Ưu tiên FDI nhưng không quên đầu tư cho doanh nghiệp nội
Không chỉ các tập đoàn đa quốc gia như Intel, Apple, Foxconn… mà ngay cả các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc cũng đang xem xét việc thay đổi chuỗi cung ứng của mình.
Đó là một trong những chia sẻ của GS.TSKH Nguyễn Mại với Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến sự chuyển dịch dòng vốn và việc xem xét lại chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư.
Phóng viên: Việt Nam sẽ có sự chuẩn bị như thế nào để đón được dòng vốn chất lượng cao như vậy thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Năm 2018, khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ kế hoạch và đầu tư đã đưa ra định hướng chính sách mới về thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là Việt Nam sẽ thay đổi cách thức về thu hút đầu tư nước ngoài, hướng tới các dự án chất lượng cao, công nghệ hiện đại, dịch vụ hiện đại đặc biệt những dự án lớn cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thích ứng với nền công nghiệp 4.0 sáng tạo, để đuổi kịp trình độ các nước trong khu vực.
Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đã và đang cho cơ hội không chỉ một vài mà hàng trăm xí nghiệp phải chuyển về nước như Mỹ hoặc chuyển sang các nước khác như Việt Nam – một trong những nước đầu tiên được lựa chọn.
Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam “há miệng chờ sung” mà câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam được lựa chọn.
Đâu là những ưu điểm của Việt Nam khi trở thành "vùng trũng" của dòng vốn FDI, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như hiện nay, thưa ông?
Những năm gần đây, các nhà đầu tư quốc tế đánh giá, Việt Nam nổi lên như một điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.
Có nhận định này là bởi, trước hết, trong lúc thế giới hỗn loạn như vậy, Việt Nam ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Trước đây, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng nóng, tuy nhiên mấy năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại, thì Việt Nam vẫn tăng trưởng tương đối nhanh khoảng hơn 7% trong năm 2018. Năm 2019 dự báo khiêm tốn tăng trưởng Việt Nam sẽ đạt 6,7-6,8%. Đó là mức tăng trưởng cao so trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, mặc dù các nhà đầu tư nói chung đang kỳ vọng nhiều hơn ở thủ tục hành chính, quản lý nhà nước, tuy nhiên cũng phải thừa nhận Chính phủ đang đi đúng hướng, cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục phiền hà, cải cách bộ máy nhà nước, cùng với đó là thông qua việc sửa đổi hàng loạt các Luật.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký kết hàng loạt FTA mới với các đối tác quan trọng như CPTPP, ASEAN – Hong Kong, Hàn Quốc, và EVFTA sắp sửa thông qua… những hiệp định này tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hoá đi các thị trường này thuận lợi hơn, khi thuế suất bằng 0%. Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Mỹ áp thuế đối với tất cả hàng hoá Trung Quốc lên tới 25%. Như vậy xuất khẩu đi từ Việt Nam là có lợi, đặc biệt là các nước đang có nhà máy tại Trung Quốc và cả các xí nghiệp bản địa của Trung Quốc hiện nay đang xuất hàng sang Mỹ cân nhắc nếu chuyển sang các nước như Việt Nam mà gắn với xuất xứ 70% từ Việt Nam thì sẽ được hưởng thuế xuất khẩu là 0%, hơn hẳn so với Trung Quốc.
Lợi thế là vậy, song ông có lưu ý gì trong hoạt động thu hút FDI trong bối cảnh hiện nay?
Bên cạnh những lợi thế như đã nêu ở trên thì vẫn còn tồn tại những vấn đề về định hướng thu hút FDI tại từng địa phương, từng khu vực, làm thế nào để "bám sát" định hướng thu hút FDI chung.
Ví dụ, các thành phố lớn như Hà Nội, TP, HCM, Hải Phòng hay các tỉnh thu hút nhiều FDI như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu… những thành phố, tỉnh này nên quan tâm đến định hướng thu hút vào các dự án công nghệ cao, công nghệ chế tạo. Còn các dự án khác như dệt may, da giày vào những tỉnh tương đối phát triển cũng nên chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường, bao gồm công nghệ thân thiện với môi trường.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 740 nghìn doanh nghiệp trong nước, trong đó có khoảng 11-12 nghìn doanh nghiệp lớn, và có mấy trăm nghìn tập đoàn như Vingroup, Sungroup, Tân Hiệp Phát, Hoà Phát … đang dầu tư nghiên cứu nhiều công nghệ mới. Vì vậy, Việt Nam nên dành các khoản đầu tư cần thiết cho doanh nghiệp trong nước.
Việt Nam vẫn đang thu hút được ít các dự án đến từ Mỹ, Đức, Anh, Pháp... thưa ông?
Đúng vậy. Hiện nay dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang thiếu hụt những thành phần vốn đến từ Mỹ, Canada và các nước EU (Anh, Đức, Pháp, Ý)... Tuy nhiên thông qua hiệp định EVFTA chúng ta hy vọng sẽ có thêm các dòng vốn này.
Kỳ vọng là vậy, song chính Việt Nam cũng phải hoàn thành được 3 yêu cầu lớn về sở hữu trí tuệ, tránh "vết xe đổ" của Trung Quốc thời gian vừa qua.
Hai là, ở các nước châu Âu khác với châu Á là không có chuyện quan hệ, lót tay mà họ yêu cầu công khai minh bạch thủ tục hành chính, pháp luật và giảm thiểu các chi phí không cần thiết thấp nhất có thể.
Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý bộ máy nhà nước. Hiện nay, mặc dù các nhà đầu tư cũng thừa nhận hoạt động quản lý Nhà nước có nhiều tiến bộ tuy nhiên so với những nước xung quanh thì môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn còn thấp.
Chính vì vậy, nếu cải thiện được 3 yêu cầu này, Việt Nam sẽ thu hút được các dòng vốn chất lượng cao, đặc biệt dòng vốn đến từ Mỹ và EU.
Xin cám ơn ông!