Tăng nặng mức phạt vi phạm pháp luật giá, phí và lệ phí
(Taichinh) - Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2013/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã đề xuất một số mức xử phạt theo hướng tăng nặng với các hành vi vi phạm pháp luật về giá, phí, lệ phí để tăng cường tính răn đe.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý công khai vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hoá đơn.
Vi phạm niêm yết giá sẽ bị phạt ngay từ lần đầu tiên
Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm đã được quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn, do Nghị định 109 chưa bổ sung các quy định này.
Cụ thể, bổ sung thêm các hành vi vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá như hành vi không thông báo bằng văn bản về mức giá đăng ký, kê khai cho cơ quan nhà nước; áp dụng mức giá đăng ký, kê khai không đúng thời hạn theo quy định...
Hay hành vi tự ý tăng giá theo giá đã đăng ký, kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có văn bản yêu cầu giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa giải trình xong về mức giá đăng ký, kê khai cũng sẽ bị phạt.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cho biết, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về niêm yết giá theo quy định hiện hành còn thấp, trongđóchỉ phạt cảnh cáo đối với các hành vi vi phạm lần đầu; hành vi vi phạm lần thứ hai trở lên xử phạt ở mức từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Để tăng cường tính răn đe, bảo đảm việc tuân thủ các quy định của pháp luật về niêm yết giá, dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng ngay lần đầu tiên đối với các hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá. Đồng thời tăng mức xử phạt khi tái phạm từ lần thứ hai trở lên, từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, để bảo đảm thống nhất với quy định hiện hành và từ thực tiễn sử dụng Quỹ bình ổn giá trong thời gian qua cho thấy, phát sinh hành vi chậm hoặc hoặc không kết chuyển tài khoản Quỹ bình ổn giá theo quy định.
Vì vậy dự thảo Nghị định quy định các mức: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi chậm kết chuyển hoặc không kết chuyển tài khoản Quỹ bình ổn giá theo quy định.
Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền do trích lập không đúng hoặc không trích lập Quỹ bình ổn giá và phần lãi tính trên số dư Quỹ bình ổn giá phát sinh.
Gian lận, trốn nộp phí đường bộ bị phạt đến 50 triệu đồng
Bộ Tài chính cũng cho biết, theo quy định của pháp luật phí, lệ phí thì: cơ quan ra thông báo nộp phí, lệ phí là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không nhất thiết phải là cơ quan thuế ra thông báo nộp phí, lệ phí.
Ví dụ: Hiện cơ quan có thẩm quyền ra thông báo nộp phí BVMT đối với nước thải là Sở TN&MT, không phải là cơ quan thuế và cũng không phải là cơ quan thu phí, lệ phí.
Để bảo đảm thống nhất, phù hợp với pháp luật phí, lệ phí, dự thảo Nghị định quy định: Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí.
Đồng thời, đối với hành vi vi phạm pháp luật phí, lệ phí, dự thảo đã bổ sung quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí, để bảo đảm thống nhất, phù hợp với pháp luật phí, lệ phí.
Cùng với đó, để tăng cường tính răn đe, góp phần ngăn chặn hành vi gian lận, trốn nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, dự thảo Nghị định quy định: Đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện; phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí gian lận, trốn nộp phí theo quy định. Mức phạt tối thiểu là 6 triệu đồng, mức phạt tối đa là 50 triệu đồng
Ngoài ra hiện nay theo Bộ Tài chính, hành vi vi phạm quy định mức thu phí vẫn diễn ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm mức thu phí là mức xử phạt thấp, không bảo đảm tính răn đe.
Để hạn chế các hành vi vi phạm, dự thảo Nghị định quy định trường hợp vi phạm từ lần thứ 2 trở đi, tái phạm thì xử phạt gấp 03 lần mức phạt tiền lần trước, mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.
Cá nhân, tổ chức vi phạm nhiều lần, tái phạm có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 24 tháng.