 hệ thống còn lại là UBND tỉnh quản lý.
Trong số các trạm thu phí trên quốc lộ, 20 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60 km (8 trạm thu phí hoàn vốn cho các công trình đặc thù cầu lớn, hầm đường bộ; 4 trạm có thể bố trí với khoảng cách lớn hơn 70 km nhưng phải điều chỉnh vị trí để tránh khu dân cư; 2 trạm điều chỉnh theo đề nghị của địa phương; 6 trạm do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phụ trách); một số dự án triển khai trước khi điều chỉnh có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án. Các trình tự, thủ tục liên quan đến việc xác định vị trí trạm thu phí được Bộ GTVT thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành.
Đối với mức thu phí và lộ trình tăng phí, Bộ GTVT khẳng định: Mức thu phí đã phù hợp với quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Bộ này cũng cho biết, lộ trình tăng phí chỉ là dự kiến sẽ được Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét quyết định chính thức, có lấy ý kiến của địa phương và lấy ý kiến trên Cổng TTĐT các bộ.
Bên cạnh những thành công đạt được, tại Hội nghị, đại diện Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhìn nhận một số bất cập từ BOT như ôtô đang đi đường miễn phí sẽ không còn được miễn phí; hay Bộ vẫn chưa có đánh giá về khả năng chi trả của người dân và tác động đến yếu tố kinh tế vĩ mô…
Về chính sách phí hiện nay, Bộ GTVT cho biết, đối với các dự án BOT đã ký hợp đồng, đang triển khai đầu tư hoặc đã đưa vào khai thác sẽ nghiên cứu phương án điều chỉnh giảm mức phí, giãn thời gian tăng phí và rút ngắn thời gian thu phí từ nguồn kinh phí còn dư của dự án; không bổ sung các hạng mục vào dự án hoặc đầu tư các dự án, hạng mục theo kiến nghị của địa phương dẫn đến việc đầu tư một nơi, thu phí một nơi.
Hệ thống cơ sở hạ tầng là xương sống của của đất nước
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, hệ thống cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông là xương sống của của mỗi đất nước, mỗi nền kinh tế. Một quốc gia không xây dựng và duy trì được một hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức to lớn như không tạo thêm được việc làm cho xã hội, thu nhập và mức sống của người dân không cao do phải chi phí nhiều hơn cho hàng hóa, dịch vụ và nhiều vấn đề khác như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… tất yếu là quốc gia đó không thể phát triển.
Để hoàn thành được mục tiêu “Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, theo tính toán của Bộ GTVT, riêng giai đoạn 2011 – 2015, nhu cầu nguồn vốn cần khoảng 484.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA đáp ứng được 181.000 tỷ đồng (khoảng 37%). Việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) ngày càng hạn chế khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.
Do vậy, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông là hướng đi tất yếu để có thể hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên.