Tuyệt đối không mua và sử dụng bánh trung thu không nhãn mác

Theo baocongthuong.com.vn

Còn hơn một tháng nữa mới tới Tết trung thu, tuy nhiên thời điểm này, thị trường bánh trung thu đã bắt đầu khởi động tại nhiều thành phố lớn. Theo đó, vấn đề đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của bánh trung thu tiếp tục được các cơ quan chức năng hết sức chú trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường khởi động sớm

Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, rải rác tại nhiều tuyến phố Hà Nội như: Kim Mã, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Bà Triệu… các cửa hàng bán bánh trung thu đã xuất hiện. Nắm bắt được xu hướng của khách hàng, năm nay, các thương hiệu bánh tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm mới với nhiều mẫu mã đa dạng.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Phó tổng Giám đốc đối ngoại và truyền thông của Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam cho biết, năm nay, dự báo sức mua sẽ tăng hơn năm trước, đặc biệt ở cả phân khúc biếu tặng, khối cơ quan và doanh nghiệp.

Về phần mình, Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam sẽ có 62 loại bánh được tung ra thị trường với nhiều mức giá cho người tiêu dùng lựa chọn, dao động từ 35.000 - 460.000 đồng/chiếc với 4 dòng bánh trung thu chính như: Dòng bánh trung thu cao cấp Trăng Vàng; sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo truyền thống; sản phẩm bánh trung thu xanh; bánh trung thu trẻ em.

Về phía Công ty cổ phần Bibica tăng sản lượng lên 550 tấn sản phẩm (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2015). Sản phẩm bánh Trung thu của Bibica năm nay có hơn 50 chủng loại thuộc ba dòng sản phẩm chính gồm: bánh trung thu cao cấp, dinh dưỡng và truyền thống với mức giá dao động từ 37.000 - 140.000 đồng/chiếc, hướng đến phục vụ cho nhiều phân khúc khác nhau. Ngoài ra, còn có dòng bánh sang trọng, cao cấp, có giá bán từ 370.000 – 1.300.000 đồng/hộp.

Không chỉ các thương hiệu lớn rục rịch vào mùa, tại các cửa hiệu bánh trung thu truyền thống vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất bánh handmade cũng liên tục nhận được các đơn đặt hàng bánh trung thu với nhu cầu sử dụng trong gia đình và biếu quà.

Tại cửa hàng bánh trung thu Bảo Phương, một trong những địa chỉ quen thuộc với người Hà Nội, lượng khách đến mua đang ngày một tăng nhanh chóng, sản lượng bánh sản xuất mỗi ngày đã không hề nhỏ. Được biết, tại đây, không ít khách hàng đặt mua bánh từ sớm để gửi đi nước ngoài làm quà cho bà con xa xứ và sử dụng cho các ngày lễ (ngày rằm, mùng 1) ngay từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch.

Thắt chặt khâu an toàn thực phẩm

Để kiểm soát tốt an toàn thực phẩm (ATTP) trên thị trường bánh trung thu, Cục ATTP (Bộ Y tế) mới đây đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại sản phẩm bánh, kẹo phục vụ Tết Trung thu.

Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, tập trung thanh, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất. Đối với các cơ sở kinh doanh, thanh kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở nơi bảo quản, bày bán bánh, nguồn gốc xuất xứ bánh, hồ sơ công bố phù hợp quy định ATTP, quy định ghi nhãn sản phẩm.

Cục ATTP cũng yêu cầu trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để người dân biết.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP cũng khẳng định, trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm các quy định về an toàn thực phẩm.

“Với người tiêu dùng, nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh, ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng.

Bánh trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn. Tuyệt đối không mua, không sử dụng bánh trung thu không nhãn mác"- ông Phong khuyến cáo.

Cục ATTP yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo ATTP, xây dựng thông điệp và phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu