Vai trò của ngân hàng trong thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử dịch vụ công

TS. NGUYễN THị QUỳNH ANH - Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Cuộc cách mạng thanh toán điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Kết quả này có sự góp sức không nhỏ của hệ thống ngân hàng với tư cách là đơn vị trung gian hỗ trợ triển khai dịch vụ công điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực tế triển khai dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo 4 mức độ. Trong đó, cao nhất là mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Như vậy, để đạt hiệu quả cao nhất, dịch vụ công trực tuyến tại các cơ quan nhà nước cần hoàn thiện ở mức độ 4, vì đây là bước quan trọng, có sự tham gia trực tiếp của các ngân hàng trong giai đoạn thanh toán.

Theo báo cáo thường niên về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam, tính đến tháng 6/2014, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tất cả các mức độ của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đạt khoảng 85%, trong đó mức độ 3 và 4 đạt khoảng 2%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tất cả các mức độ của các bộ, cơ quan ngang bộ đạt khoảng 75%, trong đó mức độ 3 và 4 đạt khoảng 3%.

Việc cung cấp dịch vụ chủ yếu ở mức đơn giản, rất ít dịch vụ cho phép người dân gửi, thanh toán phí và nhận kết quả qua mạng. Nhìn chung, việc triển khai còn manh mún, khó tiếp cận, khó tra cứu. Hiện nay, có 57% các doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhưng hầu hết mới chỉ thực hiện được ở mức độ 1,2,3. Với mức độ 4 các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân mới tham gia ở mức rất hạn chế, chưa xứng với tiềm năng phát triển của đơn vị và nhu cầu sử dụng của các cá nhân, doanh nghiệp.

Tại một số đơn vị trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dù đã bắt đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến từ nhiều năm nay và thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về loại hình dịch vụ này nhưng kết quả cũng không cao. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã thực hiện 5 dịch vụ hành chính công trực tuyến nhưng lượng hồ sơ giao dịch qua kênh này chỉ chiếm 53 trong 75.435 hồ sơ tiếp nhận năm 2014. Trong khi đó, tại Cục thuế TP. Hồ Chí Minh, hiện nay có đến 98% doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử nhưng số thuế nộp vào ngân sách qua hình thức này cũng chỉ dừng lại ở con số 14.000 tỷ đồng trong 100.000 tỷ đồng tiền thuế phải thu.

Ngay cả trên cùng một địa bàn, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên tổng số giao dịch thủ tục hành chính cũng không đồng đều giữa các đơn vị. Chỉ có một số ít cơ quan nhà nước và một số thủ tục hành chính đạt lượng giao dịch trực tuyến cao như: Nhập khẩu xuất bản ấn phảm không nhằm mục đích kinh doanh với 80% hồ sơ được giao dịch qua mạng; dịch vụ cấp hộ chiếu online của Công an Thành phố với 72% hồ sơ được nộp qua mạng; thủ tục đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư với 20% hồ sơ giao dịch trực tuyến…

Ngân hàng với nhiệm vụ phát triển thanh toán điện tử dịch vụ công

Theo phân tích ở trên có thể thấy rằng, việc triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến còn phụ thuộc vào rất nhiều đơn vị tham gia, trong đó, các ngân hàng với tư cách trung gian hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến đóng một vai trò rất quan trọng.

Nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến, tại Quyết định 1605/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2015, 100% các cơ quan nhà nước từ cấp huyện, sở, ban, ngành hoặc tương đương trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử; 50% hồ sơ khai thuế của người dân và doanh nghiệp được nộp qua mạng; 90% cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử… và rất nhiều mục tiêu khác. Tới năm 2020, mục tiêu của Chính phủ đề ra là hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.

Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ cũng đã quy định rất rõ các vấn đề liên quan đến việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của Cơ quan Nhà nước. Điều này thể hiện sự quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách trong việc phát triển, đẩy mạnh thanh toán điện tử phục vụ dịch vụ công tại Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, vai trò của các ngân hàng tại Việt Nam trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử phục vụ dịch vụ công hiện nay cũng trở nên vô cùng quan trọng. Tính đến cuối tháng 11/2015 đã có 92% doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử. Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện rõ, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 đến nay còn khoảng 12%. Nhiều phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích đã ra đời trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như yêu cầu của nền kinh tế.

Thực vậy, để có thể triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến còn phụ thuộc vào rất nhiều đơn vị tham gia, trong đó các ngân hàng với tư cách trung gian hỗ trợ triển khai dịch vụ công điện tử đóng một vai trò rất quan trọng. Cụ thể, việc triển khai và phát triển các dịch vụ công điện tử phụ thuộc rất lớn vào nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, các phần mềm được thiết kế cho các quy trình hoạt động của các dịch vụ công này và công tác truyền thông, giáo dục người dân sử dụng dịch vụ.

Đến nay, việc triển khai thanh toán điện tử dịch vụ công đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại, hiện đã có trên 30 ngân hàng chính thức cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử.

Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy thanh toán điện tử dịch vụ công mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, mức độ tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cũng góp phần quan trọng và nhất là toàn bộ hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, để các cá nhân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích của việc thanh toán điện tử phục vụ dịch vụ công, các ngân hàng cũng cần nỗ lực thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, phát triển cơ sở khách hàng (số lượng, dữ liệu) để tăng tỷ lệ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân giao dịch qua ngân hàng, từ đó tạo nền tảng gia tăng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán dịch vụ công trực tuyến.

Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông, chăm sóc và hướng dẫn khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt làm nổi bật tiện ích tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng của việc thanh toán điện tử dịch vụ công.

Thứ ba, phối hợp với các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác truyền thông mang tầm quốc gia để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng mô hình kết nối nhằm giảm thiểu thời gian và công sức tất cả các bên tham gia, đặc biệt là ngân hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ công.

Tài liệu tham khảo:


1. Kỷ yếu diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2015;

2. Nghị định 43 ngày 13/06/2011 của Chính phủ quy định về các vấn đề liên quan đến việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của Cơ quan Nhà nước;

3. Quyết định số 1605/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.