Đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm
Sau thời gian phòng, chống dịch COVID-19 căng thẳng, hiện nhiều điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống và một số tụ điểm vui chơi giải trí đã hoạt động trở lại. Cùng với việc phát triển, phục hồi kinh tế, vấn đề kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tiếp tục là vấn đề "nóng" cần được giải quyết.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 92 triệu đồng đối với bà Trần Thị Ý Nhi (đại diện tiệm bánh Liên Hoa, số 165 Phan Chu Trinh, phường 9, thành phố Ðà Lạt) do vi phạm các quy định trong quá trình kinh doanh; đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm 3 tháng. Cụ thể, UBND tỉnh xử phạt 80 triệu đồng với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng sức khỏe từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, 3 vi phạm khác gồm: Không lưu mẫu thức ăn; thiết bị bảo quản suất ăn sẵn, phương tiện vận chuyển không bảo đảm vệ sinh; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước sẽ bị xử phạt mỗi hành vi 4 triệu đồng. Trước đó, khi sử dụng bánh mì của chuỗi cửa hàng Liên Hoa tại thành phố Ðà Lạt, hơn 100 người dân và du khách phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Thực tế là không ít vụ ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân do chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện đúng quy định công tác bảo đảm ATTP gây ra. Chỉ tính riêng trong năm 2021, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 48.000 lượt cơ sở, vào các ngành, nhóm sản phẩm, các khâu chế biến có nguy cơ cao về mất ATTP, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm gần 7.000 cơ sở với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng.
Có thể thấy, tình trạng vi phạm ATTP đang ở mức "báo động đỏ" do vấn nạn thực phẩm "bẩn" tràn lan khắp thị trường, từ các chợ dân sinh cho đến các cửa hàng trực tuyến; tình trạng mất ATTP ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề nhức nhối, chưa có cách giải quyết triệt để. Phần lớn các thực phẩm này không bảo đảm về chất lượng, không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng khó lựa chọn được các sản phẩm bảo đảm sức khỏe.
Mặt khác, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm bị nhiễm độc từ môi trường, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, tưới tiêu trong nông nghiệp làm tăng nguy cơ rau, quả nhiễm hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh. Các cơ sở chế biến không bảo đảm đúng quy trình chế biến, không có giấy phép đủ tiêu chuẩn ATTP, môi trường làm việc thiếu vệ sinh… Bên cạnh đó, lợi dụng xu hướng mua hàng trực tuyến ngày càng gia tăng, một số cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả, hàng kém chất lượng được "phù phép" trở thành hàng nhập khẩu khiến công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, khách hàng thường biết đến các địa chỉ bán thực phẩm online thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các trang rao vặt. Ðiều đáng nói, hầu hết cơ sở này đều kinh doanh không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về ATTP. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng... cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng. Chính vì vậy, bên cạnh những tiện ích thì việc mua thực phẩm chế biến sẵn được bán online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.
Thời điểm hiện tại, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Cùng với phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, công tác bảo đảm ATTP cần được chú trọng. Theo đó, các cơ quan và ngành chức năng cần đổi mới, đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý ATTP; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP để giảm ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh, chế biến thực phẩm; thực hiện đăng ký đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; bố trí khu vực chế biến thực phẩm hợp lý, bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ, cách biệt với nguồn ô nhiễm.
Thực phẩm chế biến có nguồn gốc rõ ràng, an toàn; không sử dụng những chất cấm trong quá trình sản xuất, như: Chất phụ gia, hóa chất độc hại, chất tẩy rửa... Sản phẩm cần ghi rõ tên thực phẩm, thành phần, ngày sản xuất, ngày hết hạn, nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm để người tiêu dùng nắm rõ được những thông tin liên quan. Người tiêu dùng tự nâng cao kiến thức, trang bị kiến thức về chất lượng thực phẩm, ATTP. Khi phát hiện các vi phạm liên quan ATTP của cơ sở là nhà hàng, cửa hàng ăn uống… cần sớm trình báo với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.