Vai trò của tín dụng ngân hàng trong phát triển kinh tế biển Việt Nam
Kinh tế biển Việt Nam hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Hoạt động kinh tế biển còn manh mún, nhỏ lẻ, tập trung ở ven bờ… Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là thiếu và yếu về nguồn lực tài chính. Ngư dân chưa tiếp cận được nhiều nguồn tín dụng của Nhà nước do thủ tục và những hạn chế về chính sách. Để phát triển kinh tế biển, đảo cần mở rộng và phát triển nguồn tín dụng ngân hàng đến ngư dân vùng biển, đảo…
Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam thời gian qua
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển phát triển kinh tế biển mang tầm chiến lược, một cách toàn diện, thống nhất, đúng đắn và phù hợp với tình hình hiện nay. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996) xác định: “Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển, ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế – xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”.
Tại Đại hội IX (tháng 4/2001), Đảng ta chủ trương: “Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục địa. Tăng cường điều tra làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh nuôi, trồng, khai thác, chế biến hải sản... Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác...”.
Tới Đại hội X (tháng 4/2006), Đảng ta khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế... Hình thành một số hành lang kinh tế ven biển. Nhanh chóng phát triển kinh tế – xã hội ở các hải đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Đặc biệt, ngày 9/2/2007, Hội nghị Trung ương 4, khóa X đã đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định: “Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% – 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước…”.
Tiếp tục chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển, đảo được xác định trong các văn kiện trước đây của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2011-2020) nhấn mạnh: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi-măng, chế biến thủy sản chất lượng cao… Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông – biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”.
Bên cạnh đó, Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ đã cụ thể hoá các chính sách đầu tư cho phát triển thủy sản, các nguồn vốn được cung ứng bởi ngân sách trung ương, ngân hàng, các chính sách về bảo hiểm, chính sách ưu đãi về thuế…
Vai trò của tín dụng ngân hàng đối với phát triển kinh tế biển
Một là, hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho các chủ thể tham gia phát triển kinh tế biển, đảo: Do đặc thù của kinh tế biển chủ yếu là khai thác ven bờ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, thường gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tích luỹ thấp, do đó thường xuyên thiếu hụt vốn, nhất là vốn cho đầu tư tái mở rộng sản xuất. Trong khi đó, các nguồn vốn từ các chủ thể tham gia đầu tư cho kinh tế biển như vốn ngân sách, vốn tích luỹ từ các doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân, các chủ đầu tư khác chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển của kinh tế biển, phần thiếu hụt còn lại từ trước đến nay chủ yếu phải dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Do vậy, tài trợ tín dụng cho kinh tế biển là hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn đầu phát triển để thoát khỏi nền sản xuất hàng hóa nhỏ. Tuy nhiên, về lâu dài tín dụng ngân hàng chủ yếu chỉ tài trợ vốn lưu động. Tín dụng ngân hàng sẽ chỉ đóng vai trò là vốn ban đầu có tính dẫn dắt để thu hút các nguồn vốn khác đầu tư cho phát triển kinh tế biển.
Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% – 55% tổng GDP của cả nước. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước…
Ba là, bảo đảm vai trò cơ sở của kinh tế biển: Kinh tế biển phải vươn lên nhằm đảm bảo vai trò cơ sở của nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vai trò cơ sở của kinh tế biển trong đảm bảo thực phẩm và nguyên liệu; Đảm bảo cung cấp nhân công, thị trường và vốn đầu tư ban đầu cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Để đảm bảo vai trò cơ sở của mình, kinh tế biển phải không ngừng được đầu tư mở rộng để phát triển. Sự phát triển có hiệu quả của kinh tế biển là cơ sở để ngân hàng thu hồi vốn cho vay và mở rộng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Sự tương tác có hiệu quả đó đáp ứng yêu cầu mở rộng tín dụng gắn liền với nâng cao chất lương tín dụng trong nền kinh tế. Điều này cho thấy, mở rộng tín dụng ngân hàng là yêu cầu khách quan của phát triển kinh tế biển, đồng thời cũng là yêu cầu tự thân trong hoạt động ngân hàng.
Định hướng tín dụng đầu tư phát triển kinh tế biển
Tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Chính phủ đã xác định phương hướng cụ thể cho vay và ưu tiên phát triển ngành Thủy sản. Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng và mở rộng cho vay đối với lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thu hồi các khoản nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro nhằm nâng cao chất lượng tín dụng thủy, hải sản.
- Đối với nuôi trồng thủy sản: Tiếp tục điều tra, khảo sát nắm chắc tình hình nuôi trồng của các chủ nuôi có dư nợ và khách hàng chưa vay ngân hàng. Nắm bắt được các khách hàng đang có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, có năng lực tài chính tốt, có tài sản đảm bảo cho khoản vay và có khả năng trả nợ để tập trung đầu tư vốn.
- Đối với lĩnh vực chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá: Ngân hàng kết hợp cả đầu tư chế biến nội địa và chế biến xuất khẩu. Trong đó, chế biến xuất khẩu phải lựa chọn khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có khả năng quản lý tổ chức sản xuất tốt, có các hợp đồng tiêu thụ ổn định. Từ đó nghiên cứu, tư vấn cho khách hàng trong việc thương lượng ký kết hợp đồng xuất khẩu, tránh rủi ro trong khâu thanh toán, đảm bảo an toàn vốn đầu tư.
- Đối với lĩnh vực khai thác đánh bắt thủy sản: Tập trung cho vay nâng cấp phương tiện để nâng cao năng lực khai thác thuỷ sản. Theo đó, chỉ cho vay mới đối với các phương tiện khai thác có công suất lớn đảm bảo kỹ thuật và an toàn, chủ động phối hợp với chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương để thẩm định về định mức kỹ thuật của tàu cá, đồng thời nắm bắt các chuyến đi biển của con tàu. Khi ký kết hợp đồng tín dụng, các chủ tàu phải cam kết mua bảo hiểm trong suốt thời gian vay vốn, chấp hành đăng ký, đăng kiểm đúng quy định.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, các ngân hàng cũng đẩy mạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thu hồi các khoản nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro nhằm nâng cao chất lượng tín dụng thuỷ, hải sản. Trong đó đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều tra, khảo sát nắm chắc tình hình nuôi trồng của các chủ nuôi đối với cả khách hàng có dư nợ và khách hàng nuôi chưa vay.
Qua đó, nắm bắt được các khách hàng đang có kinh nghiệm trong nuôi trồng thuỷ sản, có năng lực tài chính tốt, có tài sản đảm bảo cho khoản vay và có khả năng trả nợ để tập trung đầu tư vốn. Đối với lĩnh vực chế biến thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, các ngân hàng đưa định hướng kết hợp cả đầu tư chế biến nội địa và chế biến xuất khẩu. Riêng đối với chế biến xuất khẩu phải lựa chọn khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có khả năng quản lý tổ chức sản xuất tốt và có các hợp đồng tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tư vấn cho khách hàng cách thức thương lượng ký kết hợp đồng xuất khẩu, tránh rủi ro trong khâu thanh toán, đảm bảo an toàn vốn đầu tư. Đồng thời, tập trung cho vay nâng cấp phương tiện để nâng cao năng lực khai thác, chỉ cho vay mới đối với các phương tiện khai thác có công suất lớn đảm bảo kỹ thuật và an toàn; chủ động phối hợp với chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương. Khi ký kết hợp đồng tín dụng, các chủ tàu phải cam kết mua bảo hiểm trong suốt thời gian vay vốn, chấp hành đăng ký, đăng kiểm đúng quy định.
Nhận diện rủi ro và kiến nghị giải pháp
Trong hoạt động kinh tế biển hiện nay, nghề cá được khai thác và đánh bắt chủ yếu bằng tàu công suất nhỏ, ngư dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng giảm bất thường, ngư trường không ổn định, thiên tai nhiều, bị thương lái ép giá nên ngư dân chưa mạnh dạn đầu tư đội tàu có công suất lớn để vươn khơi…
Do đối mặt với nhiều rủi ro nên ngư dân khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đóng mới tàu, trang bị ngư cụ hiện đại khai thác xa bờ. Ngoài ra, do thường đánh bắt ở ngư trường xa, neo đậu ở các địa phương ngoài tỉnh, nên khó khăn cho ngân hàng cho vay trong việc kiểm tra, quản lý dòng tiền sau khi bán hải sản khai thác được. Việc phát mãi tài sản của ngân hàng để thu hồi nợ khi khách hàng không trả được nợ cũng gặp nhiều khó khăn.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng hải sản ven biển chủ yếu theo phương thức truyền thống quảng canh và bán thâm canh, do đầu tư ít và có hiệu quả nhưng năng suất rất thấp. Nguồn nguyên liệu thủy sản không ổn định, do hiện tượng ngư dân chạy theo lợi nhuận trước mắt nên đổ xô vào nuôi trồng khi có giá cao dẫn đến tình trạng lúc thừa, lúc thiếu.
Các doanh nghiệp thu mua cạnh tranh quyết liệt như tranh mua, tranh bán, không có sự hợp tác với người nuôi trồng dẫn đến ép giá khi thừa… Do vậy, ngư dân nuôi trồng thủy sản khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và càng làm cho ngư dân khó tiếp cận vốn vay.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế biển Việt Nam, đồng thời mở rộng quy mô tín dụng đối với ngành Thủy sản cần tập trung triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng cho phát triển kinh tế biển, đảo:
Một là, các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các ngư dân trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.
Hai là, xem xét phối hợp đưa ra mô hình khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản mang lại hiệu quả cao như: đầu tư 100% vốn nhà nước để đóng mới một số tàu vỏ thép với kỹ thuật hiện đại để khai thác thủy hải sản xa bờ và một số tàu vỏ thép công suất lớn làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ba là, cần có quy hoạch cụ thể đối với ngành Thủy sản, chia theo từng lĩnh vực: Khai thác và đánh bắt, nuôi trồng, dịch vụ kinh tế biển, hướng sự thống nhất trong quy hoạch chung ngành Thủy sản, đảm bảo việc phát triển bền vững theo chiến lược kinh tế biển đặt ra.
Bốn là, các bộ, ngành xây dựng cơ chế đặc thù để ngân hàng mạnh dạn cho vay với tài sản thế chấp chỉ là tàu cá hình thành từ vốn vay, từ đó ngư dân có thể mạnh dạn đầu tư những con tàu lớn, đảm bảo về kỹ thuật và thiết kế. Hiện nay, do đặc thù ngành khai thác đánh bắt thủy hải sản xa bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro, các ngân hàng buộc phải xem xét đến các rủi ro có thể xảy ra để yêu cầu ngư dân, doanh nghiệp bổ sung tài sản đảm bảo ngoài tài sản thế chấp là tàu cá hình thành từ vốn vay khi cho vay đóng mới tàu cá. Cơ chế này khiến ngư dân khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2014), Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản;
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chiến lược phát triển kinh tế biển;
3. Học viện Ngân hàng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (2013), Hội thảo “Tín dụng ngân hàng với phát triển kinh tế biển khu vực Nam Trung Bộ”;
4. Hoàng Trường Giang (2016), Đột phá để phát triển kinh tế biển, Báo Quân đội nhân dân.