Vấn đề quản lý rủi ro tín dụng khách hàng cá nhân tại BIDV chi nhánh Hà Giang
Tín dụng khách hàng cá nhân là một trong những hoạt động quan trọng của các ngân hàng thương mại, tuy nhiên hoạt động này luôn gắn liền với rủi ro. Để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động ngân hàng thì việc quản lý rủi ro tín dụng khách hàng cá nhân cần được quan tâm sâu sắc. Trong những năm qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Giang đã chú trọng đến quản lý rủi ro tín dụng khách hàng cá nhân, tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục.
Thực trạng quản lý rủi ro tín dụng khách hàng cá nhân tại BIDV Hà Giang
Về chính sách tín dụng
BIDV có những chính sách, quy trình tín dụng thống nhất, áp dụng trong toàn hệ thống, cho từng thời kỳ. BIDV chi nhánh Hà Giang đã, đang áp dụng những chính sách và quy trình tín dụng chung của hệ thống BIDV. Ngoài ra, tại mỗi thời điểm, BIDV có các định hướng tín dụng riêng yêu cầu các chi nhánh thực hiện. Như các chi nhánh khác, BIDV Hà Giang xây dựng những sản phẩm cho vay có độ rủi ro thấp và biện pháp phòng ngừa rủi ro cho mỗi sản phẩm (ví dụ như cho vay mua ô tô thì phải mua bảo hiểm cho xe và thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay với 1 số loại xe nhất định...); Hoàn thiện các sản phẩm cho vay truyền thống theo hướng nâng cao tiện ích cho khách hàng, song hành cùng nâng cao chất lượng tín dụng (trong đó có nội dung giảm thiểu rủi ro).
BIDV Hà Giang nhận thức đúng đắn quan điểm chấp nhận rủi ro có sự tính toán trước, không vì ngại rủi ro mà không cho vay; Luôn cẩn trọng trong mọi quá trình cho vay; Bổ sung, cập nhật định kỳ mô hình đánh giá hạn mức khách hàng nhằm nâng cao tính chính xác và hiệu quả; Thực hiện nghiêm túc việc chấm các tiêu chí xếp hạng nhằm phản ánh đầy đủ toàn bộ hoạt động cũng như rủi ro tiềm ẩn.
Về quy trình cho vay
Quy trình tín dụng cho vay đối với khách hàng cá nhân được áp dụng cho toàn hệ thống BIDV nói chung và chi nhánh Hà Giang nói riêng, quy trình bao gồm những bước cơ bản sau:
Bước 1: Chuyên viên khách hàng cá nhân tiếp xúc với khách hàng, tư vấn cho khách hàng vay về đặc điểm sản phẩm, các loại phí, lãi suất vay và các phương thức trả lãi, quy trình vay, phương thức trả nợ, nhận diện khách hàng và kiểm tra sơ bộ tài sản đảm bảo của kháchhàng.
Bước 2: Hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ vay.
Bước 3: Chuyển hồ sơ vay cho bộ phận thẩm định cá nhân, thường xuyên cập nhật thông tin từ bộ phận phê duyệt; Phối hợp cùng bộ phận thẩm định xuống thẩm định thông tin khách hàng.
Bước 4: Theo dõi quá trình thực hiện thủ tục giải ngân và ký kết hợp đồng tín dụng.
Bước 5: Theo dõi sau vay bằng cách thực hiện quản lý danh mục khách hàng vay; Theo dõi, định kỳ kiểm tra tài sản đảm bảo (TSĐB) hoặc thông tin khách hàng; Phối hợp với bộ phận tác nghiệp cá nhân trong việc nhắc khách hàng trả nợ đúng hẹn, chăm sóc khách hàng để duy trì quan hệ.
BIDV chi nhánh Hà Giang thực hiện quy chế quy định của pháp luật và của BIDV về việc kiểm tra, giám sát vốn vay trước, trong và sau khi cho vay dựa trên chứng từ giải ngân, kiểm tra thực tế... Ngân hàng rất coi trọng việc kiểm tra, giám sát các khoản vay bằng cách tiếp tục thu thập thông tin về khách hàng; thường xuyên giám sát và đánh giá lại khách hàng, có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống rủi ro.
Đối với những hợp đồng tín dụng có thời hạn giải ngân dài, cán bộ tín dụng phải thường xuyên nắm bắt thông tin liên quan đến khách hàng như: Sự phát triển của khách hàng, tình hình tài chính, quan hệ tín dụng… Các nội dung này phải được lập thành báo cáo và thực hiện định kỳ 3 tháng một lần lưu hồ sơ, trong trường hợp có biến động về sản xuất kinh doanh, quan hệ tín dụng, phải có báo cáo kịp thời nhằm cung cấp thông tin cho lãnh đạo ngân hàng trong quá trình giải ngân. Để tránh gây phiền hà cho khách hàng, cán bộ tín dụng và cán bộ thẩm định tài sản bảo đảm phải phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện việc kiểm tra theo định kỳ.
Về phương pháp nhận diện, phân loại rủi ro
Việc nhận diện rủi ro tại BIDV chi nhánh Hà Giang được thực hiện tập trung từ một đầu mối tại Phòng Quản lý rủi ro, do phòng tự thống kê, đánh giá. Thực tế cho thấy, công tác nhận diện và phân loại rủi ro chưa kịp thời. Công tác này chưa thực sự phát huy tác dụng, mới chỉ dừng ở việc nhận dạng rủi ro tín dụng (RRTD) theo ngành nghề kinh doanh, theo lịch sử hoạt động tín dụng của khách hàng thông qua thông tin từ Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) - Ngân hàng Nhà nước và dựa trên các báo cáo tài chính khách hàng cung cấp để đánh giá khả năng tài chính của khách hàng. Do chưa có bộ phận nghiên cứu nhận diện rủi ro chuyên nghiệp nên các thông tin đưa ra trước khi quyết định tín dụng đối với các khách hàng đôi khi thiếu chính xác, chỉ nhận diện ra rủi ro khi khách hàng đã phát sinh nợ quá hạn hoặc hoạt động kinh doanh chuyển hướng xấu.
Về công tác đo lường rủi ro
Việc đo lường RRTD chủ yếu dựa vào kết quả chấm điểm xếp hạng tín dụng được thực hiện theo trình chấm điểm xếp hạng tín dụng khách hàng cá nhân theo Quy trình số 9546/BIDV - QLTD ngày 25/12/2017 của BIDV. Tuy nhiên, quy trình chấm điểm này mới chỉ hạn chế một vài nhóm ngành nghề chính, chấm điểm bằng phương pháp tính toán thủ công nên kết quả chấm phụ thuộc vào chủ quan cán bộ chấm điểm, chưa có thống kê xếp hạng tín dụng của các khách hàng trên hệ thống thông tin chung của BIDV.
Về đánh giá rủi ro tín dụng
Đánh giá RRTD là đánh giá việc thực hiện các quy trình, chính sách tín dụng đang được áp dụng tại các chi nhánh. Việc xác định giới hạn tín dụng, cơ cấu tín dụng, danh mục ngành nghề kinh doanh mà ngân hàng đầu tư cho vay... cần đảm bảo an toàn vốn ngân hàng và hạn chế RRTD xảy ra ở mức thấp nhất.
Đánh giá RRTD còn thực hiện thông qua hệ thống báo cáo thống kê RRTD. Hiện nay, BIDV chi nhánh Hà Giang có chương trình xếp loại khoản vay hàng ngày thông qua các cơ sở dữ liệu tập trung trên hệ thống Vstar (phần mềm hiện đại hóa ngân hàng). Tuy nhiên, báo cáo này chưa có các thông tin đa chiều về rủi ro mà mới dừng lại ở việc thống kê các khoản nợ dưới tiêu chuẩn.
Giải pháp tăng cường quản lý rủi ro tín dụng khách hàng cá nhân tại BIDV Hà Giang
Để tăng cường công tác quản lý RRTD khách hàng cá nhân, BIDV Hà Giang cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện mô hình quản lý RRTD phù hợp với tiến trình phát triển.
Mô hình quản lý RRTD sẽ đưa hoạt động quản lý RRTD nói riêng theo các thông lệ quốc tế. Đây được xem là vấn đề mang tính chất quan trọng hàng đầu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.
Áp dụng mô hình quản lý RRTD sẽ giúp BIDV chi nhánh Hà Giang chủ động xây dựng kế hoạch hành động và sử dụng vốn phù hợp hạn chế các tổn thất. Việc áp dụng mô hình quản lý RRTD giúp cho ngân hàng có sự nhìn nhận chính xác hơn về triển vọng kinh doanh trong tương lai, từ đó có khả năng hoạch định chính sách kinh doanh phù hợp. Quan tâm đến việc áp dụng mô hình quản lý rủi ro có nghĩa là ngân hàng đã đưa rủi ro vào thành một vấn đề cấp thiết trong hoạt động kinh doanh bên cạnh mục tiêu lợi nhuận ngay cả khi rủi ro chưa xảy ra.
Thứ hai, nâng cao việc thực hiện hiệu quả quy trình cấp tín dụng.
Để hoạt động quản lý RRTD có hiệu quả, Ngân hàng cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ các bước của quy trình, thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của từng bộ phận, đặc biệt chú ý trong công tác thẩm định, giám sát khách hàng vay và thu nợ. Giải pháp này được coi là thường trực trong hoạt động tín dụng, không thể vì lý do cạnh tranh, thu hút khách hàng hay vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà coi nhẹ hay bỏ qua bất cứ một khâu nào trong quy trình tín dụng. Quy trình tín dụng cần được cập nhật và lược bỏ những khâu không cần thiết tránh tốn thời gian của cán bộ tín dụng.
Thứ ba, cải cách cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự quản lý RRTD.
Chi nhánh cần thiết lập được cơ cấu quản lý rủi ro phù hợp với quy mô và đặc điểm kinh doanh, song phải đảm bảo hiệu quả của giám sát và quá trình vận hành quản lý tín dụng.
Thứ tư, đào tạo cán bộ làm công tác quản lý rủi ro.
Ngân hàng cần bố trí sắp xếp có hiệu quả đội ngũ cán bộ nghiệp vụ theo nguyên tắc đúng người đúng việc, bố trí công tác phù hợp với khả năng, trình độ và sở trường của mỗi người để tránh được những rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Mỗi cán bộ cũng cần phải được đặt trong môi trường cạnh tranh, tạo thêm ưu đãi hay thưởng phạt và được quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi tạo động lực thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, tính năng động sáng tạo.
Thứ năm, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát RRTD.
Giám sát quản lý rủi ro là một phần không thể thiếu trong việc đảm bảo chất lượng quản lý RRTD. BIDV chi nhánh Hà Giang cần tăng cường vai trò giám sát của bộ phận rủi ro đối với bộ phận kinh doanh, bộ phận trực tiếp khởi tạo khoản vay.
Thứ sáu, đảm bảo sự phối hợp giữa quản lý RRTD và quản lý rủi ro tác nghiệp.
Việc phối hợp giữa bộ phận quản lý RRTD và bộ phận quản lý rủi ro tác nghiệp là vấn đề quan trọng trong quản lý chất lượng tín dụng. RRTD có thể xảy ra ở bất cứ khâu nào trong quá trình cấp tín dụng, quản lý khoản vay của ngân hàng. Vì vậy, nâng cao chất lượng quản lý RRTD cần thiết phải đi đôi với nỗ lực cải thiện chất lượng quản lý rủi ro tác nghiệp.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế phân cấp thẩm quyền phê duyệt tín dụng.
Một nội dung cơ bản khác trong cải thiện chất lượng phê duyệt tín dụng đó là tăng cường thẩm quyền phê duyệt cá nhân. Đối với những khoản vay lớn, phức tạp (khách hàng hộ kinh doanh vay nhiều lĩnh vực, vay mở dự án đầu tư lớn...) quyết định tín dụng có thể phải được đưa ra bởi Hội đồng tín dụng. Theo đó, ý kiến tập thể mới là phê duyệt cuối cùng.
Thứ tám, tăng cường quản lý rủi ro ở cấp độ danh mục, ngành hàng.
Rủi ro phải được đo lường, quản lý không chỉ ở cấp độ khoản vay mà còn phải ở cấp danh mục. Tại BIDV chi nhánh Hà Giang, quản lý rủi ro mới chỉ được quan tâm chú ý ở cấp độ khoản vay, quản lý rủi ro theo danh mục chưa được chú trọng thực hiện. Việc tập trung tín dụng quá lớn vào một số ngành sẽ làm tăng nguy cơ RRTD. Do vậy, Ngân hàng cần đa dạng hoá danh mục cho vay, chẳng hạn trải đều dư nợ ngân hàng vào các ngành khác nhau, khu vực địa lý khác nhau góp phần làm giảm rủi ro.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2009), QĐ 493/2005/QĐ-Ngân hàng Nhà nước, Quyết định của Ngân hàng Nhà nước “Quy định về phân loại nợ và dự phòng rủi ro”;
2. BIDV chi nhánh Hà Giang (2016, 2017, 2018), Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh;
3. Đỗ Văn Độ (2015), “Quản lý RRTD của ngân hàng thươngmại nhà nước thời kỳ hội nhập”, Tạp chí Ngân hàng.