Ứng dụng mô hình kế toán excel vào công tác kế toán giá trị gia tăng hàng nhập khẩu
Hiện nay, có nhiều nghiệp vụ kinh tế, tài chính tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát sinh với nhiều tình huống khác nhau, trong khi đó nhiều chế độ kế toán lại chưa có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Thực tế này khiến việc lập báo cáo kế toán và báo cáo thuế của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bài viết đánh giá thực tế, đề xuất giải pháp hoàn thiện phương pháp hạch toán kế toán của một số nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, qua đó giúp nâng cao chất lượng thông tin kế toán và khả năng ứng dụng của mô hình kế toán excel cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thực trạng kế toán thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu
Theo hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành và thực tế công tác kế toán hiện nay, một số nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh khi định khoản, kế toán. Nhiều trường hợp do chế độ kế toán chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp hạch toán nên khi phát sinh các tình huống khác nhau doanh nghiệp (DN) cũng không ghi sổ ngay mà phải chờ đến khi kết thúc thủ tục cuối cùng của quy trình mới định khoản...
Thực trạng này đã gây ra nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian đối với việc lập các báo cáo kế toán trong công tác kế toán của DN, đặc biệt là khi DN sử dụng phần mềm kế toán nói chung và mô hình kế toán excel nói riêng.
Theo hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành và qua khảo sát thực tế tại các DN nhỏ và vừa có hoạt động nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, tài sản cố định… được hạch toán cụ thể như sau:
Tài khoản sử dụng
Tài khoản 133 - Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được khấu trừ, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1331 - Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: Phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa; dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.
- Tài khoản 1332 - Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định: Phản ánh thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định, bất động sản sử dụng để hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa; dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.
Tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, có 9 tài khoản cấp 2
- Tài khoản 3331- Thuế GTGT phải nộp. Tài khoản này có 2 tài khoản cấp 3:
+ Tài khoản 33311 - Thuế GTGT đầu ra.
+ Tài khoản 33312 - Thuế GTGT hàng nhập khẩu.
- Tài khoản 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Tài khoản 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu.
- Tài khoản 3334 - Thuế thu nhập cá nhân.
- Tài khoản 3335 - Thuế thu nhập cá nhân.
- Tài khoản 3336 - Thuế tài nguyên.
- Tài khoản 3337 - Thuế nhà đất, tiền thuê đất.
- Tài khoản 3338 - Thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác. Tài khoản này có 2 tài khoản cấp 3 là tài khoản 33381 - Thuế bảo vệ môi trường và tài khoản 33382 - Các loại thuế khác.
- Tài khoản 3339 - Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác.
Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
Khi nhập hàng, căn cứ vào tờ khai hải quan và các hoá đơn, chứng từ giao nhận, phiếu nhập hàng xác nhận giá trị hàng nhập, thuế nhập khẩu và thuế GTGT.
Theo Luật Thuế GTGT, thuế GTGT của hàng nhập khẩu chỉ được khấu trừ và được hoàn lại khi DN đã thực nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN). Về lý thuyết thuế GTGT của hàng nhập khẩu sẽ được khấu trừ, được hoàn lại nhưng tại thời điểm nhập hàng chưa đủ điều kiện để được khấu trừ hay hoàn lại ngay, phải chờ đến khi đã thực nộp vào NSNN.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Chế độ kế toán hiện nay, khi nhập hàng kế toán ghi tăng ngay thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nội và tăng thuế GTGT được khấu trừ (nợ 133 (1331, 1332); có 333 (33312)) (nghiệp vụ 1c). Tại nghiệp vụ 1c vẫn còn tồn tại nhiều bất hợp lý:
Thứ nhất, về bản chất hai tài khoản chi tiết 1331- “Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hoá, dịch vụ” và 1332 – “Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định” thuộc tài khoản 133 - Thuế GTGT được khấu trừ” nên nó sẽ được khấu trừ, được hoàn lại; về ý nghĩa kinh tế sẽ được khấu trừ, được hoàn lại ngay khi phát sinh (nếu đây là hàng mua trong nước).
Còn đối với thuế GTGT của hàng nhập khẩu, về bản chất, nó cũng được khấu trừ, được hoàn lại nhưng về ý nghĩa kinh tế, tại thời điểm nhập khẩu do chưa nộp vào NSNN, nên chưa đủ điều kiện để được khấu trừ, được hoàn lại ngay. Do vậy, khi nhập khẩu hàng, kế toán ghi số thuế GTGT của hàng nhập khẩu ngay vào bên nợ tài khoản 133 (1331, 1332) là sai về ý nghĩa.
Thứ hai, khi DN chưa nộp thuế GTGT của hàng nhập khẩu vào NSNN nhưng lại hạch toán ngay vào bên nợ tài khoản 133 (1331, 1332) sẽ dẫn đến lầm tưởng về số thuế GTGT phát sinh nợ tài khoản 1331, 1332 là số thuế được khấu trừ, được hoàn lại ngay.
Hơn nữa, làm cho giá trị của tài khoản 133 (1331, 1332) tồn tại gộp hai khoản thuế với hai ý nghĩa kinh tế khác nhau: Thuế GTGT của hàng mua trong nước thì được khấu trừ, hoàn lại ngay; Còn thuế GTGT của hàng nhập khẩu thì chưa được khấu trừ, hoàn lại ngay mà phải chờ cho đến khi nộp vào NSNN.
Thứ ba, đến cuối tháng, nếu DN vẫn chưa nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu vào NSNN thì số dư của các tài khoản 133 (1331, 1332) cũng sẽ bao gồm cả “số thuế GTGT được khấu trừ, được hoàn lại” và “số thuế GTGT được khấu trừ, được hoàn lại nhưng chưa đủ điều kiện được khấu trừ, được hoàn lại” do chưa nộp vào NSNN.
Do đó, khi khấu trừ thuế GTGT đầu vào với thuế GTGT đầu ra hay khi lập Tờ khai thuế GTGT, kế toán phải nhớ và bóc tách ngược số thuế GTGT của hàng nhập khẩu chưa thực nộp vào NSNN để trừ ra khỏi số thuế GTGT đầu vào mang đi khấu trừ với thuế đầu ra trong kỳ và trừ ra khỏi số thuế GTGT còn được khấu trừ, được hoàn lại kỳ trước chuyển sang trên Tờ khai thuế GTGT.
Thứ tư, nếu DN ứng dụng phần mềm kế toán, hay sử dụng mô hình kế toán excel thì các phần mềm này cũng không thể tự bóc tách giá trị của tài khoàn 133 (1331 và 1332) theo hai chỉ tiêu “Thuế GTGT được khấu trừ, được hoàn lại” và “Thuế GTGT được khấu trừ, được hoàn lại chưa đủ điều kiện để khấu trừ, hoàn lại”. Khi đó, muốn đạt được mục tiêu, kế toán phải bóc tách thủ công để có số liệu và ghi vào các chỉ tiêu trong báo cáo kế toán liên quan bằng phương pháp thủ công.
Đề xuất phương pháp hạch toán mới
Để thuận tiện cho việc lập các báo cáo kế toán, báo cáo thuế GTGT có sử dụng chỉ tiêu thuế GTGT hàng nhập khẩu, bài viết đề xuất phương pháp hạch toán mới giúp minh bạch, từng khoản thuế GTGT như sau:
- Mở thêm cho tài khoản 133 tài khoản chi tiết: 1333 – “Thuế GTGT hàng nhập khẩu chưa đủ điều kiện được khấu trừ, được hoàn lại”:
Nội dung: Tài khoản này sử dụng để theo dõi thuế GTGT hàng mua nhập khẩu nhưng chưa hội đủ điều kiện để được khấu trừ, được hoàn lại.
+ Bên nợ: Phản ánh thuế GTGT hàng nhập khẩu chưa được khấu trừ, được hoàn lại phát sinh.
+ Bên có: Phản ánh số thuế GTGT đã đủ điều kiện được khấu trừ, được hoàn lại phát sinh.
+ Số dư: Phản ánh thuế GTGT hàng nhập khẩu chưa đủ điều kiện được khấu trừ, được hoàn lại cuối kỳ.
Định khoản kế toán:
I. Khi nhập khẩu hàng hoá, vật liệu, công cụ dụng cụ, tài sản cố định:
Ia- Giá trị hàng nhập, ghi:
Nợ 151, 152, 153, 156, 211…
Có 331, 112
Ib- Đồng thời ghi tăng thuế GTGT của hàng mua nhập khẩu chưa đủ điều kiện được khấu trừ, được hoàn lại và ghi tăng thuế GTGT phải nộp, ghi:
Nợ 133 (1333-”Thuế GTGT hàng nhập khẩu chưa đủ điều kiện được khấu trừ, được hoàn lại”)
Có 333 (33312-Thuế GTGT hàng nhập khẩu)
II. Khi nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu vào NSNN:
IIa- Số thuế thuế GTGT hàng nhập khẩu thực nộp:
Nợ 333 (33312)
Có 111, 112
IIb- Đồng thời ghi tăng thuế GTGT được khấu trừ và ghi giảm Thuế GTGT hàng nhập khẩu chưa đủ điều kiện được khấu trừ, được hoàn lại, ghi:
Nợ 133 (1331, 1332)
Có 133 (1333)
III. Thuế GTGT của hàng mua trả lại, giảm giá, chiết khấu:
Nợ 111, 112, 331…
Có 133 (1331, 1332)
IV. Thuế GTGT không được khấu trừ, tính vào chi phí, ghi:
Nợ 154, 632, 242
Có 133 (1331, 1332)
V. Khấu trừ thuế GTGT đầu vào với thuế GTGT đầu ra, ghi:
Nợ 333 (33311-Thuế GTGT đầu ra phải nộp)
Có 133 (1331, 1332)
Quan sát phương pháp hạch toán trên có thể thấy rằng:
Thứ nhất, khi DN mới nhập khẩu hàng thì số thuế GTGT của hàng nhập khẩu được hạch toán vào tài khoản 133 (1333). Đây là tài khoản “Thuế GTGT hàng nhập khẩu chưa đủ điều kiện được khầu trừ, được hoàn lại”. Do đó, khi khấu trừ thuế hay hoàn thuế, giá trị tài khoản 133 (1333) này sẽ không được sử dụng.
Diễn giải hình 2:
Ia. Ghi tăng giá trị hàng, tài sản… nhập khẩu;
Ib. Ghi tăng thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp và ghi tăng thuế GTGT hàng nhập khẩu chưa đủ điều kiện được khấu trừ.
IIa. Nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu vào NSNN;
IIb. Ghi tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi giảm thuế GTGT hàng nhập khẩu chưa đủ điều kiện được khấu trừ.
III. Thuế GTGT của hàng mua trả lại, giảm giá hay được chiết khấu.
IV. Thuế GTGT không được khấu trừ DN tự tính và hạch toán vào chi phí trong kỳ hay phân bổ dần.
V. Khấu trừ thuế GTGT đầu vào với thuế GTGT đầu ra.
Thứ hai, khi DN nộp thuế GTGT của hàng mua nhập khẩu vào NSNN và hạch toán ghi nợ TK 133 (1331, 1332); ghi có TK 133(1333), thì số thuế GTGT được khấu trừ, được hoàn lại (1331, 1332) tăng lên; đồng thời, số “thuế GTGT hàng nhập khẩu chưa đủ điều kiện được khấu trừ, được hoàn lại” giảm xuống. Như vậy, khi khấu trừ hay hoàn thuế, giá trị tài khoản 133 (1331, 1332) sẽ được sử dụng để khấu trừ hay đề nghị hoàn lại theo quy định.
Như vậy, nếu DN sử dụng mô hình kế toán excel để tin học hoá công tác kế toán, thì việc hạch toán này sẽ dễ dàng hơn, góp phần đắc lực cho việc thực hiện các nghiệp vụ kinh tế, tài chính liên quan đến thuế GTGT hàng nhập khẩu.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;
2. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán DN vừa và nhỏ;
3. Bùi Văn Dương(2012), Sách Kế toán tài chính, NXB Thống kê;
4. Đặng Văn Sáng, Bùi Văn Dương, Võ Văn Nhị (2013), Sách Thực hành sổ sách kế toán, Báo cáo Tài chính và Báo cáo thuế GTGT trên Excel, NXB Thống kê;
5. ThS. Đặng Văn Sáng (2013), Sách Thực hành sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo thuế GTGT trên Excel, NXB Thống kê.