Tỷ giá đã bình yên…

ThS. NGUYỄN THỊ TÂM

(Tài chính) “Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã được đẩy lùi một bước, thị trường “chợ đen” gần như không còn hoạt động”. Cùng với vàng, tỷ giá thực sự là một điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ năm qua, song vẫn còn nhiều quan điểm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn cần cảnh giác bởi rủi ro tỷ giá hiện vẫn còn tiềm ẩn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

“Trái ngọt” đầu mùa

Lòng tin vào VND đã được nâng cao một bước. Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN), Nguyễn Quang Huy cho hay, sau những năm có nhiều bất ổn, xáo trộn, thị trường ngoại hối và tỷ giá đã dần lấy lại sự ổn định. Dự trữ ngoại hối theo đó tăng lên đáng kể. Tình trạng “đô la hóa” căn bản được khắc phục, quan hệ huy động – cho vay ngoại tệ được chuyển hóa dần sang quan hệ mua – bán ngoại tệ.

Đúng như cam kết đưa ra từ đầu năm 2013, biên độ dao động của tỷ giá xê dịch trong khoảng từ 1- 3%, ngày 28/6/2013, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 20.828 VND/USD lên mức 21.036 VND/USD (tăng 1%). Cùng với động thái này, NHNN thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ khác, trong đó có việc quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 6 tháng với mức trần là 7%/năm; kết hợp với điều chỉnh giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức (từ 2%/ năm xuống 0,25%/năm), cá nhân (từ 2%/năm xuống 1,25%/năm) tại tổ chức tín dụng (TCTD) để hỗ trợ duy trì được mức chênh lệch lợi tức giữa việc nắm giữ VND và USD, nhằm đảm bảo tỷ giá không biến động trên thị trường.

“Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã được đẩy lùi một bước, thị trường “chợ đen” gần như không còn hoạt động”. Cùng với vàng, tỷ giá thực sự là một điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ năm qua, song vẫn còn nhiều quan điểm cho rằng, NHNN vẫn cần cảnh giác bởi rủi ro tỷ giá hiện vẫn còn tiềm ẩn.

Tính từ thời điểm đó đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại, xu hướng ổn định này theo đánh giá của các chuyên gia tài chính – ngân hàng là hoàn toàn tương phản với diễn biến của các năm trước. Nếu như năm 2010, tỷ giá tăng tới 9,68% thì năm 2012, tỷ giá lại giảm 0,96% và dự tính cả năm 2013 tăng từ 1,4-1,5%.

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2013, tăng trưởng tín dụng tiền VND đạt trên 11% trong khi tín dụng ngoại tệ âm 13,6%. Tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán cũng giảm từ mức 19,5% năm 2011 xuống còn hơn 11% vào giữa năm nay… Đó là kết quả từ một loạt chính sách chống “đô la hóa” của NHNN như tăng dự trữ bắt buộc với tiền gửi ngoại tệ, giảm trạng thái ngoại hối của các ngân hàng, hạn chế đối tượng vay ngoại tệ, giảm lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ…

"Khi thị trường có dấu hiệu căng thẳng, cùng với việc đưa ra những thông tin giải trình và định hướng thì NHNN cũng đã mạnh tay tăng cung USD nhằm ổn định thị trường. Khung chính sách tiếp cận cũng được mở rộng với những cân nhắc về lãi suất USD, lãi suất VND, dư nợ tín dụng và quản lý biến động thị trường vàng….”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết.

Sự kiên định về mục tiêu, tính nhất quán và đồng bộ trong triển khai thực hiện các giải pháp đã làm cho tỷ giá trở nên dễ dự báo hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong việc lập và triển khai kế hoạch kinh doanh cũng như mang lại những hiệu ứng tích cực cho kinh tế vĩ mô, lợi ích cho xã hội. Sự ổn định tương đối vững chắc của tỷ giá trong năm qua đã làm tăng niềm tin của giới đầu tư nước ngoài. Điển hình tỷ giá giao dịch kỳ hạn không chuyển tiền của VND/USD tại thị trường Singapore từ chỗ tăng liên tục đã giảm dần, có thời điểm giảm tới 4%. Cung cầu ngoại tệ trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua bán ngoại tệ với khách hàng của các TCTD diễn biến tương đối tích cực, trung bình tổng lượng mua bán với khách hàng khoảng 700 triệu USD/ngày.

Linh hoạt hơn nữa!

Đánh giá cao việc NHNN giữ ổn định tỷ giá trong thời gian qua song Ngân hàng HSBC cảnh báo, việc “neo” tỷ giá quá lâu của NHNN cũng sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu.

Thực tế đã minh chứng việc điều hành tỷ giá chưa bao giờ dễ dàng. Cùng với những thành quả đã gặt hái được thì cũng phải nhìn nhận rằng, mục tiêu đảm bảo cân bằng nội – ngoại chưa đạt, cho dù tỷ lệ lạm phát giảm nhưng diễn biến tỷ giá chưa thực sự phản ánh được sự ổn định của đồng nội tệ. Xu hướng tỷ giá tăng, sức ép giảm giá VND ngày càng lớn, gây bất ổn thị trường ngoại hối, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, việc “neo” tỷ giá trong thời gian quá lâu, thể hiện một sự chưa hoàn thiện về chính sách tỷ giá và còn dựa quá nhiều vào công cụ điều tiết nội tệ, thị trường ngoại hối thì thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá... Do vậy, về lâu dài, trong những bước đi tiếp theo, NHNN nên cân nhắc, nghiên cứu lựa chọn chế độ tỷ giá mới nhằm phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế. Một chính sách hợp lý phải được căn cứ trên thước đo ổn định trong nội bộ nền kinh tế và tăng trưởng trong kinh tế đối ngoại làm tiêu chuẩn đánh giá.

Nhiều dự báo cho thấy, đến hết năm 2014- 2015, áp lực về phá giá VND khá lớn nhưng với mục tiêu ổn định tỷ giá, biên độ điều chỉnh tỷ giá năm 2014 – 2015 sẽ không quá 2 – 2,5%/năm.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2013