Ứng phó bão số 3 với phương châm “Chuẩn bị không hối tiếc, hành động không hối tiếc”

Bảo Thương

Mới đây, tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về việc triển khai giải pháp ứng phó với bão số 3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh bão số 3 là cơn bão rất mạnh, tuyệt đối không chủ quan, cần ứng phó với phương châm "Chuẩn bị không hối tiếc," "Hành động không hối tiếc."

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, cần huy động mọi lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với bão số 3 (có tên quốc tế là Yagi) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương chủ động xây dựng các tình huống, kịch bản... phù hợp với diễn biến của bão, trong đó chú trọng khuyến cáo đến Nhân dân trong việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây... để đảm bảo an toàn cho người dân trước, trong và sau bão.

Đặc biệt, kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo. Tuỳ theo diễn biến của bão chủ động cấm biển, cấm các hoạt động tập trung đông người, nhất là các tỉnh, thành phố  từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo.

Đối với vùng đồng bằng, miền núi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du.

Thông tin về tình hình cơn bão số 3, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, cơn bão hiện đang di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10 - 15km/giờ. Trong 48 giờ tới, hầu hết các dự báo, các mô hình của quốc tế đều chung nhận định là bão sẽ tiếp tục tăng cường độ; không loại trừ khả năng bão mạnh lên cấp siêu bão.

Khoảng chiều tối ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ đất liền khu vực Bắc Bộ, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. 

Ông Mai Văn Khiêm lưu ý do ảnh hưởng của bão, từ ngày 7-9/9, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có lượng mưa khoảng 200-300mm, có nơi trên 500mm, nguy cơ rất cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất (nếu bão đi lệch về phía Bắc thì mưa sẽ ít hơn).

Theo ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để ứng phó với bão số 3, Tỉnh đã có Công điện chỉ đạo các địa phương lên kế hoạch ứng phó với bão theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), trong đó tập trung rà soát tàu thuyền, các công trình đang thi công, hướng dẫn khách du lịch trên các đảo về nơi lưu trú an toàn...

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch UBND các địa phương chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

 

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) cho biết, lực lượng Quân đội duy trì ứng trực, đồng thời huy động khoảng 425 nghìn cán bộ, chiến sỹ cùng 4.000 lượt phương tiện sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, nhân dân ứng phó với bão số 3.