Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và việc tiếp cận chuẩn mực kế toán công quốc tế
Bài viết phân tích những điểm nổi bật trong các quy định về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới tại Việt Nam, đồng thời trình bày một số yếu tố gây trở ngại cho quá trình tiếp cận chuẩn mực kế toán công quốc tế, với thực tiễn là nghiên cứu điển hình tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Qua đó một số giải pháp nhằm tăng cường khả năng áp dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới và tiếp cận Chuẩn mực kế toán công quốc tế cũng được đưa ra.
Những điểm mới trong chế độ kế toán hành chính sự nghiệp
Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (HCSN) đã kế thừa những ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế của Chế độ kế toán HCSN ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 185/2010/TT-BTC. Thông tư hướng dẫn chi tiết hơn một số tài khoản, bổ sung nhiều tài khoản mới, quy định rõ phương pháp hạch toán, nhằm phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh mà các quy định trước đó chưa đề cập đến đồng thời bổ sung một số loại sổ sách, báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo quyết toán tại đơn vị kế toán, đồng thời, đáp ứng được yêu cầu của Luật Kế toán 2015 và Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2015.
Thứ nhất, đối tượng áp dụng là: Cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập; tổ chức, đơn vị khác có hoặc không sử dụng NSNN. Các ĐVSN công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (DN), áp dụng chế độ kế toán DN khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành.
Thứ hai, chứng từ kế toán, việc sử dụng chứng từ kế toán quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC linh hoạt hơn so với Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 185/2010/TT-BTC. Nếu như trước đây, các đơn vị HCSN phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ theo quy định; không được tự thiết kế và sử dụng mẫu chứng từ khi chưa được Bộ Tài chính chấp thuận, thì Thông tư mới quy định rõ chứng từ kế toán được phân thành 2 loại: Chứng từ thuộc loại bắt buộc và chứng từ được tự thiết kế. Các chứng từ thuộc loại bắt buộc gồm: Phiếu thu, phiếu chi, giấy đề nghị thanh toán tạm ứng, biên lai thu tiền. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ thuộc loại bắt buộc.
Thứ ba, về hệ thống tài khoản kế toán, Thông tư số 107/2017/TT-BTC mở rộng, chi tiết và cụ thể hơn với 10 loại tài khoản gồm: Các loại tài khoản trong bảng là tài khoản từ loại 1 đến loại 9 được hạch toán kép; Loại tài khoản ngoài bảng gồm tài khoản loại 0 và được ghi đơn. Còn theo quy định cũ thì hệ thống tài khoản gồm 7 loại: Từ loại 1 đến loại 6 là các tài khoản trong bảng, loại 0 là các tài khoản ngoài bảng. Nhiều tài khoản mới xuất hiện trong Thông tư số 107/2017/TT-BTC, cụ thể có 33 tài khoản mới; Mặt khác, Thông tư số 107/2017/TT-BTC cũng sửa lại tên gọi của 9 tài khoản gồm: TK 331, 334, 336, 337, 511, 531, 642, 004, 009.
Thông tư số 107/2017/TT-BTC không đặt tên cho từng loại tài khoản, các tài khoản trong bảng được phân chia theo tình hình tài chính, gọi tắt là kế toán tài chính tại đơn vị phản ánh tình hình tài sản, công nợ, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thặng dư (thâm hụt) của đơn vị trong kỳ kế toán. Đồng thời, ghi rõ các tài khoản ngoài bảng liên quan đến NSNN hoặc có nguồn gốc NSNN được phản ánh theo mục lục NSNN theo niên độ và theo các yêu cầu quản lý khác của NSNN. Nếu một nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh mà liên quan đến thu, chi NSNN thì kế toán vừa phải hạch toán kế toán tài chính và hạch toán kế toán ngân sách.
Thứ tư, về sổ sách kế toán, Thông tư số 107/2017/TT-BTC không có nhiều khác biệt so với quy định cũ. Theo đó, mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Tùy theo hình thức kế toán đơn vị áp dụng, đơn vị phải mở đầy đủ các sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, trình tự và phương pháp ghi chép đối với từng mẫu sổ kế toán. Đơn vị phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi quá trình tiếp nhận và sử dụng nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài theo mục lục NSNN làm cơ sở lập báo cáo quyết toán và yêu cầu của nhà tài trợ.
Tuy nhiên, Thông tư số 107/2017/TT-BTC đưa ra thêm các mẫu sổ chi tiết, bổ sung thêm mẫu sổ chi tiết theo dõi số liệu quyết toán bao gồm 6 mẫu từ S101-H đến S106-H quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư. Cần lưu ý rằng, số liệu trên các sổ kế toán theo dõi tiếp nhận và sử dụng nguồn NSNN sau ngày 31/12 được chuyển từ tài khoản năm nay sang tài khoản năm trước để tiếp tục theo dõi số liệu phát sinh trong thời gian chỉnh lý quyết toán phục vụ lập báo cáo quyết toán NSNN theo quy định.
Thứ năm, về báo cáo kế toán, nếu như trước đây, Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 185/2010/TT-BTC không tách bạch riêng BCTC và báo cáo quyết toán ngân sách thì nay Thông tư số 107/2017/TT-BTC quy định rõ ranh giới giữa hai loại báo cáo này. BCTC dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động tài chính và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị, cung cấp cho những người có liên quan để xem xét và đưa ra các quyết định về các hoạt động tài chính, ngân sách của đơn vị. Thông tin BCTC của đơn vị HCSN là thông tin cơ sở để hợp nhất BCTC của đơn vị cấp trên. Báo cáo quyết toán NSNN dùng để tổng hợp tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí NSNN của đơn vị HCSN được trình bày chi tiết theo mục lục NSNN để cung cấp cho cơ quan cấp trên, cơ quan tài chính và cơ quan có thẩm quyền khác.
Thông tư số 107/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung các mẫu biểu báo cáo quyết toán và để phù hợp với cơ chế tự chủ theo: Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ đối với ĐVSN của Chính phủ; tinh thần của Luật Kế toán là quan trọng bản chất hơn hình thức, tên gọi; Luật NSNN và tinh thần của Chuẩn mực kế toán công quốc tế...
Thứ sáu, về kỳ hạn lập các loại báo cáo, Thông tư số 107/2017/TT-BTC quy định về kỳ hạn lập báo cáo được chia thành 2 loại: Kỳ hạn lập BCTC và kỳ hạn lập báo cáo quyết toán. Đối với BCTC, kỳ hạn lập báo cáo vào cuối kỳ kế toán năm (thời điểm 31/12) theo quy định của Luật Kế toán 2015. Đối với báo cáo quyết toán có 2 loại: Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo quyết toán nguồn khác. Đối với Báo cáo quyết toán NSNN, lập báo cáo theo kỳ kế toán năm. Số liệu lập báo cáo quyết toán NSNN hằng năm là số liệu thu, chi của năm ngân sách, tính đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN (ngày 31/01 năm sau) theo quy định của pháp luật về NSNN)…
Các yếu tố ảnh hưởng đến vận dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế tại Bình Định
Để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế khảo sát tại các ĐVSN trên địa bàn tỉnh Bình Định làm cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp mang tính khả thi, tác giả tiến hành khảo sát hai nhóm đối tượng: Người giảng dạy kế toán lĩnh vực công và người làm công tác kế toán đơn vị HCSN. Thời gian tiến hành khảo sát là từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2017. Số bảng khảo sát đã gửi đi là 90 bảng, số bảng khảo sát thu về là 55 bảng, tất cả đều hợp lệ.
Tác giả đã thực hiện khảo sát tại 55 đơn vị HCSN, các đơn vị này đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định. Bao gồm các loại hình đơn vị HCSN như: Đơn vị hành chính (10,9%); ĐVSN (89,1%). Trong đó: ĐVSN công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (3,6%); ĐVSN công tự bảo đảm chi thường xuyên (9%); ĐVSN công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (52,7%); ĐVSN công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (23,8%). Xét về lĩnh vực hoạt động thì các đơn vị HCSN được khảo sát gồm có: Bệnh viện, cơ sở y tế (32,7%); Giáo dục và đào tạo (45,5%); Lĩnh vực khác như: giao thông, vận tải, lao động, xã hội, bảo hiểm… (21,8%).
Giá trị khoảng cách = |
(maximum – minimum) |
n = (5-1)/5 = 0,8 |
+ Từ 1 đến 1,8: Hoàn toàn không đồng ý
+ Từ 1,81 đến 2,6: Không đồng ý
+ Từ 2,61 đến 3,4: Trung lập
+ Từ 3,41 đến 4,2: Đồng ý
+ Từ 4,21 đến 5,0: Hoàn toàn đồng ý
Kết quả từ Bảng 1 cho thấy, theo quan điểm của người giảng dạy kế toán trong lĩnh vực công thì các nhân tố ảnh hưởng nhiều đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế (Giá trị trung bình > 3,4) gồm: Trình độ của kế toán viên, kinh nghiệm ban hành chuẩn mực, cơ sở kế toán áp dụng, hệ thống pháp lý. Trong đó, nhân tố được sự đồng ý cao nhất của các đáp viên là trình độ kế toán viên và cơ sở kế toán áp dụng.
Kết quả từ Bảng 2 cho thấy, theo quan điểm của nhân viên kế toán tại các ĐVSN trên địa bàn tỉnh Bình Định thì các nhân tố ảnh hưởng nhiều đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế (giá trị trung bình > 3,4) gồm: Trình độ của kế toán viên, kinh nghiệm ban hành chuẩn mực, cơ sở kế toán áp dụng và hệ thống pháp lý. Trong đó, nhân tố được sự đồng ý cao nhất của các đáp viên là trình độ của kế toán viên, hệ thống pháp lý và cơ sở kế toán áp dụng.
Qua khảo sát, tác giả nhận thấy, cả người giảng dạy kế toán trong lĩnh vực công và nhân viên kế toán tại các ĐVSN trên địa bàn Bình Định đều cho rằng trình độ của kế toán viên, cơ sở kế toán và hệ thống pháp lý áp dụng là những yếu tố quan trọng nhất khi khi hoàn thiện kế toán HCSN trên cơ sở tiếp cận chuẩn mực kế toán công quốc tế. Từ đó, để tăng cường khả năng áp dụng chế độ kế toán HCSN mới và tiếp cận chuẩn mực kế toán công quốc tế, cần tập trung vào 3 vấn đề cơ bản: (i) Nâng cao trình độ cho nhân viên kế toán tại các đơn vị HCSN; (ii) Cơ sở kế toán dồn tích hoàn toàn nên được áp dụng trong công tác kế toán ở các đơn vị HCSN nói riêng và khu vực công nói chung ở Việt Nam; (iii) Các cơ quan nhà nước cần tạo môi trường hành lang pháp lý thuận lợi cho việc vận dụng chế độ kế toán mới và chuẩn mực kế toán công quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;
2. Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ của ĐVSN công lập;
3. Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán;
4. Luật Kế toán số 88/2015/QH13; Luật NSNN số 83/2015/QH13.