Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo Lê Minh/baovinhphuc.vn

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), hiện nay, các đơn vị liên quan trên địa bàn tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa nền hành chính, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP kiểm tra các cơ sở sản xuất giò, chả trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP kiểm tra các cơ sở sản xuất giò, chả trên địa bàn.

Sở Y tế được UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành (BCĐLN) về an toàn thực phẩm (ATTP). Trong những năm qua, sở đã tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc, nhất là lĩnh vực VSATTP, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, văn bản, kế hoạch công khai về danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực ATTP bị bãi bỏ; triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong việc tiếp nhận, trả kết quả cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm trên phần mềm IGate…

Trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, sở đã cấp hơn 500 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; 160 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý và cấp 6 giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho nhóm thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Với vai trò tham mưu cho Sở Y tế trong công tác quản lý nhà nước về ATTP, Chi cục ATVSTP thường xuyên chỉ đạo, rà soát, đánh giá, đề xuất nhiều phương án đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, các bước thực hiện trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); rà soát, đưa các TTHC được cung cấp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Chi cục ATVSTP có 1 phần mềm quản lý ATTP, hệ thống Website - trang thông tin điện tử định kỳ được nâng cấp nhằm phát huy tối đa hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP; công khai, minh bạch các dịch vụ hành chính công; tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học về ATTP; cập nhật đầy đủ tin tức ATTP liên quan đến doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh cũng như công khai danh sách các cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP để người dân có thể theo dõi, nắm bắt.

Ngoài ra, đơn vị duy trì, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại cơ quan nhằm thực hiện hiệu quả việc kiểm soát thủ tục hành chính. Trong thời gian qua, kết quả giải quyết hồ sơ, TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 luôn đạt trên 90%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của tất cả các TTHC trên hệ thống một cửa của tỉnh đạt trên 98%.

Bà Nguyễn Thị Lan, chủ một cửa hàng cháo dinh dưỡng trên đường Mê Linh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: "Công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ về lĩnh vực ATTP thực hiện theo cách thủ công truyền thống, gặp nhiều khó khăn về việc lưu trữ; tra cứu thông tin, nhưng đến nay, đã được xử lý nhanh chóng và thuận tiện trên môi trường mạng.

Khi mở cửa hàng, làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tôi thực hiện hoàn toàn qua mạng internet và thấy rất thuận tiện. Tôi hy vọng, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục triển khai, ứng dụng thêm nhiều phần mềm giải quyết TTHC nói chung, trong lĩnh vực VSATTP nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh".

Mặc dù, chương trình, kế hoạch cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh luôn đạt được những kết quả tích cực; nhận thức của cán bộ, người dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác VSATTP đối với sức khỏe con người ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, cần có giải pháp để ngăn chặn vi phạm từ gốc.

Hiện tại, các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai, duy trì các phần mềm; ứng dụng CNTT để kiểm soát chặt chẽ các TTHC, nhất là việc cấp phép, cấp giấy chứng nhận VSATTP cho các cơ sở kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP, hạn chế tối đa vi phạm, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn.