Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Luật Kế toán và Phí lệ phí
Sáng 10/8, sau lễ khai mạc phiên họp lần thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến vào 2 dự thảo Luật do Bộ Tài chính trình đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán và Luật Phí và lệ phí.
Rà soát quy định cụ thể nhiều điều khoản trong Luật Kế toán
Báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, theo Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH, nhiều nội dung trong dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, về hành nghề dịch vụ kế toán (từ Điều 59 đến Điều 70): Bổ sung quy định cho phép cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán. Đồng thời quy định đầy đủ hơn về điều kiện hành nghề của doanh nghiệp dịch vụ kế toán nước ngoài. Bổ sung trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp hành nghề dịch vụ kế toán. Rút ngắn thời hạn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán xuống còn 15 ngày...
Có ý kiến đề nghị xem lại quy định về điều kiện được cấp chứng chỉ kế toán viên vì doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ thuê kế toán trung cấp. Quy định như Dự thảo luật sẽ khiến nhiều người có trình độ trung cấp, cao đẳng kế toán không có việc làm. Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Cơ quan soạn thảo cho rằng: Đây là quy định áp dụng cho những người muốn trở thành kế toán viên, kế toán viên hành nghề để kinh doanh dịch vụ kế toán, không áp dụng bắt buộc cho tất cả các cá nhân làm công tác kế toán. Dự thảo Luật cũng không giới hạn chỉ người có chứng chỉ kế toán viên mới được làm công tác kế toán nên sẽ không ảnh hưởng đến công việc của người làm kế toán có trình độ cao đẳng, trung cấp. Do đó, xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật.
Liên quan đến ý kiến đề nghị không bổ sung giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Cơ quan soạn thảo cho rằng: Theo quy định hiện hành, do chỉ dừng ở khâu đăng ký, không cấp Giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nên đã phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn, khó khăn trong kiểm soát cá nhân, tổ chức khi hành nghề. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện nên việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ sẽ góp phần tăng cường quản lý đối với loại hình dịch vụ này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tiếp thu ý kiến ĐBQH, bỏ quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Luật Kế toán quan trọng nhất là công khai, minh bạch, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án Luật cần phải cụ thể hơn, nhiều điều phải quy định được những nguyên tắc, nội dung cơ bản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo và cho biết cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát để thực hiện.
Liên quan về vấn đề chuẩn mực và đạo đức kế toán, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, nếu đưa cụ thể vào Luật thì dày quá. "Chúng tôi sẽ cố gắng cụ thể hóa, nhưng chỉ ở mức nhất định thôi, chứ không thể cụ thể hóa hết vào đây. Như thế rất khó và không khả thi", ông Phùng Quốc Hiển nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, về điều kiện kế toán trưởng phải đưa vào luật. Về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hành nghề kế toán, theo ông Phan Trung Lý nên bỏ quy định này.
Giải trình làm rõ thêm một số điều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay, chúng ta có đến 37 chuẩn mực kế toán, hơn 40 chuẩn mực hạch toán. "Chúng tôi thống nhất với Ủy ban Tài chính- Ngân sách là chỉ quy định về nguyên tắc, cụ thể thì giao Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng bày tỏ đồng tình cao với ý kiến của Chủ tịch QH và cho biết sẽ tiếp tục rà soát, cố gắng vấn đề nào có thể thì cụ thể hóa trong Luật.
Phải trình Quốc hội danh mục phí
Cho ý kiến Dự án Luật phí và lệ phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc thu phí, lệ phí liên quan đến toàn dân. Thu như thế nào, chi ra sao phải minh bạch, rõ ràng nên càng phải rà soát, thực hiện kỹ càng hơn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, tiếp thu ý kiến ĐBQH, ngay sau kỳ họp thứ 9 kết thúc, thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát các Luật liên quan; các khoản phí, lệ phí hiện hành; các khoản phí, lệ phí được quy định tại các luật chuyên ngành.
Qua rà soát, bãi bỏ 5 khoản phí và 6 khoản lệ phí; bổ sung 6 khoản phí; sửa tên 3 khoản phí cho phù hợp và ngoài học phí, viện phí đề xuất chuyển sang giá thì thêm 4 khoản phí chuyển sang cơ chế giá nữa (gồm: phí kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc; phí kiểm tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm; phí kiểm dịch y tế; phí phòng chống dịch bệnh).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, kinh tế thị trường thì các khoản thu phải minh bạch, thủ tục hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí cũng phải rõ và phải hết sức đơn giản.
Nhấn mạnh đây là vấn đề ảnh hưởng đến toàn dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ cái nào giá, cái nào phí và lệ phí để từ đó rà soát, hình thành danh mục trình Quốc hội. Chủ tịch QH đề nghị cần có một danh mục phí, lệ phí các loại thì Quốc hội chưa thông qua luật này, thủ tục thu và nộp phải thật đơn giản.
Về vấn đề này, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 8 của QH, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị quy định ngay trong Luật Danh mục chi tiết phí, lệ phí bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Có ý kiến đề nghị luật chỉ quy định nhóm danh mục phí và lệ phí, danh mục chi tiết giao Chính phủ quy định.
Về vấn đề này, theo Cơ quan soạn thảo, số lượng Danh mục phí và lệ phí là khá lớn, nếu quy định chi tiết ngay trong Luật là không khả thi. Qua 13 năm thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí không phát sinh vướng mắc. Kinh nghiệm các nước, các khoản phí, lệ phí đều giao cho Bộ Tài chính và Hội đồng địa phương (Bang, địa phương) quyết định mức thu và quản lý sử dụng phí, lệ phí thu được.
Do đó, kế thừa quy định hiện hành, đề nghị Dự thảo luật chỉ quy định Danh mục phí và lệ phí theo nhóm dịch vụ và giao Chính phủ quy định Danh mục chi tiết của từng loại phí, lệ phí là phù hợp với thực tiễn và khả thi.