Ứng phó rào cản thương mại: Phải chấp nhận "luật chơi" quốc tế

Theo Nguyên Bảo - Duy Khuê/doanhnhansaigon.vn

Hội nhập sâu rộng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nhưng cũng đặt ra một số thách thức, đó là việc ứng phó với các rào cản thương mại.

Hội nhập sâu rộng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Nguồn: internet
Hội nhập sâu rộng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Nguồn: internet

Rào cản thương mại, nhìn theo hướng tích cực giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm, đối mới quy trình sản xuất nhằm tiến tới phát triển bền vững.

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt trên 400 tỷ USD, tăng hơn 71,36 tỷ USD so với năm 2016, thặng dư thương mại trên 2,7 tỷ USD. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 204  tỷ USD, tăng 21,5% (tương ứng tăng 36,06 tỷ USD, tăng cao hơn so với mức tăng chung của xuất khẩu) so với cùng kỳ năm trước. Hội nhập kinh tế thế giới đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa ra nước ngoài.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, một khi dòng thuế xuất nhập khẩu tiến về mức 0% theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với một số quốc gia có hiệu lực thì rào cản phi thuế quan sẽ được dựng lên nhiều hơn, trong đó có điều tra chống bán phá giá, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa sẽ nghiêm ngặt hơn. Điều này buộc doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo về thị trường.

EU - một thị trường tiềm năng nhưng rất khó tính về mặt chất lượng sản phẩm nhập khẩu nên việc đưa được sản phẩm vào thị trường này cũng đồng thời là thành công của doanh nghiệp. Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản, ông Trương Đình Hòe cho biết, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU thường không vướng rào cản về thuế chống bán phá giá mà là yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch.

Năm 2018, FTA Việt Nam - EU dự kiến được ký kết, đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhưng cũng có nhiều thách thức về mặt sản xuất theo quy trình và tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn như Vĩnh Hoàn - một doanh nghiệp Việt Nam được hưởng thuế chống bán phá giá thấp nhất so với các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Mỹ, ngoài việc đầu tư, chủ động về vùng nguyên liệu, đã chú ý đến quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn về chất lượng vốn rất được chú trọng ở các thị trường lớn như Mỹ.

Song song với các thị trường phương Tây, gần đây, một số nước trong khu vực ASEAN bắt đầu dựng rào cản thương mại đối với hàng hóa từ Việt Nam, như Indonesia, Thái Lan và Malaysia, cụ thể với các loại tôn, thép (từ năm 2015 - 2016, tôn, thép là 2 trong số các mặt hàng nằm trong danh sách bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất).

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thép Việt, các vụ kiện chống bán phá giá liên quan nhiều đến tôn mạ và thép cán nguội là do chính phủ các thị trường mà doanh nghiệp Việt xuất khẩu nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ. Còn về thép xây dựng thì các nhà sản xuất của Việt Nam không bị vướng nhiều vì đa phần đều có nhà máy luyện thép, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Do vậy, dù các FTA được thực thi, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thép xây dựng rất tự tin trước các rào cản thương mại hoặc yêu cầu chứng minh về truy xuất nguồn gốc.

Điều đáng lưu ý là 2 năm trở lại đây, các thị trường nhập khẩu thép xây dựng trở nên sôi động hơn. Là doanh nghiệp trong ngành, ông Đỗ Duy Thái tiết lộ thêm, công ty của ông đang mở rộng quy mô hoạt động để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Các nước dựng lên rào cản thương mại để bảo hộ hàng hóa, sản xuất trong nước, theo ông Thái, cũng là điều bình thường khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ do tác động từ các FTA.

Là đơn vị xuất khẩu thép chủ yếu trong khu vực ASEAN, ông Thái cũng cho rằng, thay vì lo ngại bị kiện chống bán phá giá khi đưa sản phẩm sang thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức pháp lý và kiến nghị các rào cản để bảo vệ hàng hóa trong nước vì nội địa cũng là thị trường quan trọng của doanh nghiệp, nhất là các loại thép vốn đang được thúc đẩy bởi thị trường xây dựng, bất động sản đang phục hồi mạnh mẽ.

Bên cạnh thủy sản, kim loại, dù tổng thể ngành dệt may không bị tác động mạnh bởi các rào cản thương mại nhưng năm 2017, việc Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với sợi màu, sợi PE, khiến sản phẩm này không thể xuất khẩu sang nước này.

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM cho rằng, đa phần doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may ở Việt Nam là doanh nghiệp FDI, có kinh nghiệm xuất khẩu và ứng phó với các rào cản thương mại, nên trường hợp vuột hơn 700 triệu USD của xuất khẩu sợi sang Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là bước đầu, có thể xem là thăm dò, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng điều chỉnh chiến lược về mặt thị trường, sản xuất để thích ứng.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm ứng phó với rào cản thương mại từ những doanh nghiệp FDI vì nền kinh tế càng hội nhập thì các chính sách phi thuế quan để bảo hộ sản xuất sẽ càng được nhiều quốc gia áp dụng.