Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi:
Vấn đề chuyển giá được quy định rõ ràng, đúng bản chất
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi khá chi tiết, phong phú, đầy đủ và minh bạch. Trong đó, vấn đề chuyển giá (giao dịch liên kết) được quy định kịp thời, rõ ràng, đúng bản chất.
PV: Để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, Chính phủ vừa trình Quốc hội Dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi. Ông đánh giá như thế nào về bản dự án luật này?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Tôi đánh giá rất cao dự thảo luật lần này bởi khá chi tiết, phong phú, đầy đủ và khá minh bạch. Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã điều chỉnh khá nhiều so với luật cũ. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, khoảng 90% những điều khoản của luật thuế cũ đã được chỉnh sửa từ câu chữ cho tới ý tứ và đã tham khảo nhiều thông lệ quốc tế phù hợp khi xây dựng dự thảo.
Điểm ấn tượng của dự thảo Luật Quản lý thuế lần này là đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên, cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, các cơ quan có thẩm quyền khác. Đây là điều rất tốt, là hướng mới bởi trước đây người làm luật thường quan tâm đến việc người bị điều chỉnh bởi luật đó, còn người đứng ra thực thi luật lại ít chịu trách nhiệm hơn.
Điểm thứ hai mà tôi nghĩ nên xúc tiến là mở rộng các chức năng của đại lý thuế. Trước đây vẫn có đại lý thuế nhưng chủ yếu là làm nhiệm vụ nộp thuế và khai thuế cho doanh nghiệp (DN), còn hiện tại trong dự thảo luật đã mở rộng thêm chức năng mới là làm nhiệm vụ kế toán DN. Đại lý thuế là người nắm rất chắc các thủ tục và các văn bản pháp luật liên quan đến thu thuế của DN. Những DN ký hợp đồng với đại lý thuế hầu hết là những DN nhỏ không có hệ thống kế toán hoàn chỉnh để thực hiện các nghĩa vụ kế toán không vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần mở rộng phạm vi hoạt động và phạm vi quyền hạn cho các đại lý thuế. Có như vậy, mới hỗ trợ các DN tốt hơn, nhưng cũng cần phải có những cơ chế để quản lý chặt chẽ vấn đề này, không để thất thoát nguồn thu của Nhà nước. Điều này cũng giúp cho DN chấp hành pháp luật tốt hơn, dễ dàng hơn, DN sẽ không vi phạm pháp luật theo một theo cách không hiểu pháp luật như trước đây nữa, giúp việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên DN sẽ thuận lợi hơn, góp sức hoàn thành mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử phát triển bùng nổ, có nhiều loại hình và mặt hàng kinh doanh mới mà Luật Quản lý thuế trước đây chưa bao quát được dẫn tới thất thu thuế. Dự thảo luật lần này đã bao quát hơn, có những cải tiến rất tích cực về hiện đại hóa thu thuế với hoạt động thương mại điện tử.
Một vấn đề rất quan trọng đã được dự thảo luật đề cập đó là vấn đề chuyển giá (giao dịch liên kết) tương đối rõ, minh bạch. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch này sẽ tạo nên những thách thức và rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, những quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi là khá kịp thời, rõ ràng.
Ông có thể nói rõ hơn về sự kịp thời, rõ ràng trong việc quy định về vấn đề chuyển giá (giao dịch liên kết) trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này?
Trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung một số nguyên tắc, trong đó nguyên tắc bản chất quyết định hình thức là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch, nhằm phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế để xác định bản chất của giao dịch, trên cơ sở đối chiếu với các giao dịch tương đồng, đảm bảo các giao dịch thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính phát sinh. Dự thảo cũng đồng nhất quản lý vấn đề chuyển giá của DN nước ngoài và DN trong nước chứ không phải chỉ có DN nước ngoài mới có hoạt động chuyển giá.
Điều này rất quan trọng, bởi vì suy cho cùng, có hoạt động giao dịch liên kết về bản chất nếu sai thì lúc đó mới thực sự đưa ra những chế tài phù hợp, còn nếu cũng là hình thức như vậy nhưng bản chất không sai thì đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy làm thế nào để phân biệt được những giao dịch đó là có chuyển giá hay không? Tất cả những giao dịch liên kết phải có kiểm soát, thống kê, hậu kiểm. Nếu thông qua những thống kê, báo cáo của họ ta phát hiện ra hành vi chuyển giá trái pháp luật thì phải có chế tài xử lý. Muốn phát hiện ra thì phải có năng lực ở chỗ phải có số liệu so sánh, công cụ so sánh, công nghệ thông tin, kho dữ liệu lớn, trình độ của những cán bộ thực thi phải được đảm bảo. Trong luật thuế này đã đề cập đến những vấn đề đó và tôi cho rằng đó là những vấn đề hết sức cần thiết.
Vậy ông có khuyến nghị gì để các quy định này nếu được Quốc hội thông qua, sẽ đi vào thực tiễn có hiệu quả?
Khuyến nghị quan trọng nhất là vấn đề triển khai, thực thi như thế nào? Theo đó, cần nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức của công chức thực hiện, kiểm soát để thu thuế cũng như các chế tài. Hai là các văn bản dưới luật phải rất minh bạch, tạo thuận lợi cho DN dễ dàng thực hiện. Khi xây dựng những nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành cần bàn thảo kỹ, lấy ý kiến cộng đồng DN và đặc biệt các cơ quan thuế địa phương cũng phải có ý kiến. Đồng thời, làm sao phải giảm bớt các thủ tục hành chính và có những quy định khắt khe về việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với DN để tránh các chi phí không chính thức.
Đối với vấn đề chuyển giá, cán bộ thuế phải hiểu rất rõ về bản chất của chuyển giá và các giao dịch liên kết để có hành động thực tế hơn. Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu về giá cần sớm hoàn thiện và phải cập nhật liên tục, bởi giá cả của các mặt hàng trên thị trường cũng biến đổi thường xuyên, vậy giá nào để xác định hành vi chuyển giá sai pháp luật cần được xác định rõ.
Đối với các DN tham gia hoạt động liên kết cần hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi có quy định rất rõ, nếu có giao dịch liên kết thì phải kê khai rõ các giao dịch và giá cả các giao dịch. DN phải làm rõ được trách nhiệm đó của mình và phải tuân thủ các quy định của pháp luật, có đóng góp ý kiến cho cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi, tạo tính minh bạch, giảm thiểu các tiêu cực về trốn thuế, lách thuế, hay chi phí không chính thức...
Xin cảm ơn ông!