USD và diễn biến tiền đồng
Diễn biến vừa qua của tỷ giá khá sát với kỳ vọng của các nhà phân tích, ngoài ra, giới này cho rằng, tại thời điểm này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đủ khả năng kiểm soát được tỷ giá nhờ lượng dự trữ ngoại hối dồi dào.
Trên thị trường trong nước sáng 30/11, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 22.118 đồng, giảm 3 đồng so với phiên liền trước.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá sàn mà các ngân hàng áp dụng là 21.454 đồng và tỷ giá trần là 22.781 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm giá mua bán USD từ 10-40 đồng xuống phổ biến ở mức: 22.640 đồng/USD - 22.720 đồng/USD.
Đồng euro được các ngân hàng niêm yết phổ biến tăng 36 đồng so với cuối giờ chiều 29/11 lên: 23.936 đồng (mua) và 24.265 đồng (bán). bảng Anh được niêm yết tăng 152 đồng lên: 27.999 đồng (mua) và 28.3461 đồng (bán). Yên Nhật được mua vào ở mức 199,0 đồng và bán ra ở mức 202,9 đồng (giảm 1,3 đồng).
Nhìn chung, USD giảm so với bảng Anh xuống mức: 1,2490 USD đổi 1 bảng Anh so với mức 1,2414 USD đổi 1 bảng Anh cùng giờ phiên liền trước. Đồng USD giảm so với euro xuống mức: 1 euro đổi 1,0649 USD so với mức 1 euro đổi 1,0614 USD. Tuy nhiên, USD tăng so với yen Nhật lên: 112,45 yen đổi 1 USD so với mức 111,84 yen đổi 1 USD cùng giờ phiên liền trước.
Đối với một số nhà đầu tư quan tâm đến loại ngoại tệ này, từ đầu tháng đến nay, chỉ số đồng USD đã tăng gần 4% lên mức cao nhất kể từ năm 2003, đạt mức 101,7. Tuy nhiên, so với đầu năm, đồng USD chỉ mạnh lên khoảng 2%.
Theo các chuyên viên phân tích đến từ CTCK Rồng Việt (RongViet Research), diễn biến tăng giá mạnh gần đây đến từ kỳ vọng Fed sẽ thực hiện nâng lãi suất trong tháng 12 tới, trong khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Theo CME Group’s FedWatch, xác suất Fed nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 12 đã lên đến 93,5%.
Việc đồng USD mạnh lên đã tạo ra áp lực giảm giá lên nhiều đồng tiền khác. Trong tháng qua, đồng yen đã mất giá mạnh so với đồng USD (khoảng 8,2%), trong khi đó, tỷ giá USD/CNY cũng giảm về mức 6,9, so với thời điểm Trung Quốc thực hiện phá giá đồng nội tệ vào tháng 8 năm ngoái, đồng NDT đã mất giá khoảng 10%. Ngoài ra, các đồng tiền khác trong khu vực cũng không tránh khỏi xu hướng trên.
Trong biến động của các đồng tiền trong khu vực nói chung, tiền đồng cũng mất giá nhưng với biên độ nhỏ hơn. Trong tháng 11, tiền đồng đã mất giá khoảng 2%, tỷ giá VND/USD trên thị trường tăng lên mức 22.756, diễn biến này cũng theo sát định hướng của NHNN khi NHNN có động thái điều chỉnh tăng tỷ giá từ đầu tháng trước. Câu hỏi là liệu tiền đồng có mất giá thêm bao nhiêu nữa là điều mà nhiều người dân trong nước cũng như nhà đầu tư ngoại tệ quan tâm.
Với câu hỏi này, theo RongViet Research, diễn biến vừa qua của tỷ giá khá sát với kỳ vọng của các nhà phân tích, ngoài ra, giới này cho rằng, tại thời điểm này NHNN vẫn đủ khả năng kiểm soát được tỷ giá nhờ lượng dự trữ ngoại hối dồi dào. Theo NHNN, tính đến cuối tháng 9, dự trữ ngoại hối Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục, hơn 40 tỷ USD.
Mặt khác, nhập khẩu năm nay tăng trưởng rất thấp và nguồn vốn FDI dồi dào là những yếu tố có lợi đối với điều hành tỷ giá. Hôm nay, đại diện NHNN đã công bố về khả năng can thiệp thị trường trong trường hợp cần thiết. Theo đó, giới phân tích bảo lưu quan điểm NHNN có động thái để giữ tỷ giá ổn định, hỗ trợ cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô...