UNDP kêu gọi cơ cấu lại nợ của các nước đang phát triển
Theo một hướng dẫn mới vừa được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 22/2, các nền kinh tế đang phát triển có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ USD nếu thế giới cam kết tái cơ cấu nợ hiện tại và mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính hợp lý trong tương lai.
Hướng dẫn này được phát hành trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 sẽ được tổ chức tại Bangalore, Ấn Độ trong tuần này.
Giám đốc UNDP Achim Steiner cho biết: “Các khối xây dựng để chuyển đổi hệ thống tài chính toàn cầu đã được thảo luận tại G20 - cải cách ngân hàng phát triển đa phương, tái cơ cấu nợ và bơm thanh khoản - nhưng khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển ngày càng xấu đi, chúng ta cần thảo luận về điều đó”.
Bản hướng dẫn có tựa đề “Xây dựng các khối để thoát khỏi khủng hoảng,” xác định 52 nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình và thấp đang lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần hoặc có nguy cơ lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần, đại diện cho hơn 40% những người nghèo nhất thế giới.
Hướng dẫn cho thấy việc giảm 30% nợ công nước ngoài tồn đọng của họ vào năm 2021 có thể tiết kiệm tới 148 tỷ USD trong các khoản thanh toán nợ trong 8 năm.
Giảm bớt tác động của các cuộc khủng hoảng hiện tại
UNDP nhắc lại rằng các nhà lãnh đạo thế giới được kêu gọi hành động để giúp các nước đang phát triển giảm bớt tác động của các cuộc khủng hoảng chồng chéo hiện nay, đồng thời bảo đảm rằng các nguồn tài chính được liên kết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng, toàn diện cho tất cả các quốc gia.
Theo UNDP, hiện nay, 25 chính phủ ở các nền kinh tế đang phát triển có khoản thanh toán nghĩa vụ nợ nước ngoài trên 20% tổng doanh thu của họ - con số cao nhất tại các quốc gia trong hơn 20 năm qua.
UNDP cho biết thêm, cùng với gánh nặng nợ ngày càng tăng, chi tiêu cho các dịch vụ thiết yếu, bao gồm các biện pháp thích ứng và ứng phó với khủng hoảng khí hậu, bị giảm.
Ông Steiner lập luận: “Các quốc gia chịu gánh nặng nợ nần nhiều nhất và thiếu khả năng tiếp cận tài chính cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều cuộc khủng hoảng khác – họ nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động kinh tế của COVID-19, nghèo đói và tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.
Giải quyết khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và nghèo
Trong bối cảnh đó, theo Giám đốc UNDP, bây giờ là lúc để giải quyết khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và nước nghèo, thay đổi cục diện đa phương và tạo ra một cấu trúc nợ phù hợp với bối cảnh thế giới hiện nay.
Bản hướng dẫn của UNDP cũng nêu bật các biện pháp chính sách cấp bách cần thiết để đảo ngược cuộc khủng hoảng nợ hiện nay và cho thấy tác động có khả năng biến đổi của việc giải quyết nợ và mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính dài hạn, chi phí thấp - hai trong số các lĩnh vực trọng tâm được nêu trong kế hoạch Phục hồi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được của Tổng thư ký Liên hợp quốc công bố vào tuần trước.
Theo báo cáo của UNDP, khoản tiết kiệm tới 148 tỷ USD trong các khoản thanh toán nợ có thể được “mở khóa” bằng kế hoạch phục hồi SDGs của Liên hợp quốc và khoản tiết kiệm thêm 120 tỷ USD cũng có thể được tạo ra bằng cách "tái cấp vốn" cho khoản nợ trái phiếu của các quốc gia có thu nhập trung bình theo lãi suất nợ chính thức.
Cho phép tài trợ để đạt được SDGs và Thỏa thuận Paris
Kế hoạch nhấn mạnh sự cần thiết của cộng đồng quốc tế để cùng nhau huy động đầu tư cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và đề xuất 3 lĩnh vực cần hành động ngay lập tức, đó là: bơm thanh khoản, tái cơ cấu nợ chính phủ và giảm chi phí cho các khoản vay dài hạn đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Nhà kinh tế trưởng của UNDP George Gray Molina cho biết: “Số tiền tiết kiệm được hàng tỷ USD do UNDP xác định chỉ có thể đạt được nếu chúng ta cùng đồng ý rằng đã đến lúc 'loại bỏ rủi ro' cho tài chính khí hậu và phát triển”.
“Nếu một nền kinh tế đang phát triển đi vay với lãi suất 12 hoặc 14% và dành hơn 20% thu nhập của mình mỗi năm để trả nợ, thì đơn giản là không có cơ hội để tài trợ cho tiến trình đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững hoặc các cam kết được đưa ra trong Thỏa thuận Paris” – nhà kinh tế lập luận.
Bên cạnh đó, tài liệu vừa được UNDP công bố cũng cho thấy rằng đối với nhóm các nước nghèo hơn cần tiếp cận tốt hơn với nguồn tài chính ưu đãi, chẳng hạn như dưới hình thức viện trợ không hoàn lại.
Đối với hầu hết các nền kinh tế có thu nhập trung bình phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế thường xuyên biến động, việc tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài chính rẻ hơn có thể làm tăng đáng kể dư địa tài khóa. Ví dụ, việc “tái cấp vốn” cho 40% khoản nợ trái phiếu của các quốc gia có thu nhập trung bình ở mức lãi suất trung bình của các chủ nợ chính thức có thể tiết kiệm được hơn 120 tỷ USD tiền lãi trong vòng 8 năm.
Báo cáo cũng nhấn mạnh khả năng giảm chi phí vay cho các khoản đầu tư phù hợp với Thỏa thuận Paris và các Mục tiêu phát triển bền vững./.