Mở rộng cho vay tiêu dùng sẽ thu hẹp “tín dụng đen”

Theo daibieunhandan.vn

Quy mô “tín dụng đen” hiện vào khoảng 50 tỷ USD và nguồn vốn phi chính thức này vẫn ngày một bành trướng. Để từng bước đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên tạo điều kiện cho các công ty tài chính phát triển mạnh và rộng hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Người dân vẫn chuộng “đi vay ngầm”

Ở nước ta hiện đang tồn tại 2 hệ thống cấp vốn song song. Khu vực

Nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị một hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính hướng đến các đối tượng khách hàng dưới chuẩn.

chính thức bao gồm các tổ chức tín dụng là ngân hàng, công ty tài chính, các quỹ tín dụng hoặc tổ chức tài chính vi mô. Khu vực phi chính thức là hệ thống “tín dụng đen”. Hậu quả của “tín dụng đen” đã được báo chí phản ánh nhiều nhưng thực tế cho thấy, tại nhiều khu vực, người dân vẫn có tâm lý chuộng “tín dụng đen” hơn bởi sự đơn giản, nhanh chóng khi họ cần vay một khoản tiền để trang trải cho nhu cầu đột xuất.

Trên thực tế, khó có thể thống kê được quy mô “tín dụng đen”. Con số được các chuyên gia nói đến gần nhất trong cuộc hội thảo năm 2013 là ước khoảng 50 tỷ USD, tương đương 30% dư nợ tín dụng. Trong khi đó, quy mô tín dụng tiêu dùng chính thức là khoảng hơn 10 tỷ USD, theo số liệu Công ty CP Truyền thông Tài chính StoxPlus công bố năm 2014.

ĐBQH Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng “tín dụng đen” phổ biến vì Việt Nam chỉ có ngân hàng là nơi cấp vốn, bí quá nên người dân mới đi ngầm với nhau! Theo lý giải của ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, “tín dụng đen” có đất để phát triển bởi người dân vẫn khan tiền dù đã có cả hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách, ngân hàng người nghèo, ngân hàng phát triển. Thực tế, “tín dụng đen” đa số nhắm vào đối tượng không có điều kiện tiếp cận với các tổ chức tài chính hợp pháp.

Mở rộng cho vay tiêu dùng

Trong giai đoạn phát triển nhất định, tín dụng phi chính thức vẫn có vai trò về vốn, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ. Cách làm khôn khéo là làm sao để thị trường chính thức phát triển, thu hẹp dần khoảng cách và thay thế cho thị trường phi chính thức, chứ không đơn thuần xóa bỏ bằng các biện pháp hành chính. Người vay và đi vay được bảo vệ chặt chẽ bằng pháp luật, trên cơ sở minh bạch và có sự giám sát.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thừa nhận, từ trước đến nay ở Việt Nam, tín dụng phi chính thức là sự bổ khuyết quan trọng cho thị trường chính thức. Nó giải quyết các nhu cầu tài chính trước mắt cho các cá nhân nhỏ lẻ, hộ gia đình sản xuất kinh doanh, dù đôi khi cũng để lại đâu đó gánh nặng tài chính do “nặng lãi” gây nên. Điều quan trọng là cần phải có khung thể chế, các thiết chế pháp lý để cho nó hoạt động chính thức và được luật pháp thừa nhận.

“Để hạn chế sự bành trướng của “tín dụng đen” nên tạo điều kiện cho các công ty tài chính phát triển mạnh và rộng hơn”, nhấn mạnh điều này, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm: khi phát triển các kênh hoàn chỉnh và đồng đều thì “tín dụng đen” sẽ không có đất để hoành hành. Việc các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều công ty tài chính hoạt động, hình thành một sân chơi cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp cho người dân có thêm những sự lựa chọn, có lợi cho người tiêu dùng,

Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Phạm Xuân Hòe khẳng định, để từng bước đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen”, sự ra đời của các công ty tài chính tiêu dùng là một đòi hỏi tất yếu. Không chỉ là một trong những phương tiện tốt nhất để giúp cho người dân có thể tích lũy được tài sản, mà các định chế về tài chính tiêu dùng sẽ là một trong những tác nhân tốt để hạn chế cho vay nặng lãi trong nền kinh tế của Việt Nam.