Tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%
Các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn, do nợ xấu ngày càng tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022 chỉ xấp xỉ 2%), đến nay tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Tại báo cáo Quý I/2024 về một số chủ đề quan trọng của nền kinh tế trong thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hướng tới quản lý, giám sát hoạt động của các công ty, tổ chức phi ngân hàng theo chức năng.
Theo đó, hoạt động thanh tra giám sát cần phải dựa trên cơ sở quản trị rủi ro, đi sâu vào nghiệp vụ cho vay, các hợp đồng tín dụng; rà soát và giám sát chặt chẽ rủi ro đạo đức đối với đội ngũ cán bộ thanh tra, quản lý trực tiếp doanh nghiệp.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức trung gian tài chính phi ngân hàng thuộc quyền quản lý, đặc biệt là tình trạng thua lỗ, nợ xấu của các công ty tài chính. Trong đó, cần thúc đẩy các hoạt động mua bán, sáp nhập; giám sát chặt chẽ hơn và quyết liệt đôn đốc thực hiện thời hạn tăng vốn điều lệ, đảm bảo các tỷ lệ an toàn của các tổ chức này.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA) cho hay, tại Việt Nam, có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép. Các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn, do nợ xấu ngày càng tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022 chỉ xấp xỉ 2%), đến nay tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, khách hàng suy giảm khả năng thanh toán thì còn có nguyên nhân “rất nguy hiểm” mà chưa có chế tài xử lý. Đó là khách hàng cố tình không trả nợ, “bùng nợ”.
Theo báo cáo tài chính của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit), năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 19,2 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đang ở mức hơn 18,4%, trong khi năm 2022 ở mức 11,8%, trong đó nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tính đến cuối năm 2023 đã tăng 2,2 lần so với năm 2022.
Với FE Credit, VPBank cho biết trong năm 2023, ban lãnh đạo ngân hàng đã triển khai tái cấu trúc, rà soát tổng thể và điều chỉnh hình thức, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị rủi ro, tập trung vào phân khúc ít rủi ro hơn để kiểm soát nợ xấu. Hiện, công ty này chưa cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, nhưng hồi 6 tháng đầu năm 2023, FE Credit ghi nhận khoản lỗ sau thuế tới 2.996 tỷ đồng.
Tại, HD Saison, năm 2023, công ty này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 660 tỷ đồng, giảm 42,7% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 7,6%, tăng so với mức 7,1% của năm trước.
Với tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn, khuyến nghị được các chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra là các công ty, tổ chức tài chính trung gian phi ngân hàng cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro; tăng cường hoạt động giám sát nội bộ, đầu tư hiện đại hóa công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, minh bạch thông tin hoạt động, chống sự thao túng của cá nhân, các gian lận trong giao dịch và rủi ro đạo đức.
Đồng thời, các công ty, tổ chức trung gian tài chính phi ngân hàng cần tăng cường hợp tác, mở rộng trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan liên quan trong phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm, phương thức kinh doanh mới, khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau.
Hiện, các công ty tài chính phi ngân hàng cũng đã và đang thực hiện nhiều chiến lược để tăng cường năng lực tài chính. Đặc biệt, không ít công ty tài chính đã "bán mình" cho nhà đầu tư nước ngoài để cải thiện khả năng kinh doanh, thêm tiềm lực đầu tư, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa và tiềm năng cho tín dụng tiêu dùng.