Ứng dụng kế toán trách nhiệm trong hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam
Kế toán trách nhiệm là một trong những nội dung cơ bản trong kế toán quản trị tại doanh nghiệp, là một trong những công cụ quản lý kinh tế - tài chính quan trọng và hiệu quả trong tổ chức kinh tế, kể cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân. Thông qua kế toán trách nhiệm, nhà quản trị doanh nghiệp có thể đánh giá chất lượng về kết quả của hoạt động của những bộ phận của đơn vị, đo lường được kết quả hoạt động của từng bộ phận và thúc đẩy các nhà quản lý điều hành bộ phận thích hợp theo mục tiêu đề ra. Do vậy, việc nghiên cứu và tổ chức kế toán trách nhiệm là một yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp hiện nay.
Yêu cầu cần thiết phải ứng dụng kế toán trách nhiệm
Kế toán trách nhiệm được đề cập đầu tiên vào những năm 1950 ở Mỹ, sau đó lan rộng sang các nước Anh, Australia, Canada... Từ đó đến nay, kế toán trách nhiệm được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau, cụ thể: Kế toán trách nhiệm để kiểm soát chi phí; Kế toán trách nhiệm đề cao vai trò của các trung tâm trách nhiệm… Về cơ bản, kế toán trách nhiệm được xem như là hệ thống thu thập, xử lý và truyền đạt các thông tin tài chính và phi tài chính có thể kiểm soát theo phạm vi trách nhiệm của từng nhà quản trị nhằm đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp (DN).
Kế toán trách nhiệm được coi là một trong những công cụ tài chính hữu ích cho việc kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh của các nhà quản trị trong DN. Việc chú ý thực hiện nội dung kế toán trách nhiệm sẽ giúp DN phát huy tối đa nguồn lực hiện có và phát triển một cách bền vững. Kế toán trách nhiệm chỉ được thực hiện ở DN có cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý được phân quyền một cách rõ ràng.
Một số quan niệm cũng cho rằng, thực chất kế toán trách nhiệm chính là quá trình phân định, thiết lập những quyền hạn, trách nhiệm cho mỗi bộ phận, cá nhân và một hệ thống chỉ tiêu, công cụ báo cáo kết quả của mỗi bộ phận. Kế toán trách nhiệm “cá nhân hóa” các thông tin kế toán thông qua trách nhiệm cá nhân về các chỉ tiêu doanh thu, chi phí, lợi nhuận hay đầu tư…
Vai trò của kế toán trách nhiệm thường được thể hiện ở những khía cạnh sau đây: Giúp xác định sự đóng góp của từng đơn vị, bộ phận vào lợi ích của toàn bộ tổ chức; Cung cấp cơ sở cho việc đánh giá chất lượng về kết quả hoạt động của những nhà quản lý bộ phận; Đo lường kết quả hoạt động của các nhà quản lý và do đó, nó ảnh hưởng đến cách thức thực hiện hành vi của các nhà quản lý này; Thúc đẩy các nhà quản lý bộ phận điều hành bộ phận của mình theo phương cách phù hợp với những mục tiêu cơ bản của toàn bộ tổ chức.
Tùy thuộc vào đặc điểm cơ cấu tổ chức, mức độ phân cấp quản lý và mục tiêu của nhà quản trị DN mà chia ra thành các trung tâm trách nhiệm tương ứng. Mỗi trung tâm trách nhiệm trong một tổ chức có toàn quyền kiểm soát các hoạt động của trung tâm mình như quản lý về chi phí, doanh thu và các khoản đầu tư. Thông thường có 4 trung tâm trách nhiệm, bao gồm: Trung tâm chi phí, trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhuận, trung tâm đầu tư.
Các trung tâm trách nhiệm tạo ra mối liên hoàn trong hệ thống quản lý. Chẳng hạn, một tập đoàn sản xuất xe hơi có thể xác định các nhà máy lắp ráp là các trung tâm chi phí, công ty phân phối là trung tâm doanh thu, các công ty con trực thuộc tập đoàn là các trung tâm lợi nhuận; công ty mẹ đầu tư vào các công ty con và công ty bất động sản phát triển hệ thống cửa hàng, chi nhánh trực thuộc là các trung tâm đầu tư.
Như vậy, các trung tâm trách nhiệm được hình thành trên đặc điểm cơ cấu bộ máy quản lý và mục tiêu của nhà quản trị. Việc phân chia thành các trung tâm sẽ giúp nhà quản trị có thể dễ dàng đưa ra phương pháp và cách thức hoạt động của trung tâm; đánh giá và kiểm soát, tìm ra những tồn tại để khắc phục và phát huy những ưu điểm của từng trung tâm.
Từ đó, có thể quy trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng từng bộ phận. Việc quy trách nhiệm cho từng đối tượng, từng bộ phận cụ thể sẽ giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng bộ phận, từng nhà quản trị của các trung tâm trách nhiệm, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN một cách bền vững.
Việc phân chia các trung tâm trách nhiệm cũng sẽ tạo ý tưởng cho lãnh đạo công ty trong việc thiết lập một mô hình cơ cấu tốt nhất cho tổ chức, phân chia trách nhiệm quản lý lập kế hoạch, phân tích, báo cáo, tách bạch theo nhóm hoạt động nhằm phát huy tối đa nguồn lực và thuận tiện cho quản lý. Tuy nhiên, trong thực tế, việc lựa chọn trung tâm thích hợp cho một bộ phận trong tổ chức không phải là điều dễ dàng. Do vậy, việc phân biệt rõ ràng các trung tâm trách nhiệm trong một đơn vị chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào quan điểm nhà quản trị cấp cao nhất.
Vận dụng kế toán trách nhiệm ở Việt Nam
Kế toán trách nhiệm ngày càng thể hiện vai trò và vị trí quan trọng trong hoạt động quản lý kinh tế tại các DN ở các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với những nước có nền kinh tế phát triển. Tại Việt Nam, việc vận dụng các nội dung của kế toán trách nhiệm vẫn là một vấn đề khá mới mẻ và đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các DN, đặc biệt là các DN quy mô lớn.
Theo các chuyên gia kế toán, trong xu hướng phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, các DN muốn tồn tại và phát triển phải không ngừng nâng cao năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng việc sử dụng kết hợp các công cụ quản lý kinh tế một cách hài hoà và khoa học. Trong hệ thống công cụ đó, kế toán trách nhiệm được xem như là một trong những vũ khí cần được các DN khai thác và vận dụng bởi tính hiệu quả của nó. Thậm chí, kế toán trách nhiệm còn được đánh giá là “vũ khí” của các công ty lớn, giúp phát huy tối đa nguồn lực trong DN, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống kế toán trách nhiệm ở mỗi DN là khác nhau, phụ thuộc vào quy mô, vào yêu cầu quản lý và năng lực quản lý của các cấp lãnh đạo trong đơn vị. Mô hình quản lý kế toán trách nhiệm thường chỉ phù hợp với các công ty, tập đoàn có quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, lãnh đạo DN tin tưởng vào việc phân quyền cho lãnh đạo cấp dưới, hệ thống kiểm soát và quản lý hoạt động hiệu quả, đảm bảo toàn bộ guồng máy vận động trơn tru. Nói cách khác, hệ thống kế toán trách nhiệm hữu ích phải thỏa mãn lý thuyết phù hợp, nghĩa là có một cấu trúc tổ chức thích hợp nhất với môi trường tổ chức hoạt động, với chiến lược tổng hợp của tổ chức, và với các giá trị và sự khích lệ của quản trị cấp cao.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, kế toán trách nhiệm có thể bị lợi dụng để phục vụ cho việc chuyển giá nhằm tối đa lợi nhuận cho DN. Theo đó, chuyển giá là quá trình chuyển giao lợi nhuận được thiết lập trên cơ sở giao dịch hàng hóa hoặc dịch vụ trong nội bộ các trung tâm trách nhiệm của Tập đoàn.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất, các giao dịch nội bộ sẽ được loại trừ kể cả các khoản doanh thu, chi phí và lợi nhuận nội bộ. Tuy nhiên, căn cứ vào những khác biệt trong chính sách thuế, chính sách ưu đãi đầu tư, phí hải quan, chi phí bảo hiểm, vận chuyển, thuế xuất nhập khẩu… mà các chính sách chuyển giá linh hoạt giữa các trung tâm trách nhiệm sẽ được cố ý “vận dụng” vì lợi ích của DN.
Tài liệu tham khảo:
1. PGS., TS. Nguyễn Quang Ngọc (2010) “Kế toán quản trị DN” – NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
2. Phan Đức Dũng (2012), Kế toán quản trị, NXB Lao động Xã hội;
3. ThS. Hoàng Thị Hương (2016), Kế toán trách nhiệm và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính số tháng 2/2016;
4. Nhịp cầu Đầu tư (2014), Kế toán trách nhiệm: Vũ khí của công ty lớn, Nhịp cầu Đầu tư.