Tỷ giá có điều chỉnh như kỳ vọng?

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Theo các chuyên gia cần xem xét nới thêm tỷ giá để hoạt động xuất khẩu nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn.

Gửi tiết kiệm ngoại tệ hiện nay chỉ còn 0,5-1%/năm. Nguồn: internet
Gửi tiết kiệm ngoại tệ hiện nay chỉ còn 0,5-1%/năm. Nguồn: internet

Báo cáo của Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây cho biết, tính đến tháng 5 tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 5,5%, cho vay ngoại tệ đã tăng 7% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ngoại tệ (LDR) đã tăng từ 84,3% cuối năm ngoái lên 95,5% trong tháng 5/2014. 

Bên cạnh đó, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng cũng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3% một năm lên khoảng 0,4% một năm và dao động mạnh hơn. 

Điều này khiến cho thanh khoản hệ thống đối với ngoại tệ chịu áp lực nhất định, theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Tuy nhiên theo một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hiện nay chưa đáng lo. Dư nợ tín dụng ngoại tệ hiện nay chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng dư nợ. 

Cụ thể, tổng dư nợ toàn ngành đến nay khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng ngoại tệ chỉ có 500 tỷ đồng. 

Lý giải nguyên nhân vị này cho biết: Sở dĩ nhu cầu vốn ngoại tệ tăng là do lãi suất cho vay ngoại tệ hiện khá thấp so với tiền đồng, cộng với tỷ giá ổn định nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức vay ngoại tệ. 

Nhưng để cấp tín dụng ngoại tệ, nhất là những hợp đồng tín dụng ngoại tệ quy mô lớn, trước khi duyệt hồ sơ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng phải xem xét kỹ và đòi hỏi các ngân hàng thương mại (NHTM) phải cân đối được nguồn thì mới có thể cho vay. Vì thế, tín dụng USD được đánh giá vẫn trong tầm kiểm soát. 

Từ đây, lãnh đạo các ngân hàng khẳng định tỷ giá vừa được điều chỉnh tăng thêm 1% không phải do cung – cầu ngoại tệ không cân đối hoặc do cầu tăng mà chủ yếu để hỗ trợ xuất khẩu, do thời gian qua xuất khẩu gặp khó khăn. 

Đồng thời, việc điều chỉnh tỷ giá để cân đối lại VND so với các đồng tiền khác, tránh trường hợp VND được định giá quá cao. Tỷ giá niêm yết tại các NHTM sau đó có nhích nhẹ, nhưng đã nhanh chóng giảm xuống và trở lại mức bình thường. 

Thêm vào đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nhiều lần khẳng định tỷ giá sẽ không tăng quá 2% năm nay. Đồng thời gửi tiết kiệm ngoại tệ hiện nay chỉ còn 0,5-1%/năm nên tình trạng tích trữ USD đã giảm hẳn.

Thực tế, tỷ giá niêm yết tại các NHTM dù biến động tăng nhưng chưa đụng đến mức kịch trần cho thấy, khả năng đáp ứng nguồn ngoại tệ cho các thành phần kinh tế của các nhà băng vẫn tốt.

Ngoài ra, NHNN cho biết, nếu ngân hàng nào không đáp ứng được ngoại tệ cho khách hàng có thể liên hệ với NHNN để được cung ứng ngoại tệ. 

Trong qua 6 tháng qua tỷ trọng xuất siêu cao, cán cân thanh toán thặng dư lớn đã tạo điều kiện để NHNN đã mua được trên 10 tỷ USD. Do đó, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường được cho là khá dồi dào.

Nhận xét về lần điều chỉnh tỷ giá vừa qua, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, động thái của NHNN là phù hợp với sự trượt giá trong vài năm gần đây của VND. 

Tuy nhiên, cũng theo TS. Lịch, việc tăng 1% tỷ giá vừa qua sẽ chưa tác động nhiều đến xuất khẩu. Do đó, NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá với biên độ thêm 1% nữa trong năm nay. “Phải tiếp tục nới tỷ giá mới có tác dụng hỗ trợ xuất khẩu”, ông Lịch nói.

Cùng quan điểm, để thúc đẩy xuất khẩu, báo cáo của ngân hàng HSBC mới đây dù thiên về quan điểm tỷ giá ổn định nhưng vẫn cho rằng khả năng NHNN điều chỉnh tỷ giá thêm 1% vào cuối năm có thể xảy ra.