Vai trò của chính sách thuế trong bảo vệ môi trường

Bùi Mỹ Anh - Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế)

Trong xu thế tăng cường phát triển kinh tế và hội nhập như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đẩy mạnh công nghiệp hoá trong sản xuất, thực tiễn này làm gia tăng phát thải các chất ô nhiễm môi trường. Do đó, việc hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường thông qua các chính sách thuế là vấn đề đặt ra trong tiến trình phát triển ổn định và bền vững của Việt Nam hiện nay. Với vai trò là một loại công cụ kinh tế trong việc quản lý môi trường, thuế bảo vệ môi trường đã được xây dựng và áp dụng khá hiệu quả tại Việt Nam. Bên cạnh việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chính sách thuế có thể góp phần bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Quy định chung

Bảo vệ môi trường (BVMT) là một chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiến pháp năm 1992 quy định: “Các cơ quan Nhà nước, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các đoàn thể xã hội và tất cả các cá nhân phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về việc sử dụng hợp lý các tài sản thiên nhiên, và BVMT” (Điều 29); Tại chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020) đã đưa ra giải pháp “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Tập trung hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT..."; "Tăng cường áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí...) để tăng nguồn tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”.

Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12 đã góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội, tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.

Tác động của thuế bảo vệ môi trường

Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12 quy định rõ nhóm các mặt hàng chịu thuế BVMT như: Xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng... Theo quy định tại Điều 136 Luật BVMT năm 2020, thuế BVMT áp dụng đối với các sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc chất ô nhiễm môi trường. Mức thuế BVMT được xác định căn cứ vào mức độ gây tác động xấu đến môi trường. Việc ban hành, tổ chức thực hiện quy định về thuế BVMT thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Luật Thuế BVMT quy định thuế BVMT là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Thuế BVMT đưa chi phí "gây ô nhiễm môi trường” (các yếu tố ngoại ứng) vào giá bán của hàng hóa nên thu thuế BVMT làm tăng giá sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế. Vì vậy, thuế BVMT là giải pháp hạn chế việc sản xuất, sử dụng hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường, thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thế nguyên liệu hóa thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, từ đó đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh, bền vững tại từng địa phương.

Người nộp thuế BVMT là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật, không phân biệt thành phần kinh tế cũng như phân biệt doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó vừa tạo môi trường đầu tư ổn định, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho quá trình phát triển kinh tế đất nước.

Cùng với các chính sách thu hiện hành liên quan đến BVMT (như phí BVMT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu...), thuế BVMT đã tạo thêm nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước trong việc quản lý và BVMT. Tổng số thu thuế BVMT đạt 11.458 tỷ đồng năm 2012 và tăng dần qua các năm như sau: Năm 2015 là 27.619 tỷ đồng, năm 2019 là 64.352 tỷ đồng, năm 2020 là 62.195 tỷ đồng.

Tác động của phí bảo vệ môi trường

Cùng với chính sách thuế BVMT, phí BVMT là một trong những công cụ để hạn chế các hoạt động không có lợi cho môi trường. Theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Luật BVMT 2020, phí BVMT áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trương; khai thác khoáng sản hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường; dịch vụ công thuộc lĩnh vực BVMT theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Mức phí BVMT được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; tính chất dịch vụ công thuộc lĩnh vực BVMT.

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật phí và lệ phí, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về việc thu, nộp, quản lý các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền, trong đó có Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định phí BVMT đối với khai thác khoáng sản và Nghị định số 27/2023/NĐ- CP ngày 31/5/2023 (thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP). Qua tổng kết, đánh giá cho thấy, chính sách thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản đã đạt được kết quả như sau:

Góp phần vừa đảm bảo thống nhất trong quản lý vừa tạo sự linh hoạt trong thực hiện chính sách phí BVMTđối với khai thác khoáng sản:

Tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP và Nghị định số 27/2023/NĐ-CP quy định khung mức thu phí và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu phí cụ thể và quản lý, sử dụng tiền phí thu được phù hợp với tình hình thực tế địa phương; giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tỷ lệ quy đổi khoáng sản thành phẩm ra khoáng sản nguyên khai để tính phí. Việc giao thẩm quyền quy định cụ thể mức thu phí áp dụng tại địa phương đối với từng loại khoáng sản đã tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương ban hành mức thu phí phù hợp với thực tế; đồng thời vẫn bảo đảm thống nhất theo quy định.

Góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước:

Cùng với các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về tài nguyên, môi trường, qua việc quản lý thu, kê khai nộp phí của doanh nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản được các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ. Điều này thể hiện ở chỗ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải định kỳ (hàng tháng) kê khai số lượng khoáng sản thực tế khai thác (làm căn cứ tính phí) gửi cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên và môi trường. Theo đó, cơ quan tài nguyên và môi trường có thể đánh giá việc khai thác của đơn vị được cấp phép có thực hiện đúng như giấy phép hay không.

Trường hợp có vi phạm (khai thác ngoài phạm vi quy định trong giấy phép: Số lượng, chủng loại, không đáp ứng về BVMT...) thì cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước:

Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản (trừ phí thu đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than thuộc ngân sách trung ương) là khoản thu thuộc ngân sách địa phương. Số thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản qua các năm như sau: Năm 2017 là 3.029 tỷ đồng, Năm 2018 là 3.448 tỷ đồng, Năm 2019 là 3.737 tỷ đồng, Năm 2020 là 3.576 tỷ đồng. Đây là nguồn thu đáng kể của ngân sách địa phương để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Tác động đối với hoạt động xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 quy định phí BVMT đối với nước thải và Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/05/2020 (thay thế Nghị định số 154/2016/NĐ-CP). Tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định về phí BVMT đối với nước thải như sau:

Đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

Phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt thu theo lượng nước đầu vào sử dụng với mức phí là 10% trên giá bán của 01 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức phí cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí. Phí BVMT đối với nước thải công nghiệp tính theo lượng nước thải và hàm lượng chất thải có trong nước thải đầu ra.

Tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định: Các địa phương (hoặc khu đô thị) triển khai thực hiện thu giá dịch vụ thoát nước theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/08/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải thì không thu phí BVMT đối với nước thải. Quy định này nhằm khuyến khích các địa phương đầu tư, phát triển các dự án thoát nước và xử lý nước thải theo cơ chế dịch vụ.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải được các địa phương ghi nhận là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giám sát, theo dõi các đối tượng xả nước thải trên địa bàn, nhất là các nguồn thải lưu lượng lớn, có tác động nhiều đến môi trường. Việc quy định thu phí BVMT đối với nước thải đã nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân về BVMT; ràng buộc đối tượng xả nước thải gây ô nhiễm trong việc đóng góp kinh phí phục vụ cho việc cải tạo ô nhiễm môi trường đối với nước thải (số tiền phí thu được năm 2016 là 1.287 tỷ đồng, năm 2017 là 2.102 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải trước khi xả thải môi trường. Từ đó góp phần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kết luận

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2023: “Lấy BVMT sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống”. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng môi trường không khí và hoàn thiện hệ thống pháp luật phí và lệ phí theo hướng khai thác hiệu quản nguồn thu phí từ BVMT (trong đó có phí BVMT đối với khí thải), cụ thể: Tại Quyết định số 958a/QĐ-TTg ngày 01/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 có nhiệm vụ: Hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng không khí; Tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã đưa ra giải pháp để thực hiện Chiến lược: Rà soát, hoàn thiện hệ thống phí và lệ phí theo hướng khai thác hiệu quả nguồn thu phí từ BVMT.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế và đe dọa tới môi trường của tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, phí liên quan đến lĩnh vực BVMT một cách khoa học và phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, từng bước nâng cao ý thức BVMT của tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12;
  2. Quốc hội, Luật BVMT số 72/2020/QH14;
  3. Chính phủ (2011), Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định về phí BVMT với nước thải;
  4. Chính phủ (2016), Nghị định số 164/2016/NĐ-CP về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản;
  5. Chính phủ (2023), Nghị định số 27/2023/NĐ-CP quy định phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2 tháng 2/2024