Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Huy Nguyễn

Tại Hướng dẫn số 158-HD/BTGTW tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm được tiến hành bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm và mang tính giáo dục sâu sắc.

Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cấp ủy đảng tổ chức hiệu quả các hoạt động kỷ niệm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cấp ủy đảng tổ chức hiệu quả các hoạt động kỷ niệm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Với chủ đề “Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người - Nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý, tiêu biểu của Dân tộc”, các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tập trung vào các nội dung: Ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô; truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng; Những thành tựu vĩ đại của Đảng và Dân tộc ta đã đạt được trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng Dân tộc, thống nhất Đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, những thành tựu nổi bật của Thủ đô sau 70 năm giải phóng, đặc biệt là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới Đất nước.

Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, của Đảng bộ thành phố Hà Nội nói riêng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại” và chủ trương phát triển Đất nước, Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.  

Cùng với đó là tuyên truyền những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp Nhân dân, sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong quá trình đấu tranh, bảo vệ, xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến; phát hiện, nhân rộng gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong lao động sản xuất, học tập và công tác trên các lĩnh vực, trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn Dân tộc.

Theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm diễn ra ở các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở; Tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; Chú trọng tổ chức các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, tuyên dương và gặp mặt công dân ưu tú của Thủ đô; Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, nhất là các di tích gắn với sự kiện giải phóng Thủ đô phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và phát triển…

Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức truyền hình, truyền thanh trực tiếp Lễ kỷ niệm, chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt; tổ chức chiếu phim tài liệu và đưa tin về các hoạt động Đài Phát thanh và Truyền hình các địa phương tổ chức phát sóng phim tài liệu.

Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương; chú trọng kiểm tra, đôn đốc các hoạt động tuyên truyền, nhất là trên báo chí, Internet, mạng xã hội và các phương tiện cổ động trực quan…