Ứng dụng điện toán đám mây: Xu hướng và khuyến nghị
Điện toán đám mây đang là xu thế công nghệ của thời đại, là một phần nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, việc ứng dụng điện toán đám mây trong các doanh nghiệp đến nay vẫn chưa mạnh mẽ do thiếu các cơ chế, chính sách; hơn nữa, việc sử dụng được ứng dụng này yêu cầu lớn nhất chính là thiết bị phải có kết nối với internet. Vì vậy, những khó khăn liên quan đến internet sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến điện toán đám mây. Bài viết nhận diện những thách thức và cơ hội của việc ứng dụng điện toán đám mây trong doanh nghiệp hiện nay, đề xuất những giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng được những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ứng dụng điện toán đám mây đang trở thành xu hướng chủ đạo
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ với các công nghệ: điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... Điện toán đám mây đóng vai trò nền tảng kiến tạo, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN), các tổ chức.
Điện toán đám mây cho phép các ứng dụng bớt lệ thuộc vào mạng hạ tầng, tiết kiệm cho người dùng khi không cần đầu tư vào hệ thống phần cứng. Thị trường dịch vụ đám mây công cộng sẽ liên tục tăng trưởng, cùng với đó, các DN sẽ phải phát triển hệ thống điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu ảo phục vụ cho khả năng tương tác lẫn nhau giữa các thiết bị. Trong tương lai, mọi thứ sẽ dần được kiểm soát thông qua internet như: các thiết bị giám sát, y tế, trường học, dịch vụ của DN...
Thực tiễn cho thấy, điện toán đám mây mang lại nhiều lợi ích to lớn như sự chuẩn hóa sản phẩm và dịch vụ, giảm thiểu chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và linh hoạt trong mô hình kinh doanh, sẵn sàng mở rộng khi cần thiết.
Những thay đổi này sẽ định hình lại mối quan hệ giữa khách hàng và công ty, phá vỡ rào cản giữa các ngành công nghiệp. Nhờ đó, các công ty có thể đổi mới, thiết lập các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, mở rộng quy mô kinh doanh để thu hút khách hàng, tạo lập nguồn thu nhập mới thông qua tương tác với điện toán đám mây. Ví dụ, với ngành Ngân hàng, việc số hóa giúp mỗi năm tăng khoảng 10% khối lượng dữ liệu, tăng từ 15% đến 20% khối lượng giao dịch và giảm chi phí kinh doanh lên đến 20%.
Nghiên cứu thị trường vào cuối năm 2016 của Cisco cho thấy, gần 68% các tổ chức đang sử dụng điện toán đám mây để nâng cao kết quả kinh doanh, tăng 61% so với nghiên cứu của năm ngoái. Việc sử dụng điện toán đám mây ngày càng rộng rãi là nhờ vào các ứng dụng thuần đám mây, bao gồm các giải pháp bảo mật và IoT trên nền tảng đám mây.
Theo thống kê từ năm 2006 đến nay, điện toán đám mây đã đảm nhiệm khoảng 75% tổng khối lượng tính toán của các máy chủ. Dự kiến giai đoạn 2015-2020, số lượng máy chủ dành cho điện toán đám mây tăng 15%/năm, tỷ trọng khối lượng tính toán trong các trung tâm dữ liệu tăng đến 92% vào năm 2020. Với xu thế như vậy, chi tiêu cho điện toán đám mây trên toàn cầu tăng 42,5%/năm. Như vậy, điện toán đám mây đang trở thành xu thế công nghệ tất yếu của thời đại và là một thành phần nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức (69%) không có chiến lược điện toán đám mây với cấp độ trưởng thành cao và chỉ 3% có chiến lược tối ưu hóa điện toán đám mây tạo ra kết quả kinh doanh vượt trội. Tính trung bình, các tổ chức “ứng dụng điện toán đám mây tiên tiến nhất” nhận thấy, lợi nhuận hàng năm của việc ứng dụng trên nền tảng đám mây tăng thêm 3 triệu USD doanh thu và tiết kiệm 1 triệu USD chi phí. Doanh thu tăng chủ yếu từ việc bán các sản phẩm và dịch vụ mới, dành được khách hàng mới nhanh hơn, hay khả năng bán hàng vào các thị trường mới nhanh hơn.
Tại Việt Nam, việc ứng dụng đám mây trong các DN, tổ chức cũng chưa thực sự mạnh mẽ và sâu rộng. Mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam hiện nay vẫn còn rất thấp (1,7 USD/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan và 1,3 lần so với Philippines.
Những con số trên phản ánh thực tế là đang có rất nhiều rào cản và thách thức trong thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây tại Việt Nam như rủi ro về vấn đề pháp lý; nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thông tin, bởi việc chuyển đổi, bảo mật và triển khai hạ tầng tại các DN rất phức tạp. DN trong nước lo ngại về vấn đề an toàn bảo mật dữ liệu đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ điện toán đám mây là có cơ sở.
Theo đánh giá của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam vào năm 2015, chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam xếp hạng 76 trong số 196 quốc gia trên thế giới và 17 trong số 40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây
Bằng việc xóa mờ khoảng cách giữa hai mô hình điện toán đám mây khác biệt, các DN có thể tận dụng khả năng linh hoạt của điện toán đám mây, chủ động dẫn trước các đối thủ cạnh tranh, cũng như sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thường xuyên thay đổi và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi các dịch vụ sang số hóa với điện toán đám mây, giới chuyên gia kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, có một chính sách ưu tiên cho điện toán đám mây nhằm kích hoạt quá trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng dữ liệu lớn và IoT; Các DN, tổ chức cũng cần có chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng điện toán đám mây sớm, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cụ thể, các DN cần tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, nguồn vốn để hiện đại hóa quy trình kinh doanh bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin; Giảm chi tiêu cho phần cứng, phần mềm, công nghệ thông tin hỗ trợ, an toàn/an ninh bằng thuê ngoài phần mềm cơ sở hạ tầng/nền tảng/dịch vụ; Nâng cao tính linh hoạt và khả năng mở rộng của nguồn lực công nghệ thông tin…
Đồng thời, DN cần tăng cường năng lực tính toán và hiệu quả kinh doanh; Đa dạng hóa hệ thống công nghệ thông tin; Tối ưu hóa các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thông qua quản lý tự động của máy ảo; Đảm bảo quá trình kinh doanh liên tục và khả năng phục hồi thảm họa; Đánh giá tính khả thi và lợi nhuận của các dịch vụ mới (tức là bằng cách phát triển các hướng kinh doanh phù hợp với điện toán đám mây); Tăng dự phòng nóng để nâng cao độ sẵn sàng và khả năng phục hồi; Kiểm soát tốt hơn lợi nhuận và chi phí cận biên.
Đặc biệt, trước khi có hành lang pháp lý cụ thể cho điện toán đám mây, khách hàng và nhà cung cấp đám mây nên tập trung vào các điều khoản của hợp đồng để đánh giá và đề cập đúng mức các nguy cơ bảo mật.
Nghiên cứu công bố cuối năm 2016 của Microsof cũng đã đề xuất 4 lĩnh vực mà lãnh đạo công nghệ thông tin cần phải chú ý để phát động chuyển đổi kỹ thuật số. Trước hết, cần phải thúc đẩy triển khai các công cụ hiện đại về quản lý tăng cường an ninh và phức tạp. Thứ hai, kiểm soát hạ tầng với công cụ quản lý phần mềm trải rộng từ đám mây công cộng tới tư nhân và các đám mây đa thương hiệu. Thứ ba, dịch chuyển nhanh chóng đến một đám mây tích hợp lai giúp nhận được lợi ích tốt nhất từ cả hai đám mây riêng và công cộng. Thứ tư, cần điều chuyển khối lượng công việc phức tạp hơn vào các đám mây để đổi mới, rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường và tối đa hóa tiềm năng mà công nghệ kỹ thuật số mới phải cung cấp.
Tài liệu tham khảo:
1. Benefits, risks and recommendations for information security (The European Network and Information Security Agency (ENISA)) – 2009;
2. Khảo sát của Microsoft công bố ngày 11/11/2016;
3. ThS. KHKT Lê Văn Lợi, Khuyến cáo và nguy cơ của điện toán đám mây.