Ưu tiên lựa chọn khu đất có vị trí thuận lợi làm tái định cư
Góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, các ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định liên quan đến đất tái định cư trong dự thảo Luật.
Đảm bảo nơi ở cho người dân sau thu hồi đất
Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, có một số điểm cần cân nhắc, điều chỉnh để không bỏ trống, hoặc không đủ điều kiện thực hiện giữa các quy định ở các điều khác nhau của Luật này.
Liên quan đến quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu đề nghị quy định thu hồi các dự án sử dụng đất thuộc đối phải đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu chọn nhà đầu tư theo quy định của các cấp có thẩm quyền.
Về nguyên tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cần phải có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Đại biểu đồng tình với quy định về tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư là hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị. Đại biểu đề nghị, đây là tiêu chuẩn tối thiểu đối với khu tái định cư. Nếu nơi nào có điều kiện có thể xây dựng khu tái định cư khu vực nông thôn nhưng đạt chuẩn của khu đô thị mới thì càng khuyến khích chứ không giới hạn.
Do vậy, tại điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị thêm về hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư không thấp hơn tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, không thấp hơn tiêu chuẩn khu đô thị mới đối với khu vực đô thị.
Về ưu tiên lựa chọn địa điểm của khu tái định cư, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định ưu tiên khu đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất ở địa bàn được lựa chọn làm khu tái định cư. Theo đại biểu, cần phải bổ sung quy định này để tránh tình trạng, có địa phương dành quỹ đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá để thu tiền, còn khu xa, khó khăn không ai muốn mua thì bố trí khu tái định cư.
Đại biểu cũng đánh giá cao quy định Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. "Phương án hỗ trợ tốt nhất, bền vững nhất là tạo không gian, mặt bằng làm nơi sản xuất, kinh doanh", Đại biểu này đánh giá.
Tuy nhiên, theo đại biểu, trong quy định về các đối tượng thu hồi đất mới chỉ có quy định về thu hồi đất cho khu tái định cư, chưa có quy định về thu hồi đất để tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho người bị thu đất. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung thu hồi đất tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho người có đất bị thu hồi.
Tránh trục lợi trong hưởng chế độ giao đất tái định cư
Cũng thảo luận đến tái định cư tại phiên họp, đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị sửa đổi, chia làm 02 trường hợp như sau: Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi nếu đủ điều kiện để tách hộ theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp tỉnh quy định mức đất ở tái định cư cho từng hộ; và Trường hợp có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở bị thu hồi thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất tái định cư và tình hình thực tế của địa phương giao 01 suất đất ở tái định cư, quy định mức giao thêm đất ở có thu tiền sử dụng đất hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở.
Theo đại biểu, trong thực tế khi các hộ bị thu hồi đất, trong hộ gia đình có nhiều thế hệ chung sống, điển hình đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế có khó khăn, trong hộ gia đình có nhiều trường hợp đủ điều kiện tách hộ nhưng họ chưa kết hôn, hoặc ít có khả năng lấy vợ, lấy chồng, những trường hợp chồng chết, hoặc vợ chết, độc thân… có nhu cầu ở thực tế cần được xem xét, giao đất để đảm bảo có chỗ ở theo tinh thần Hiến pháp. Việc quy định sẽ tránh trường hợp nhiều hộ gia đình lợi dung khe hở chính sách để trục lợi bằng hình thức mua chung 01 thửa đất ở để được hưởng chế độ giao đất tái định cư, đặc biệt là đối với những địa phương quỹ đất hạn chế, đất có khả năng sinh lời cao.
Ngoài nội dung trên, đại biểu đề nghị bổ sung 2 phương án về tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập và việc tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư.
Theo đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến đất đai. Tại Luật Đầu tư công, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm B, nhóm C do Hội đồng nhân dân các cấp xem xét quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Một phương án khác được đại biểu đề xuất là bổ sung thêm 01 khoản tại Điều 93 Luật Đất đai với nội dung Chính phủ quy định chi tiết điều này. Theo đại biểu, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng rất vướng mắc làm chậm tiến độ thi công và giải ngân xây dựng cơ bản, Chính phủ đã có Nghị quyết số 141/NQ-CP ngày 14/11/2021 về phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021 cơ bản thống nhất về Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề trọng tâm của dự án luật như: phương pháp định giá đất; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.