Uber: “Phép thử” đối với cơ quan quản lý nhà nước

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trong thời gian gần đây, sự tham gia của dịch vụ đặt xe Uber tại các thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tạo nhiều dư luận trên các phương tiện truyền thông và cũng là một “bài toán” chính sách mà các cơ quan quản lý chưa có phương án chung để trả lời.

Sự tham gia của dịch vụ đặt xe Uber đã tạo nhiều dư luận trên các phương tiện truyền thông. Nguồn: internet
Sự tham gia của dịch vụ đặt xe Uber đã tạo nhiều dư luận trên các phương tiện truyền thông. Nguồn: internet

Lợi thì có lợi...

Tháng 8/2014, Công ty TNHH Uber Việt Nam chính thức thành lập thông qua thủ tục đăng ký đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài Uber International Holding B.V làm chủ đầu tư.

Uber đã triển khai cung cấp ứng dụng qua phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh để kết nối giữa người cần di chuyển và người cung cấp dịch vụ vận tải.

Tại Việt Nam, có thể thấy một bộ phận người dùng có thiện cảm với dịch vụ của Uber do tiết kiệm chi phí và thời gian chờ đợi, dịch vụ Uber cũng mang trải nghiệm mới cho người dùng thay vì sử dụng taxi truyền thống. Đó cũng là những ưu điểm vượt trội của Uber bên cạnh những giá trị kinh tế và lợi ích xã hội nói chung mà mô hình của Uber có thể mang lại.

Một cách khái quát hơn, loại hình dịch vụ này về cơ bản đã tạo kết nối trực tiếp và hiệu quả giữa cung và cầu, là một hình thức của mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) nhằm tận dụng nguồn lực dư thừa của xã hội để tạo thêm thu nhập cho một bộ phận người lao động và cung cấp cho người tiêu dùng thêm lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ.

“Phép thử” đối với cơ quan quản lý nhà nước

Nếu như coi đây là bước đi tất yếu của thị trường, thì “bài toán” Uber chỉ là phép thử bước đầu đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc áp dụng hợp lý quy định pháp luật đối với các hình thức kinh doanh sử dụng ứng dụng công nghệ, không chỉ trong lĩnh vực giao thông vận tải mà còn trên nhiều lĩnh vực khác.

Trong các thông tin cung cấp cho báo chí và giải trình với các cơ quan quản lý, Uber khẳng định, loại hình kinh doanh của Công ty là cung cấp dịch vụ công nghệ và không trực tiếp kinh doanh vận tải hành khách.

Tuy nhiên, việc cung cấp ứng dụng và đồng thời tham gia định giá dịch vụ, thu phí, điều phối xe, thu thập thông tin người dùng đã khiến Uber không chỉ đơn thuần là đơn vị cung cấp công nghệ như Công ty khẳng định.

Đây chính là vướng mắc pháp lý cơ bản, mà Công ty Uber gặp phải tại các quốc gia sử dụng dịch vụ này.

Một trong số những vấn đề mà Uber hiện đang gặp phải ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam như:

Thứ nhất, việc xác định rõ hình thức kinh doanh của Uber là cung cấp dịch vụ hay kinh doanh vận tải đường bộ là việc làm cần thiết để có phương án quản lý nhà nước và tính thuế phù hợp. Bên cạnh đó, cần làm rõ hình thức kinh doanh của các cá nhân, tổ chức tham gia kết nối mạng Uber để cung cấp dịch vụ vận tải và thu lợi nhuận.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”, và do đó, những cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động kinh doanh sẽ phải đăng ký kinh doanh và đóng thuế theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, việc quy định mức giá thấp hơn giá dịch vụ chuyên chở thông thường tại các quốc gia và không phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh về dịch vụ vận tải đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, Uber tham gia cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại đến lợi ích của nhiều doanh nghiệp và người lao động.

Thứ ba, trong một số trường hợp, người lái xe tham gia Uber không được đào tạo theo tiêu chuẩn và chọn lựa không đúng theo các tiêu chí, mà Uber đã cam kết, đã có trường hợp gây nguy hiểm cho người sử dụng dịch vụ tại một số quốc gia. 

Thứ tư, hiện nay chưa có tiêu chí, điều kiện cụ thể về phương tiện tham gia cung cấp dịch vụ, do vậy có thể có xe kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn, không có bảo hiểm hành khách tham gia chuyên chở gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Thứ năm, mới có một phương thức thanh toán là qua thẻ tín dụng, chưa có nhiều lựa chọn cho khách hàng như ví điện tử, tiền mặt.

Thứ sáu, vấn đề về trách nhiệm xử lý khiếu nại của khách hàng khi gặp các sự cố chưa được quy định rõ là thuộc về Công ty Uber hay người cung cấp phương tiện.

Cần làm rõ hình thức hoạt động của Uber

Có thể nói, việc làm rõ hình thức hoạt động của Uber sẽ là bước đi cần thiết nhằm xác lập những chủ trương pháp lý đối với Uber.

Về quan điểm quản lý nhà nước, pháp luật Việt Nam đề cao quyền tự do kinh doanh của người dân thể hiện qua những quy định mới tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 và cao nhất là tại Hiến pháp 2013, theo đó mọi người có quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Trên tinh thần đó của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, việc xem xét thừa nhận hoạt động cung cấp dịch vụ của Uber tại Việt Nam với cơ chế quản lý thích hợp là cần thiết.

Tuy nhiên, do đây là phương thức kinh doanh mới, chưa được quy định cụ thể nên cần nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý phù hợp trên quan điểm tôn trọng sự phát triển của thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

Việc Uber tham gia vào thị trường Việt Nam đang được các cơ quan nhà nước xem xét để có hình thức quản lý phù hợp. Tuy nhiên, với những quan điểm mới, có thể tin tưởng rằng doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ tìm được tiếng nói chung và đó sẽ là giải pháp hướng đến lợi ích của toàn xã hội.