Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng tài sản công của ngành Tài chính

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 Tháng 3/2020

Những năm qua, vấn đề đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư. Trong công tác quản lý tài sản công của ngành Tài chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua đã tập trung xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; xây dựng, vận hành Trang thông tin điện tử về tài sản công và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công trở thành một chủ trương xuyên suốt, thống nhất trong các văn bản pháp lý, nhằm bắt kịp với xu thế phát triển công nghệ hiện nay, phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý điều hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những kết quả đạt được

Theo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý tài sản công đã tập trung xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được xây dựng nhằm tạo lập và cung cấp thông tin tài chính chất lượng tốt cho các đối tượng sử dụng dữ liệu.

Thông tin trong cơ sở dữ liệu hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng tài sản công; đặc biệt là công tác lập kế hoạch, dự toán đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, ra quyết định và tổ chức thực hiện xử lý, khai thác tài sản công, góp phần kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài sản. Việc đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công cũng tạo lập cơ sở quan trọng để thực hiện công khai, minh bạch về tài sản; đồng thời, góp phần hỗ trợ thiết kế chính sách và chỉ đạo, điều hành phù hợp (ban hành tiêu chuẩn, định mức, lập kế hoạch đầu tư...).

Bộ Tài chính đã xây dựng và vận hành 04 cơ sở dữ liệu về tài sản công gồm: Cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước (quản lý tài sản là đất nhà, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại, các loại tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản, tài sản dự án); cơ sở dữ liệu về tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu về tài sản cố định tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nhằm giúp cơ quan tài chính các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có điều kiện thực hiện đúng và kịp thời quy định này; đồng thời, góp phần đổi mới một bước công tác quản lý nhà nước về tài sản theo hướng hiện đại, hiệu lực và hiệu quả, Bộ Tài chính đã xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quản lý đăng ký tài sản nhà nước (TSNN) để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN. Đến nay, cơ sở dữ liệu đã cập nhật và quản lý, lưu trữ lượng thông tin rất lớn. Trong đó, theo thống kê từ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, cơ sở dữ liệu đã lưu trữ quản lý được thông tin của 106.820 cơ quan, tổ chức, đơn vị trên phạm vi cả nước thuộc phạm vi quản lý của 63 bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định… (Bảng 1)

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng tài sản công của ngành Tài chính - Ảnh 1

Trong thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài sản công đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng được giao trực tiếp quản lý, sử dụng, cụ thể như:

Một là, ứng dụng CNTT đóng vai trò quan trọng vào công tác quản lý nhà nước về tài sản công. Thông qua cơ sở dữ liệu, các cơ quan chức năng của Nhà nước, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đã nắm được tổng thể và chi tiết về chủng loại, số lượng, hiện trạng sử dụng của tài sản công tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp một cách đầy đủ, kịp thời. Cơ sở dữ liệu là một kênh thông tin đắc lực giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý tài sản công phù hợp, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế chính sách và thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tiễn, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hai là, ứng dụng CNTT góp phần công khai, minh bạch công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Trang thông tin về tài sản công là phương tiện để công khai tình hình quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; các thông báo về đấu giá, đấu thầu, niêm yết giá (bình quân khoảng 2.200 thông báo/năm) giúp cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận một cách kịp thời, rộng rãi và liên tục về vấn đề mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản công. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công với hệ thống thông tin thống nhất từ cơ sở đến trung ương cho phép các cơ quan quản lý cấp trên bao quát tổng thể và chi tiết tài sản của các đơn vị cấp dưới, góp phần tích cực vào việc minh bạch thông tin khi ra các quyết định liên quan đến tài sản công. Việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến cho phép giải quyết các tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế chính sách và thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tiễn được nhanh gọn, tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, cá nhân, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Ba là, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công cho phép quản lý, lưu trữ và cập nhật một cách kịp thời, từng bước đầy đủ thông tin về hiện trạng, biến động của tài sản công. Trước đây, để tổng hợp, phân tích dữ liệu về tài sản công đều phải thông qua phương pháp thủ công theo quy trình cơ quan quản lý cấp trên đưa ra yêu cầu với các cơ quan quản lý cấp dưới đến đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công; cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công tổng hợp thông tin, báo cáo qua lần lượt các cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, báo cáo cơ quan đưa ra yêu cầu.

Bốn là, CNTT góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến quản lý tài sản công. Theo đó, nhằm phổ biến các chính sách, chế độ liên quan đến lĩnh vực quản lý tài sản công, truyền tải các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Tài chính về công tác quản lý tài sản công được đầy đủ, kịp thời; đồng thời, công khai, minh bạch thông tin trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công, năm 2011, Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) đã xây dựng Trang thông tin điện tử về tài sản công (http://taisancong.vn). Trang thông tin điện tử về tài sản công, với việc cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, thủ tục hành chính giúp các cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng tài sản công tổ chức thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hạn chế tối đa những sai sót trong quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công.

Một số khó khăn, thách thức

Thực tiễn ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài sản công thời gian qua cũng cho thấy còn có một số khó khăn, thách thức sau:

Thứ nhất, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa bao quát được các loại tài sản công theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Theo Nguyễn Thị Phương Hảo (2019), mặc dù, đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công nhưng đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công cũng chỉ quản lý được dữ liệu về tài sản công có giá trị lớn trong khu vực hành chính sự nghiệp (nhà, đất, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản), tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung... Việc cơ sở dữ liệu chưa bao quát hết các loại tài sản công dẫn đến tình trạng thiếu thông tin tổng thể về tài sản gây khó khăn cho việc hoạch định, xây dựng chiến lược, quyết định các vấn đề về tài sản công và đánh giá tổng thể nguồn lực của quốc gia.

Thứ hai, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đầy đủ, kịp thời do không ít đơn vị vẫn chưa chấp hành nghiêm việc kê khai biến động tài sản theo quy định. Theo quy định hiện hành, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phát sinh tăng, giảm, biến động tài sản các đơn vị phải đăng nhập trong cơ sở dữ liệu quốc gia, nhưng cho đến nay còn có nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm quy định này. Rõ ràng, sự đầy đủ của thông tin phụ thuộc rất lớn vào việc báo cáo kê khai, đăng nhập dữ liệu của các đơn vị cơ sở.

Thứ ba, việc ứng dụng CNTT vào việc thực hiện các giao dịch về tài sản công còn chưa nhiều và kết quả chưa như kỳ vọng, thời gian qua chủ yếu mới tập trung vào việc hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng tài sản công là vấn đề mới, do vậy, quá trình triển khai thực hiện cần có thời gian và bước đi phù hợp. Ngoài ra, hiện nay, các chi phí tài chính để đầu tư hệ thống CNTT khá lớn, trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Thứ tư, nhận thức trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý vẫn còn bất cập. Một số cấp, ngành, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vai trò của ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý ngại thay đổi hoặc không bắt kịp sự thay đổi trong cách thức quản lý khi ứng dụng CNTT. Việc chấp hành các quy định về đăng tải thông tin đấu giá, đấu thầu, niêm yết giá hiện nay còn chưa nghiêm.

Thứ năm, nguồn kinh phí để ứng dụng CNTT cũng còn nhiều hạn chế. Theo Điều 116 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công là hệ thống CNTT do Bộ Tài chính tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành nhằm thực hiện việc bán tài sản công, cho thuê tài sản công, chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác tài sản công và các giao dịch khác về tài sản.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc xây dựng và quản lý vận hành Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn về hạ tầng máy chủ, phần mềm ứng dụng. Vì vậy, việc xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công theo hình thức đối tác công – tư (PPP) nhằm bảo đảm cải cách hành chính, công khai, minh bạch nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, chia sẻ lợi ích, rủi ro là việc làm cần thiết hiện nay.

Việc giao cho nhà đầu tư thực hiện theo hình thức PPP vẫn đảm bảo quyền của Bộ Tài chính trong việc tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành, cũng như đảm bảo công tác giám sát, thực hiện biện pháp xác thực để đảm bảo an toàn của Hệ thống. Hình thức đầu tư này cũng phù hợp với quy định tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vốn, khoa học công nghệ để phát triển tài sản công và hiện đại hóa công tác quản lý cung cấp dịch vụ công.

Đề xuất, kiến nghị

Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài sản công của ngành Tài chính, trong đó, trọng tâm là việc xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công là một chính sách quan trọng thể hiện xuyên suốt từ Luật Quản lý, sử dụng TSNN năm 2008 đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Quá trình triển khai ứng dụng CNTT thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng thực tiễn triển khai công tác này cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công. Theo đó, cần tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng sau:

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đơn vị, cá nhân liên quan về tầm quan trọng trong việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý công sản; Chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, đơn vị khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến đã xây dựng, phát huy hiệu quả các phần mềm này.

- Tăng cường triển khai các ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng tài sản công, đáp ứng yêu cầu việc triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài chính - ngân sách theo Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ nhằm thích ứng, khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ Tài chính đã xây dựng và vận hành 04 cơ sở dữ liệu về tài sản công gồm: Cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước (quản lý tài sản là đất nhà, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại, các loại tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản, tài sản dự án); cơ sở dữ liệu về tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu về tài sản cố định tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công, nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công để tiến tới quản lý tất cả các tài sản công theo quy định. Việc nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để bảo đảm cơ sở dữ liệu quốc gia có đầy đủ các thông tin về tài sản theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đáp ứng yêu cầu của kế toán tài sản công, nắm chắc nguồn lực của Nhà nước và có kế hoạch, tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công hiệu quả phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp.

- Xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản...), đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về việc báo cáo kê khai, đăng nhập dữ liệu, sử dụng dữ liệu về tài sản công, gửi thông tin đấu giá, đấu thầu, niêm yết giá để đăng tải trên Trang thông tin về tài sản công và thực hiện các giao dịch điện tử về tài sản công.

- Tiếp tục dành nguồn lực ngân sách đáng kể cho việc hiện đại hóa CNTT phục vụ công tác quản lý công sản.

- Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào quá trình ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng tài sản công: Tổ chức tốt các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản trị cơ sở dữ liệu, cán bộ trực tiếp nhập, duyệt, khai thác dữ liệu, tham gia vào việc cùng xây dựng và phát triển các ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng tài sản công; Có chế độ phù hợp, chính sách ưu đãi tốt nhằm tạo sự gắn bó, nâng cao chất lượng cán bộ phụ trách CNTT tại các bộ, ngành, địa phương, qua đó, hình thành một đội ngũ chuyên nghiệp và hiệu quả.   

Tài liệu tham khảo:

Quốc hội (2017), Luật Quản lý sử dụng tài sản công;

La Văn Thịnh, Nguyễn Tân Thịnh (2019), Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Một năm nhìn lại, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2019;

Nguyễn Thị Phương Hảo (2019), Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng tài sản công: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 4/2019;

Đức Minh (2019), Hiện đại hóa quản lý tài sản công bằng công nghệ thông tin, Truy cập ngày 1/3/2020 từ link: http://www.taichinhdientu.vn/tai-chinh/hien-dai-hoa-quan-ly-tai-san-cong-bang-cntt-159813.html;

Một số website: mof.gov.vn, taisancong.vn, tapchitaichinh.vn.