Chín kết quả nổi bật trong quản lý, sử dụng tài sản công
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, với sự vào cuộc triển khai tích cực của các bộ, ngành, địa phương, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả thiết thực; trong đó, nổi bật lên 9 điểm nhấn quan trọng trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Một là, đã có 30 bộ, ngành và 60 địa phương tổ chức tập huấn triển khai Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành đến các cơ quan chủ quản, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn đến tận lãnh đạo, cán bộ tài chính cấp xã. Các Bộ, ngành, địa phương còn lại đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc phạm vi quản lý đề nghị triển khai thi hành Luật hoặc tổ chức họp để quán triệt việc triển khai Luật.
Hai là, đã có 29 bộ, ngành và 63 địa phương thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành, địa phương liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Ba là, đã có 11 bộ, ngành và 62 địa phương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công.Một số Bộ, ngành, địa phương báo cáo đã thực hiện phân cấp; tuy nhiên, văn bản phân cấp là văn bản đã ban hành theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Đến nay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã hết hiệu lực thi hành; vì vậy, chưa được xác định là đã ban hành văn bản quy định về phân cấp quản lý tài sản công.
Bốn là, đã có 06 bộ, ngành và 15 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng; 02 Bộ, ngành và 01 địa phương báo cáo không thực hiện phân cấp thẩm quyền ban hành; các bộ, ngành, địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc chưa thực hiện.
Bên cạnh đó, có 12 bộ, ngành và 32 địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, 05 bộ, ngành và 03 địa phương tiếp tục thực hiện theo các Quyết định về tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng đã ban hành theo quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg; 02 bộ, ngành báo cáo không có máy móc, thiết bị chuyên dùng.
Cùng với đó, có 03 bộ, ngành và 05 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý; 07 bộ, ngành và 01 địa phương báo cáo không thực hiện phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp; có 02 bộ, ngành và 05 địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích trụ sở làm việc chuyên dùng, công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Năm là, căn cứ quy định, Bộ Tài chính đã giao Cục Quản lý công sản đã mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý số tiền thu được từ xử lý tài sản công thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng, Cục Tài chính - Bộ Công an và 62 địa phương đã thực hiện việc mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước theo quy định; 01 địa phương chưa thực hiện việc mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.
Sáu là, đã có 26 bộ, ngành và 51 địa phương đã thực hiện việc rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung.
Bẩy là, đã có 01 bộ, ngành và 09 địa phương ban hành quy định về tài sản có giá trị lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê; 09 địa phương đang xây dựng dự thảo; 02 địa phương đang xin ý kiến dự thảo; 02 địa phương đang trình Uỷ ban nhân dân tỉnh; 37 địa phương chưa thực hiện. Các bộ, ngành khác không có báo cáo về nội dung này.
Ngoài ra, có 02 bộ, 30 địa phương ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; 01 bộ và 01 địa phương báo cáo không thực hiện phân cấp. Các bộ, ngành, địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng dự thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.
Tám là, có 14 địa phương thực hiện việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản; 02 địa phương báo cáo không phát sinh công việc do địa bàn tỉnh không có hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa; các địa phương còn lại chưa thực hiện hoặc không báo cáo nội dung này.
Chín là, có 31 bộ, ngành và 62 địa phương thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; 04 bộ, ngành và 01 địa phương chưa thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu.