Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô hơn tăng trưởng
Kinh tế vĩ mô Việt Nam đã khá ổn định trong 3 năm trở lại đây, với lạm phát được duy trì ở mức thấp, tỷ giá được kiểm soát, chính sách lãi suất phù hợp, từ đó đã giúp nâng cao vị thế VND và giảm dần tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện tại đang có những thách thức không nhỏ cho việc tiếp tục duy trì sự ổn định này.
Kinh tế vĩ mô ổn định dần
Từ mức đỉnh cao 18,13% vào năm 2011, lạm phát đã được kiểm soát và giảm nhanh về mức 6,81% trong năm 2012, 6,04% trong năm 2013, tiếp tục xuống mức 1,84% trong năm 2014 và chạm đáy 0,6% trong năm 2015 vừa qua.
Với mục tiêu xuyên suốt ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ thận trọng, theo đó đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý đã góp phần kiểm soát và hạ nhiệt lạm phát từ năm 2012 đến nay.
Ngoài ra, giá hàng hóa thế giới rơi vào xu hướng giảm (xem biểu đồ) góp phần giúp chỉ số giá tiêu dùng ổn định.
Trong khi đó, VND sau khi bị phá giá đến 10% chỉ trong năm 2011 đã được kiểm soát khá tốt từ đó đến nay. So với thời điểm cuối năm 2011, tỷ giá hiện tại chỉ tăng khoảng 5% trong vòng bốn năm rưỡi qua.
Đây được xem là mức khá ổn định nếu so với sự biến động mạnh của các đồng tiền khác trên thế giới trong bối cạnh tăng giá mạnh của đồng USD. Trong cùng thời điểm trên, chỉ số USD Index đã tăng từ quanh 80 lên 98 (22,5%).
Cán cân thanh toán ổn định, nhập siêu giảm dần, trong khi nguồn vốn FDI tiếp tục rót vào và lượng kiều hối chảy về đã giúp nguồn cung ngoại tệ được cải thiện.
Chính sách hạn chế ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua việc giảm lãi suất huy động USD và hạn chế đối tượng vay ngoại tệ cũng góp phần giúp ổn định tỷ giá. Lạm phát được duy trì ở mức thấp và kinh tế vĩ mô ổn định cũng đã giúp nâng cao vị thế VND.
Lãi suất cũng được điều chỉnh giảm về mức phù hợp và ổn định hơn so với giai đoạn nóng sốt trước đây, tạo điều kiện giúp chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm, kinh doanh hiệu quả hơn.
Trần lãi suất huy động VND đã giảm từ mức cao 14% vào tháng 10/2011 về chỉ còn 5,5% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng từ tháng 10/2014, theo đó lãi suất cho vay cũng giảm theo.
Nhưng thách thức đang lớn dần
Lạm phát đang có dấu hiệu tăng cao trở lại, đến tháng 7/2016 chỉ số CPI đã tăng 2,39% so với cùng kỳ và tăng 2,48% so với đầu năm, và theo nhiều dự báo thì lạm phát có thể chạm mốc 5% vào cuối năm nay.
Tín dụng đã tăng trưởng cao trong năm ngoái và tiếp tục đặt kế hoạch ở mức 18 - 20% trong năm nay được xem là nguy cơ tiềm ẩn đẩy lạm phát lên cao.
Việc vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay nhưng chính sách tài khóa đã bị hạn chế thì buộc phải nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng được xem là khá mạo hiểm. Một báo cáo gần đây của HSBC đã cảnh báo việc nới lỏng tiền tệ quá nhanh có thể đẩy nền kinh tế vào vùng rủi ro hơn do "các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng".
Một diễn biến đáng chú ý gần đây là nguồn vốn FDI tăng trưởng khá mạnh,theo đó vốn đăng ký FDI 7 tháng qua tăng 25,5% so với cùng kỳ trong khi vốn FDI giải ngân cũng tăng hơn 16% so với cùng kỳ 2015.
Việc nguồn FDI chảy vào quá mạnh sẽ làm tăng cung tiền cho nền kinh tế và từ đó có thể gây áp lực lên lạm phát. Giá hàng hóa thế giới sau khi chạm đáy vào đầu năm nay cũng cho thấy tín hiệu đi lên trở lại, từ đó gây áp lực lên chỉ số giá nhập khẩu.
Tỷ giá hiện tại cũng đang chịu nhiều áp lực trước khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9 tới và Trung Quốc vẫn chực chờ phá giá tiếp đồng CNY.
Việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu vừa qua đã khiến FED phải hoãn việc điều chỉnh lãi suất, tuy nhiên với các chỉ số kinh tế ngày một tốt hơn và cũng không thể "hứa suông" mãi được, các nhà phân tích và giới đầu tư đều cho rằng khả năng nâng lãi suất vào tháng 9 tới là khá cao, hoặc nếu trễ lắm thì cũng sẽ vào cuối năm nay.
Một khi lãi suất đồng USD được điều chỉnh tăng, dòng vốn quốc tế có thể chảy ngược lại trở lại thị trường Mỹ và gây áp lực giảm giá rất lớn lên các đồng tiền khác, và VND không phải là ngoại lệ. Thực tế VND cũng đang bị định giá cao hơn so với các đồng tiền khác sau khi đã được kiềm chế trong suốt giai đoạn vừa qua.
Cần tiếp tục duy trì chính sách thận trọng
Không thể đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô hơn tăng trưởng.
Tiếp tục chính sách chống đô la hóa, chuyển dịch vay gửi ngoại tệ sang hình thức mua bán đứt đoạn là việc cần ưu tiên hiện nay vì chính sách hiện tại vẫn có kẽ hở cho việc lợi dụng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD để kiếm lợi, gây bất ổn và áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá.
Mặt khác cũng cần tiếp tục thực thi đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng, tạo cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân có nhiều cơ hội tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay hơn, tránh tình trạng để các doanh nghiệp nhà nước nhận được quá nhiều ưu đãi về tín dụng trong khi hoạt động lại kém hiệu quả.
Để kiểm soát hiệu quả dòng vốn FDI và ODA, cần bơm hút tiền linh hoạt qua thị trường mở để duy trì tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý.
Đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua cơ chế tái cấp vốn khi cần thiết, giúp lãi suất duy trì ở mặt bằng phù hợp từ đó giúp doanh nghiệp dự toán được chi phí tài chính, giữ ổn định giá hàng hóa, góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng.
Việc duy trì lạm phát thấp vừa giúp nâng cao vị thế VND, ổn định tỷ giá và cũng giúp ổn định lãi suất.