USD tăng giá và những ảnh hưởng
Giờ đây, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng tăng lãi suất cùng với xu hướng nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã khiến USD mạnh lên.
USD đang tăng mạnh nhất kể từ năm 1984 và khác với trước kia, giờ đây, dường như không ai có thể ngăn được đà tăng này. Lúc 7h45 ngày 20/9, tại London, USD giao dịch ở 1,1402 USD/euro, giảm hơn 8% so với mức đỉnh 12 năm ở 1,0458 USD/euro hôm 16/3. Tỷ giá đồng bạc xanh và yên đạt 119,7 yên/USD, giảm so với mức đỉnh 13 năm ở 125,86 yên ghi nhận hồi tháng 6.
USD đã tăng 20% so với yên trong 2 năm qua và tăng 17% so với euro do triển vọng Fed nâng lãi suất trái ngược với xu hướng nới lỏng tiền tệ tại Nhật Bản và châu Âu.
Chỉ số Đôla của Fed, đo sức mạnh của USD với 26 đồng tiền của các đối tác thương mại với Mỹ, tăng hơn 18% kể từ cuối năm 2013, lên mức kỷ lục vào tháng 2/2002. Chỉ số này đang hướng đến mức tăng lũy kế 2 năm mạnh nhất kể từ 1984 - thời điểm tăng tới 32%.
Đồng thời, IMF trong báo cáo ra hồi tháng 7 đã cho rằng mất cân bằng toàn cầu đang là trở ngại cho sự tăng trưởng kinh tế và USD đang được giao dịch "cao hơn" so với những yếu tố cơ bản của nó.
Tuy nhiên, cuộc họp G20 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 9 đã kết thúc mà không đưa ra được bất kỳ chính sách cụ thể nào về cách thức đối phó với tình trạng kinh tế Trung Quốc giảm tốc, kể cả sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ, khiến thị trường toàn cầu biến động.
USD sẽ tăng và ngang giá với euro trong 12 tháng tới khi Fed giữ nguyên lộ trình nâng lãi suất, công ty quản lý tài sản Principal Global Investors cho biết.
Đồng bạc xanh có thể sẽ tăng lên 125 yên/USD cùng kỳ, Jim McCaughan, CEO Principal - đang quản lý 350 tỷ USD, nhận định. Sau phiên họp chính sách 2 ngày kết thúc hôm 17/9 vừa qua, Fed đã quyết định không tăng lãi suất trong bối cảnh thị trường tài chính biến động và kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Lần gần đây nhất USD gần ngang bằng euro là vào tháng 12/2002. Hiện cơ hội để đồng bạc xanh ngang hàng với đồng tiền chung trong 12 tháng tới là 17%, theo số liệu của Bloomberg.
Fed có thể sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 tới, nhưng cũng có thể trì hoãn sang tận quý I/2016 nếu vẫn lo ngại rằng USD mạnh lên sẽ tác động tiêu cực đến lĩnh vực xuất khẩu, ông McCaughan cho biết.
Tỷ lệ dự đoán Fed tăng lãi suất vào tháng 12 hiện là 44%, giảm so với 64% hôm 16/9, theo khảo sát Bloomberg dựa vào giả định lãi suất sẽ tăng bình quân 0,375% sau lần tăng đầu tiên.
Các nhà phân tích dự đoán USD sẽ tăng lên 1,05 USD đổi 1 euro và 127 yên vào cuối tháng 9/2016, theo khảo sát Bloomberg.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sẽ tăng cường kích thích tiền tệ nhằm tăng lạm phát. Dự đoán, 12 tháng tới áp lực lên euro sẽ tăng và USD sẽ tăng lên ngang bằng đồng tiền chung, trong khi tỷ giá yên/USD có thể sẽ giảm xuống 125 yên/USD, nhưng chỉ khi Fed chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ kỷ lục hiện nay.
Một trong những diễn biến kinh tế nổi bật trên thế giới là đồng USD lên giá. Sự lên giá này tác động đến thế giới, trong đó có Việt Nam như thế nào?
Việc lên giá của đồng USD đã tác động nhiều đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, đồng USD lên giá đã tác động đến một số ngành, lĩnh vực, một số đối tượng trên thị trường. Rõ nhất là đối với xuất, nhập khẩu. Người xuất khẩu sẽ có lợi do việc USD lên giá sẽ khuyến khích xuất khẩu, trong khi nhập khẩu sẽ bất lợi. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp do vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu, nên cân đối lại sẽ không được lợi bao nhiêu. Đối với cả nước, do nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, nên sẽ bị thiệt, nhưng dù sao, việc USD lên giá cũng sẽ tác động ít nhiều trong ngăn chặn nhập siêu.
Khi USD lên giá thì nợ ngoại tệ tính bằng VND sẽ cao lên, số trả nợ sẽ cao. Những doanh nghiệp vay ngoại tệ thì chi phí vay vốn và trả lãi tính bằng VND cũng sẽ cao lên, làm giảm lãi suất hoặc tăng lỗ. Đối với quốc gia cũng vậy. Khi tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP đã cao, thì số trả nợ/tổng thu ngân sách cao. Người có ngoại tệ sẽ không bán ra, tình trạng găm giữ USD sẽ tăng lên, làm cho tình trạng đô la hóa có nguy cơ trở lại.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khá cao (hiện ở mức trên 10%), rất dễ gây ra tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi giá USD tăng lên, thì chênh lệch sẽ không còn lớn như trước; nhưng nếu chênh lệch còn lớn, thì cũng cần phải quản lý ngoại tệ cho tốt. Gửi tiết kiệm vào ngân hàng tuy vẫn đạt thực dương, do CPI giảm và tăng thấp hơn lãi suất tiết kiệm, nhưng sẽ không còn hấp dẫn như trước, khi USD lên giá, do chênh với lãi suất gửi bằng USD cộng với tốc độ tăng giá USD bị giảm xuống.