VAMC và sứ mệnh lịch sử

Theo thoibaonganhang.vn

Để sớm giải quyết nợ xấu một cách triệt để, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Quốc Hùng cho biết, từ nay đến cuối năm 2016, VAMC sẽ tập trung toàn lực vào việc bán nợ, bán TSBĐ và hướng tới mua nợ theo giá trị thị trường...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công cụ hữu hiệu xử lý nợ xấu

Vài năm gần đây, nói đến xử lý nợ xấu là người ta nghĩ ngay đến cái tên VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam). Chính thức đi vào hoạt động ngày 27/6/2013, với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng, VAMC đã nhanh chóng xác lập được vai trò, tầm quan trọng của mình trong việc góp phần đưa nợ xấu của các TCTD từ mức 17,43% vào thời điểm năm 2012, giảm xuống còn 2,72% tính đến tháng 9/2015.

Nghe thì thật đơn giản, nhưng để có được con số tưởng khô khan ấy là cả một hành trình gian nan vượt thử thách của hệ thống Ngân hàng nói chung và VAMC nói riêng. Làm thế nào để giải quyết được “cục máu đông” làm tắc nghẽn nền kinh tế đó là cả vấn đề không hề đơn giản.

Còn nhớ, lúc bấy giờ, một loạt các giải pháp đã được NHNN đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và TCTD. Như: ban hành Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012, thông qua việc cho phép điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hay, từng bước điều chỉnh lãi suất (bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay) nhằm giảm chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp… Song, tất cả những chính sách, những giải pháp đều không giải quyết được nhanh và căn bản vấn đề nợ xấu – vốn đã trở nên quá trầm trọng.

Nhất là khi mà nó đặt bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ thấp, nền kinh tế trong nước trì trệ, kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp suy giảm và bộc lộ những bất ổn trong mối quan hệ với hệ thống Ngân hàng.

Doanh nghiệp không trả được nợ, TCTD siết chặt hoạt động cấp tín dụng. Mặc dù, các TCTD đã nỗ lực tự xử lý nợ xấu dưới mọi hình thức, song nợ xấu vẫn tăng lên nhanh chóng trong năm 2012 và tiếp tục có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2013.

Giải quyết nợ xấu không còn là câu chuyện riêng của từng TCTD. Thậm chí, câu chuyện nợ xấu đã được xã hội nhìn nhận là không còn của riêng hệ thống Ngân hàng mà đã đến lúc cả hệ thống chính trị cần vào cuộc. Rằng, đã đến lúc cần phải có một giải pháp tổng lực hơn, triệt để hơn, căn cơ hơn.

Hay nói cách khác là, đã đến lúc cần phải có một công cụ đặc biệt hữu hiệu để xử lý nhanh nợ xấu tại các TCTD nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và cho chính TCTD, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp không đủ để hỗ trợ xử lý nợ xấu nhanh và triệt để.

Giải pháp tối ưu

Và VAMC đã ra đời trong bối cảnh lịch sử như thế. Với nhiệm vụ chính là xử lý khối nợ xấu ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt phải chuẩn bị hành trang cho quá trình tái cơ cấu các TCTD và phân loại chất lượng theo thông lệ quốc tế mà không phải sử dụng vốn ngân sách của nhà nước.

Có thể nói, đây quả là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bởi việc xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách là mô hình riêng có của Việt Nam mà trên thế giới chưa từng có tiền lệ.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhớ lại: Khi mới thành lập, ông được điều chuyển từ vị trí Phó tổng giám đốc Agribank, sang làm Phó Chủ tịch thường trực, còn nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình thì làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Thời gian đầu, công ty chỉ có 20 người, cơ sở vật chất, trang thiết bị hầu như không có gì, cơ chế tài chính cũng không. Thậm chí, không ít câu hỏi hoài nghi về tính hiệu quả của VAMC đã được đặt ra.

Lúc đó, cá nhân ông cũng không tránh khỏi băn khoăn lo lắng trước một đống nợ xấu khổng lồ mà chính bản thân mình cũng như cả tập thể không có mấy kinh nghiệm. Bởi, mô hình xử lý nợ xấu không dùng vốn ngân sách mang tính đặc thù chưa hề có trên thế giới, do vậy nhiệm vụ của VAMC là phải “vừa khai phá, vừa thiết kế, vừa thi công”.

Và Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 với những quy định cụ thể, chi tiết về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMCchính là cơ sở tạo niềm tin ban đầu để ông cùng bộ máy quyết tâm thực hiện.

Với chức năng là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế, không vì mục tiêu lợi nhuận, theo các chuyên gia kinh tế, đây là giải pháp tối ưu, hết sức sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và điều kiện của Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian đầu, vì nhiều lý do, hầu như các TCTD đã không mấy mặn mà với việc bán nợ cho VAMC. Phải đến ngày 1/10/2013 - ông Hùng nhớ như in từng con số - VAMC mới có được hợp đồng mua bán nợ đầu tiên với Agribank với số tiền là 2.300 tỷ đồng nợ xấu.

Đầu xuôi, đuôi lọt. Chẳng bao lâu, từ chỗ “ế ẩm”, các TCTD đã phải “xếp hàng” để được bán nợ xấu cho VAMC, sau khi hiểu được những lợi ích của việc bán nợ xấu như: giúp giảm nhanh nợ xấu, làm sạch bảng cân đối kế toán, lành mạnh hóa tình hình tài chính; được sử dụng trái phiếu đặc biệt vay tái cấp vốn tại NHNN với tỷ lệ tối đa 70%... Nhờ vậy, đến cuối tháng 12/2013, chỉ sau 3 tháng đi vào hoạt động, VAMC đã mua được 30.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu ban đầu đặt ra.

Sau thời gian tập trung mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt những tháng cuối năm 2013, ngay từ đầu năm 2014, ngoài nhiệm vụ tiếp tục mua nợ xấu, VAMC tập trung triển khai quyết liệt các công việc liên quan tới xử lý các khoản nợ đã mua bằngtrái phiếu đặc biệt như cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, thu nợ, bán nợ và bán tài sản bảo đảm (TSBĐ);

Chủ động tiếp xúc với các định chế tài chính, các tổ chức trong và ngoài nước; hợp tác với các TCTD để nắm bắt thông tin và phối hợp triển khai thẩm định hồ sơ, phân tích và đưa ra các biện pháp phù hợp nhất, nhằm hỗ trợ tích cực cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, VAMC tiếp tục hoàn thiện các quy định nghiệp vụ sao cho phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khách hàng, TCTD và VAMC.

Có thể thấy, VAMC đã và đang là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu, không sử dụng vốn ngân sách của Việt Nam, mà kết quả là đưa nợ xấu ra ngoại bảng hơn 237.000 tỷ đồng, tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm doanh nghiệp được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, thậm chí còn tiếp cận được vốn vay của TCTD.

Tuy nhiên, so với thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, TSBĐ còn rất khiêm tốn, chưa bán được khoản nợ, TSBĐ cho nhà đầu tư nước ngoài... Để sớm giải quyết nợ xấu một cách triệt để, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Quốc Hùng cho biết, từ nay đến cuối năm 2016, VAMC sẽ tập trung toàn lực vào việc bán nợ, bán TSBĐ và hướng tới mua nợ theo giá trị thị trường.

Đặc biệt là VAMC sẽ cố gắng để xây dựng một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, đầy đủ. Điều này, hẳn có thêm cơ sở để hy vọng vào tính khả thi của nó khi mà mới đây, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản số 2588/NHNN-TTGSNH gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu.

Tính đến 15/4/2016, VAMC đã thực hiện mua bằng trái phiếu đặc biệt được 24.556 khoản nợ tương ứng với 244.082 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 208.636 tỷ đồng của 41 TCTD. Từ 1/1/2016 đến 15/4/2016, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 3.929 tỷ đồng (bao gồm thu từ bán nợ/bán TSBĐ...). Lũy kế từ năm 2013 đến 15/4/2016, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 26.712 tỷ đồng (bao gồm thu từ bán nợ/ bán TSBĐ…).