Chỉ số CPI và diễn biến thị trường tiền tệ: Mục tiêu kép cần bảo vệ

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Chỉ số giá tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế và đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới diễn biến thị trường tiền tệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm có xu hướng tăng nhẹ, đến tháng 7 CPI so với cùng kỳ chỉ tăng 2,39%, lạm phát cơ bản nhìn chung ổn định, đến tháng 7 ở mức 1,85% thấp hơn mức tăng của tháng 6 ( 1,88%).

Giá USD so với cùng kỳ có xu hướng giảm mạnh, đến tháng 7 chỉ số giá USD chỉ tăng 2,21% so với cùng kỳ và giảm so với tháng 12/2015. Giá vàng đã có xu hướng giảm dần và đi vào thế ổn định.

Xóa nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát

Điều đáng lưu ý ở diễn biến này là, mặc dù diễn biến kinh tế, chính trị trên trường quốc tế có nhiều biến động: sự kiện Anh rời bỏ EU “Brexit”, sự gia tăng đột biến của giá vàng, sự tăng giảm khó lường của giá dầu… Những điều này đã có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và sự ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ nói riêng.

Tuy nhiên, những cú sốc từ bên ngoài đã có tác động không đáng kể đến hành vi của thị trường. Nói cách khác, những tác động tình hình của thế giới đã không tạo nên kỳ vọng tăng tỷ giá và lạm phát của thị trường Việt.

Đây là một yếu tố đã từng có tác động mạnh đến lạm phát và ổn định thị trường ngoại hối khi có cú sốc từ bên ngoài trong những năm trước. Điều này cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu quả cao, tạo lòng tin vững chắc của thị trường.

Nhân tố chính tạo nên sức bình ổn

Sự thành công của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, là hội tụ bởi nhiều yếu tố, song trước hết phải là tính kiên định và tự tin trong hành động của tổ chức, cá nhân đó.

Nhìn lại các hành động chính sách mà NHNN thực hiện từ đầu năm đến nay cho thấy, NHNN đã kiên định theo đuổi mục tiêu ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Tính tự tin trong điều hành của NHNN được thể hiện thể hiện ở các biện pháp chính sách khi ban hành: trước những biến động của thị trường, NHNN đã chủ động điều chỉnh một số các giải pháp chính sách cho phù hợp với tình hình nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, như sủa đổi Thông tư 06, Thông tư 36 và kéo dài thời hạn của gói hỗ trợ tín dụng nhà ở, điều tiết kịp thời lượng tiền cung ứng đáp ứng kịp thời nhu cầu về thanh khoản tiền đồng và như cầu ngoại tệ của nền kinh tế…

Bên cạnh đó NHNN đã rất chủ động phối hợp với các biện pháp chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường tài chính, điển hình như phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển.

Trong những tháng cuối của năm 2016, những thách thức phía trước cho việc thực hiện mục tiêu của NHNN là không nhỏ, khi ngân sách nhà nước vẫn tiếp tục khó khăn, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, áp lực lạm pháp vẫn tiềm ẩn… thêm vào đó thiên tai ,hạn hán, xâm nhâp mặn có thể làm giảm sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, gây áp lực tăng giá lương thực, thực phẩm.

Vì vậy việc kiên định và tự tin của NHNN cần tiếp tục được duy trì và phát huy cao độ, đó là nhân tố cơ bản tạo niềm tin vững chắc cho thị trường và là nhân tố quyết định cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kề hoạch của năm 2016 và những năm tiếp theo của NHNN.

Việc các tổ chức quốc tế dự báo tình hình kinh tế thế giới, khu vực thay đổi liên tục trong thời gian qua, cho thấy nhân tố bất ổn của kinh tế toàn cầu, không riêng kinh tế Việt Nam. WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,2% tháng 4 năm nay và qua kết quả 6 tháng đầu năm đã hạ dự báo xuống còn 6%, theo tôi là phù hợp với tình hình thực tế.


Quan điểm của tôi, nếu năm 2016, tốc độ tăng GDP ở mức 6% hoặc nhích hơn một chút cũng là tốt. Vấn đề là tập trung chính sách để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là những nhiệm vụ còn lại của việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên gồm đầu tư công, NHTM và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đề ra cho giai đoạn 2011-2015.


Vấn đề lo ngại hiện nay là CPI tăng do việc điều chỉnh các loại giá do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện, phí giao thông… Tuy nhiên, trong điều hành, Chính phủ cũng đã dự liệu việc điều chỉnh các loại giá nêu trên, nên sẽ không tạo sự đột biến đối với CPI nhất là đối với chỉ số lạm phát cơ bản (loại trừ giá lương thực và nhiên liệu).


Hiện đang có một số ý kiến cho rằng khả năng lạm phát quay lại trong nửa cuối năm 2016 là không thể tránh khỏi khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chỉnh giá trong nước. Theo tôi, với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, cho thấy trong năm 2016, chỉ số CPI hoàn toàn có thể kiểm soát ở mức dưới 5% như kế hoạch đề ra.


Tôi không nghĩ trong 6 tháng cuối năm sẽ “nhập khẩu lạm phát” từ thị trường thế giới và cũng không thể lạm phát từ yếu tố tiền tệ trong nước.


TS. Trần Du Lịch


Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia