Vấn đề bản quyền ứng dụng phần mềm mã nguồn mở để xây dựng thư viện số
Bài viết giới thiệu phần mềm mã nguồn mở để xây dựng các bộ sưu tập số phục vụ nghiên cứu, học tập tại thư viện các trường đại học và viện nghiên cứu.
Thông qua việc so sánh điểm giống và khác nhau giữa hai phần mềm Greenstone và Dspace để người sử dụng có cái nhìn tổng quan về các phần mềm mã nguồn mở, bài viết chỉ ra những vấn đề liên quan đến bản quyền khi sử dụng và khai thác các phần mềm miễn phí trong các cơ quan thông tin – thư viện hiện nay trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của các tổ chức quốc tế về Luật Bản quyền và Sở hữu trí tuệ.
Một số phần mềm mã nguồn mở xây dựng bộ sưu tập số thư viện
Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông phát triển giúp thông tin bùng nổ trên thế giới, nhu cầu của con người về ứng dụng CNTT ngày càng cao và là yếu tố không thể thiếu trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh số hóa hiện nay, để tạo ra các giá trị mang tính kinh tế, ngành Thư viện ngày nay không chỉ đơn thuần không chỉ ứng dụng CNTT vào việc tự động hóa công tác thư viện mà còn phải còn tạo ra những sản phẩm thông tin số phục vụ cho nhu cầu người dùng.
Phần mềm Greenstone là một trong những phần mềm mã nguồn mở thư viện số nổi tiếng và phổ biến nhất hiện nay, được phát triển năm 2000 bởi Dự án thư viện số New Zealand của trường đại học Waikato (New Zealand). Greenstone hiện đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt trong các cơ quan của UNESCO, các tổ chức phi chính phủ, các chính phủ và thư viện các quốc gia các trường đại học trên thế giới. Greenstone được dùng để thu thập và biên mục tài liệu số theo chuẩn Dublin Core, đồng thời tổ chức thành bộ sưu tập số để xuất bản trên Internet hay xuất ra đĩa CD.
Phần mềm DSpace là một bộ phần mềm hỗ trợ giải pháp xây dựng và phân phối các bộ sưu tập số trên Internet. DSpace do Tập đoàn HP và The MIT Libraries phát triển vào năm 2002, cung cấp một phương thức mới trong việc tổ chức và xuất bản thông tin trên môi trường mạng (Internet). Hiện nay, có hơn 200 trường đại học và các tổ chức văn hoá trên thế giới sử dụng phần mềm số DSpace để quản lý và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin điện tử như: sách, tạp chí, luận văn và các sưu tập hình ảnh, âm thanh và phim… Đây là phần mềm mã nguồn mở cho phép các thư viện, các cơ quan nghiên cứu phát triển và mở rộng nhằm mục đích tạo lập các bộ sưu tập số.
So sánh một số tính năng cơ bản của hai phần mềm Greenstone và Dspaces
Nghiên cứu khảo sát 2 phần mềm Greenstone và Dspaces cho thấy, có nhiều điểm giống nhau như: Nhiều thư viện, cơ quan, tổ chức sử dụng và phát triển trên toàn thế giới; Đều là mã nguồn mở, chạy được trên tất cả các hệ điều hành như: Window, Linux…; Đa ngôn ngữ; Đều có chức năng và cấu trúc là xây dựng và xuất bản bộ sưu tập số trên Internet hoặc CD-ROM; Nhiều tính năng ưu việt: có thể đọc được nhiều đuôi file như: .doc, .pdf, .jpg, .mp3, .htlm....
Tuy nhiên, 2 phần mềm này vẫn thấy có nhiều khác biệt đáng chú ý. Chẳng hạn, khi đăng nhập vào hệ thống biên mục của DSpace, người dùng phải được đăng ký vào hệ thống và được cấp 1 tài khoản (thông qua người quản trị): có tính năng bảo mật nhưng gây khó khăn cho người sử dụng. Phần mềm Greenstone thì người biên mục không phải qua tài khoản đăng nhập. Trang tra cứu của DSpace giống với cổng thông tin điện tử dạng website trong khi trang tra cứu của Greenstone dạng OPAC (cổng thư mục có chứa toàn văn nội dụng tài liệu).
Theo đánh giá của người dùng tại nhiều trường đại học, cao đẳng, giao diện trang tra cứu của DSpace không thân thiện bằng Greenstone. Cấu trúc trang tìm kiếm không bài bản như trang tìm kiếm của Greenstone. Người dùng muốn tra cứu, tìm kiếm tài liệu ở DSpace phải có Username và Password trong khi Greenstone thì không. Việc tìm kiếm tài liệu trên Dspace cho kết quả không như mong muốn, có nghĩa là không cho kết quả với những từ khoá cần tìm mà cho kết quả hàng loạt, khiến người dùng rất khó khăn trong việc tìm chọn tài liệu trong khi Greenstone thì ngược lại. Greenstone cho phép lưu trữ một gói thông tin trong một bộ sưu tập từ 1000 đến 3000 trang tài liệu trong khi khả năng này của Dspace lớn hơn nhiều.
Vấn đề bản quyền ứng dụng phần mềm mã nguồn mở
Vi phạm bản quyền là vấn đề nhức nhối, phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Công nghệ phát triển đã tạo cho con người dễ dàng sao chép, “đạo văn” các sản phẩm đã có người sở hữu mà không xin phép, trích dẫn. Do vậy, hiểu biết về bản quyền để áp dụng vào công việc, học tập, nghiên cứu là điều kiện cần trong văn hoá ứng xử với các sản phẩm tài liệu số. Các phần mềm mã nguồn mở là cần thiết và hữu ích, giúp chúng ta tránh vi phạm bản quyền.
Thực tế cho thấy, lợi dụng tính tiện ích của các công cụ hỗ trợ của CNTT là dễ sao chép, chỉnh sửa của các phần mềm mã nguồn mở mà các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các điều khoản của bản sao được phép dùng và giấy phép công cộng GNU (GNU GPL hoặc GPL) đưa ra làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng sử dụng như: Chuyển giao các sản phẩm công nghệ mã nguồn mở đã qua chỉnh sửa, phát triển để thu lợi bất chính, không vì mục đích ban đầu của tác giả, tổ chức tạo ra sản phẩm; Tạo ra sản phẩm mã nguồn đóng trên cơ sở sao chép từ Code (dòng lệnh phần mềm máy tính) của mã nguồn mở nhằm phục vụ cho lợi ích của cá nhân, tổ chức...
Trong vấn đề bản quyền có hai khái niệm cơ bản gồm: Copyright (bản quyền) và Copyleft (Bản sao được phép dùng). Cụ thể:
- Lợi ích của copyleft: Copyleft là hình thức bản quyền kiểu mới, nhằm tránh vi phạm copyright. Các quốc gia chậm phát triển hoặc các nước đang phát triển sử dụng Copyleft sẽ đạt được những lợi ích như: Tự do sử dụng và nghiên cứu tác phẩm; Tự do sao chép và chia sẻ tác phẩm với người khác; Miễn phí bản quyền phần mềm; Miễn phí các phiên bản nâng cấp trong toàn bộ vòng đời sử dụng sản phẩm; Giảm chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm đáp ứng theo yêu cầu; Tăng cường độ tin cậy, tính ổn định, bảo mật toàn hệ thống khá an toàn…
- Hành vi vi phạm copyleft: Hành vi vi phạm Copyleft là việc xâm phạm quyền nhân thân tác giả tức là việc tùy tiện đưa phần mềm vào dạng mã nguồn đóng nhằm mục đích thu lợi bất chính cho tổ chức, cá nhân của mình, trái với mong muốn của tác giả cũng như quy định giấy phép GNU.
Tác giả Phạm Hoài Hận (2010) đã đưa ra một vài so sánh những điểm giống và khác nhau của copyright và copyleft như sau:
- Điểm giống nhau: Copyright và Copyleft đều bảo vệ quyền nhân thân tác giả (trừ toàn vẹn tác phẩm). Copyleft cũng có những quy định với người dùng giống copyright.
Ứng dụng lĩnh vực thư viện số tại Việt Nam
Thư viện số ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, những năm gần đây, thư viện của các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, thư viện quốc gia đã đẩy mạnh số hóa nguồn tài liệu, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dùng nhưng vẫn chưa có lối ra cho một giải pháp phần mềm hữu ích.
Trong bối cảnh nguồn kinh phí của các thư viện Việt Nam còn hạn hẹp, khi các phần mềm thương mại giá cả quá cao, việc lựa chọn những phần mềm mã nguồn mở để xây dựng thư viện số là giải pháp hữu ích. Việc hiểu biết và áp dụng các vấn đề bản quyền đối với các phần mềm mã nguồn mở giúp các thư viện tránh được vấn đề vi phạm bản quyền trong việc sử dụng.
Việc ứng dụng copyleft vào lĩnh vực thư viện là một giải pháp khả quan cho những thư viện không đủ kinh phí mua phần mềm thương mại thư viện số. Chính vì vậy, khả năng áp dụng các phần mềm mã nguồn mở thư viện số miễn phí vào lĩnh vực thư viện trong bối cảnh hiện nay mang lại nhiều lợi ích như: Hỗ trợ nâng cao hiểu biết về lập trình phần mềm, đổi mới tư duy trong công tác quản lý thư viện; Hỗ trợ xây dựng các bộ sưu tập số ở vác thư viện đại học; Hạn chế và hướng tới việc xóa bỏ việc vi phạm bản quyền phần mềm; Tiết kiệm nguồn lực tài chính mua các phần mềm bản quyền thương mại; Có khả năng tương tác, tương thích với các sản phẩm phần mềm mã nguồn đóng và hợp với xu thế thư viện số trên thế giới; Hệ thống thông tin và dữ liệu được đảm bảo an ninh...
Với những khả năng trên các thư viện khi tiến hành xây dựng các bộ sưu tập số có quyền tự do thừa hưởng những thành tựu và lợi ích của copyleft mang lại.
Một số đề xuất, kiến nghị
Xây dựng một thư viện số cho phép liên kết tất cả thư viện với nhau, giúp dễ dàng tìm kiếm mọi tài liệu đang cần, điều không thể làm được ở một thư viện truyền thống. Khi một giải pháp phần mềm thống nhất, có hiệu quả thì tất cả các thư viện số trong và ngoài nước có thể chia sẻ nguồn lực thông tin một cách dễ dàng nhờ mạng thông tin toàn cầu. Việc tiến hành xây dựng thư viện số ở Việt Nam là xu hướng tất yếu trong bối cảnh số hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ cấp độ quốc gia
- Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia là đầu mối quan trọng trong việc hỗ trợ lựa chọn phần mềm mã nguồn mở cũng như hướng dẫn về mặt CNTT và biên mục tài liệu số.
- Tổ chức các cuộc hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp ưu việt trong việc lựa chọn phần mềm mã nguồn mở.
- Mở các lớp tập huấn về các kỹ năng sử dụng phần mềm mã nguồn mở và luật bản quyền và sở hữu trí tuê cho cán bộ thư viện trong cả nước.
- Sử dụng phương án tạo một đường link để các đơn vị khi tiến hành xây dựng không bị chồng chéo và trùng lặp, tiết kiệm công sức, tài chính.
Từ cấp độ các trường đại học, cao đẳng
Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng cần có chính sách đúng đắn, thông thoáng về mặt tài chính, để từ đó có thể đầu tư đúng mức cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng đủ cho việc xây dựng thư viện số. Đồng thời, quan tâm chú trọng đào tạo con người có trình độ hiểu biết về cách sử dụng các phần mềm mã nguồn mở cũng như chuyên môn kỹ thuật cao trong lĩnh vực thư viện số. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, cần có văn hoá ứng xử đúng mực với Luật Bản quyền và Sở hữu trí tuệ trong cơ quan thông tin thư viện.
Tóm lại, phục vụ cộng đồng không vì mục đích lợi nhuận là đích đến của các tác giả, tổ chức, cá nhân tạo ra các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở, nhằm phục vụ cho những đối tượng không đủ khả năng tài chính để mua phần mềm mã nguồn đóng (phần mềm thương mại). Trong cảnh nguồn kinh phí các thư viện Việt Nam còn hạn hẹp, khi các phần mềm thương mại giá cả quá cao thì việc lựa chọn các phần mềm mã nguồn mở để xây dựng thư viện số là giải pháp hữu ích. Chính vì vậy, việc hiểu biết và áp dụng các vấn đề bản quyền đối với các phần mềm mã nguồn mở giúp các thư viện tránh được vấn đề vi phạm bản quyền trong việc sử dụng.
Tuy nhiên, giải pháp áp dụng các phần mềm mã nguồn mở chỉ là tạm thời, về lâu dài cần đầu tư một phần mềm thư viện số mang tính chất thương mại. Điều này vừa thống nhất được chuyên môn cho các thư viện, vừa chia sẻ được nguồn lực thông tin, đồng thời đáp ứng được bảo mật thông tin cho các bộ sưu tập đã được các đơn vị xây dựng.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Hoài Hận (2010), Copyright vag copyleft: Luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật Tư pháp - Cần Thơ, Đại học Cần Thơ, 2010;
2. Nguyễn Tuyến (2004), Biên mục Phần mềm thư viện số DSpace (DSpace Cataloguing). Bản tin Thư viện - Công nghệ thông tin tháng 10/2004;
3. Nguyễn Minh Hiệp (2006), Thư viện số với hệ thống nguồn mở; Bản tin thư viện công nghệ thông tin, tháng 8/2006;
4. Nguyễn Thanh Minh (2005), Ứng dụng Phần mềm nguồn mở thư viện số trong việc tạo lập và phân phối kho tài nguyên số hóa phục vụ giảng dạy và nghiên cứu trong trường đại học; Bản tin Thư viện Công nghệ thông tin, tháng 3/2005.