Vận dụng giá trị hợp lý trong kế toán tại các công ty niêm yết trên HOSE
Định giá là một nội dung quan trọng trong kế toán. Định giá trong kế toán tại các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn sử dụng mô hình giá gốc và định giá theo giá trị hợp lý là một mô hình còn khá mới mẻ, tuy nhiên, giá trị hợp lý đã được bàn đến như là hướng đi mới của định giá trong kế toán. Bài viết khảo sát, tìm hiểu và đánh giá thực trạng việc vận dụng giá trị hợp lý tại các các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), từ đó xác định các nhân tố tác động đến việc vận dụng giá trị hợp ký trong kế toán làm cơ sở và đưa ra các định hướng góp phần vận dụng giá trị hợp lý tại các đơn vị.
Trong xu thế hội nhập, quốc tế hóa hiện nay các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần cung cấp được báo cáo tài chính (BCTC) phù hợp với thông lệ quốc tế, mà ở đó thông tin của tài sản và nợ phải trả được yêu cầu trình bày theo nguyên tắc giá trị hợp lý (GTHL) nhiều hơn là giá gốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, GTHL lại được rất ít các DN Việt Nam vận dụng, chính điều này đã cản trở quá trình tham gia vào thị trường vốn toàn cầu của các DN Việt Nam, đánh mất lợi thế cạnh tranh trong mắt các nhà đầu tư quốc tế so với các DN của một số quốc gia khác trong khu vực.
Hiện nay tại Việt Nam, phương pháp giá gốc vẫn là phương pháp cốt lõi được sử dụng để định giá và đo lường các đối tượng kế toán được trình bày trong BCTC và chỉ có một số các quy định nhỏ có đề cập đến khía cạnh giá trị hợp lý. Trong khi đó, GTHL đã được áp dụng ở khá nhiều nước trên thế giới và đã được chuẩn hóa thông qua việc ra đời của chuẩn mực BCTC quốc tế IFRS 13.
Cơ sở lý thuyết
Để có thể hiểu rõ hơn về giá trị hợp ký trong kế toán, cần hiểu thế nào là GTHL và đặc điểm của GTHL.
Khái niệm và đặc điểm về GTHL: Theo chuẩn mực BCTC quốc tế IFRS 13: “GTHL là giá mà có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc phải trả để thanh toán một khoản nợ phải trả trong giao dịch thông thường giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường”. Trong đó, giá có thể nhận được khi bán: IFRS 13 khẳng định, GTHL dựa trên quan điểm giá đầu ra không phải giá đầu vào. Các bên tham gia thị trường: Người mua, người bán trên thị trường chính đối với tài sản hay nợ phải trả.
Các kỹ thuật đo lường GTHL theo IFRS 13: IFRS 13 công bố thông qua ba cấp độ dữ liệu đầu vào, cao nhất là cấp độ 1 đến cấp độ 3. Theo đó, cấp độ càng cao thì ước tính càng đáng tin cậy. Tùy theo cấp độ của dữ liệu đầu vào sẽ áp dụng phương pháp đo lường GTHL phù hợp:
- Kỹ thuật định giá theo thị trường: Sử dụng giá và thông tin liên quan được phát sinh bởi các giao dịch trên thị trường đối với các tài sản hay nợ phải trả đồng nhất hay so sánh được.
- Kỹ thuật định giá theo chi phí: GTHL được ước tính dựa theo chi phí ước tính để có được tài sản tương tự. Kỹ thuật định giá theo thu nhập: GTHL được ước tính dựa vào kỹ thuật định giá để chuyển đổi các giá trị tương lai về hiện tại. Theo phương pháp này, GTHL phản ánh mong đợi hiện tại của thị trường về giá trị trong tương lai.
Nhân tố tác động đến việc vận dụng giá trị hợp lý trong kế toán
Trong quá trình vận dụng GTHL trong kế toán tại các công ty có các nhân tố tác động đến GTHL, bao gồm:
- Về văn hóa, xã hội: Yếu tố này cũng được đề cập trong nhiều nghiên cứu của các tác giả khác như Nguyễn Thu Hoài (2009), Vũ Hữu Đức (2010) trích dẫn các nghiên cứu của Gray (1989), của Harrison, McKinnon (1986), của Geert Hofstede(1980, 1984) đều khẳng định văn hóa là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của kế toán.
- Về môi trường pháp lý và chính trị: Mô hình kinh tế quyết định các chính sách kinh tế áp dụng bao gồm các chính sách về CMKT. Do yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của kinh tế nhà nước là quyết định. Vì vậy, lợi ích và năng lực của khu vực kinh tế nhà nước được chú trọng rất nhiều trong việc xây dựng các chính sách kinh tế của Nhà nước.
- Về môi trường kinh doanh: Theo tác giả Nguyễn Thu Hoài (2009), một trong những ý nghĩa quan trọng của việc vận dụng CMKT mà trong đó chủ yếu là vận dụng kế toán GTHL, giúp cho thị trường vốn của quốc gia dễ dàng liên thông với thị trường vốn của thế giới.
- Về trình độ người làm nghề kế toán: Theo nhiều nghiên cứu trước như của He, TJ.Wong, Young (2012), Zehri & Chouaibi (2013), Bewley, Graham and Peng (2013) thì đây không phải là nhân tố quan trọng nhưng tác giả vẫn đưa nhân tố này vào xem xét trong trường hợp của Việt Nam, vì hệ thống đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam còn lỗi thời và chất lượng chưa cao.
Phương pháp nghiên cứu và mô hình nghiên cứu
Để xác định mô hình nghiên cứu, tác giả tiến hành nghiên cứu sơ bộ bằng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua lấy ý kiến chuyên gia và thảo luận nhóm để đề xuất mô hình nghiên cứu; nghiên cứu chính thức bằng phương pháp nghiên cứu định lượng để kiểm định mô hình nghiên cứu và đo lường các nhân tố trong mô hình.
Dữ liệu và phương pháp thu thập dữ liệu
Để phục vụ nghiên cứu, tác giả tiến hành thu thập gồm cả dữ liệu thứ cấp để tìm hiểu thực trạng về tổ chức đánh giá trách nhiệm quản lý của các đơn vị và dữ liệu sơ cấp nhằm kiểm định mô hình nghiên cứu. Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua phương pháp sưu tầm tài liệu, phương pháp phỏng vấn các nhà quản lý của các đơn vị.
Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua bảng câu hỏi khảo sát thông qua phỏng vấn trực tiếp và sử dụng phần mềm Google Documents. Nghiên cứu này có 21 câu hỏi, vì vậy kích thước mẫu tối thiểu là 21 x 5 = 105. Để đạt được tối thiểu 105 quan sát, tác giả đã gửi 220 bảng câu hỏi đến các DN đang niêm yết tại HOSE. Kết quả nhận được 220 phiếu khảo sát (130 phiếu trên Google Document, còn lại là 90 phiếu được khảo sát trực tiếp), trong đó có 20 phiếu bị loại do không hợp lệ. Do đó, số lượng quan sát còn lại để đưa vào phân tích là 200 phiếu là phù hợp.
Phương pháp xử lý dữ liệu
Căn cứ số liệu khảo sát, tác giả thực hiện việc xử lý dữ liệu bằng phương pháp thống kê mô tả để xác định trọng số và tần suất của các biến trong mô hình nghiên cứu. Mặt khác, dữ liệu thu thập qua bước phương pháp định lượng sẽ được xử lý trên phần mềm SPSS Statistics 20.0.
Mô hình nghiên cứu và mã hóa thang đo
Từ các công trình nghiên cứu trước; cơ sở lý thuyết cũng như kết hợp với kết quả phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm, bài viết đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 5 nhân tố: Môi trường pháp lý; Môi trường kinh doanh; Môi trường văn hóa; Trình độ nhân viên kế toán; Vai trò của các tổ chức, hội nghề nghiệp kế toán tác động đến việc vận dụng GTHL trong các đơn vị.
Kết quả nghiên cứu
Đánh giá độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha: Qua kết quả kiểm định chất lượng thang đo ở Bảng 1 ta thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của tổng thể đều lớn hơn 0.6. Như vậy, hệ thống thang đo được xây dựng gồm 6 thang đo đảm bảo chất lượng tốt với 21 biến quan sát đặc trưng.
Phân tích nhân tố khám phá EFA: Kết quả hệ số KMO và kiểm định Barlett các thành phần: Khi phân tích nhân tố, nghiên cứu đặt ra 2 giả thuyết bao gồm: Giả thuyết Ho: Các biến trong tổng thể không có tương quan với nhau; Giả thuyết H1: Các biến trong tổng thể có tương quan với nhau.
Kết quả kiểm định Barlett cho thấy, giữa các biến trong tổng thể có mối tương quan với nhau (sig = 0.00 nhỏ hơn 0.05, bác bỏ H0, chấp nhận H1). Đồng thời, hệ số KMO = 0.717 lớn hơn 0.5, chứng tỏ phân tích nhân tố để nhóm các biến lại với nhau là thích hợp và dữ liệu phù hợp cho việc phân tích nhân tố.
Kết quả phân tích phương sai như sau: Số liệu cho thấy, các nhân tố đều có giá trị Eigenvalues lớn hơn 1.Phương sai trích là 66.380% lớn hơn 50% là đạt yêu cầu. Với phương pháp rút trích Principal components và phép quay Varimax theo cách ấn định số nhân tố cần trích, có 5 nhân tố được rút trích ra từ biến quan sát. Điều này cho chúng ta thấy 66.380% sự thay đổi của 05 nhân tố rút trích ra được giải thích bởi các biến quan sát.
Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA các biến độc lập như sau: Kết quả nghiên cứu cho thấy, thang đo được chấp nhận và được phân thành 5 nhóm. Các biến của các thành phần thang đo đều có trọng số lớn hơn 0.50 và hiệu số của cùng hàng đều lớn hơn 0.3 (không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến).
Sau khi thực hiện phương pháp rút trích Principal components và phép quay Varimax theo cách ấn định số nhân tố cần trích, kết quả các nhóm như sau: Môi trường pháp lý: có 4 biến quan sát là PL1, PL2, PL3, PL4; Môi trường kinh doanh: có 4 biến quan sát KD1, KD2, KD3, KD4; Môi trường văn hóa, xã hội: có 3 biến quan sát VH1, VH2, VH3; Trình độ nhân viên kế toán: có 3 biến quan sát NV1, NV2, NV3; Vai trò của các tổ chức, hội nghề nghiệp kế toán: có 4 biến quan sát HNN1, HNN2, HNN3, HNN4.
Phân tích hồi quy tuyến tính bội: Căn cứ vào mô hình đã được hiệu chỉnh sau khi phân tích nhân tố khám phá, ta có mô hình hồi quy tuyến tính bội như sau:
Y = β0 + β1 * PL + β2 * KD + β3 * VH + β4 * NV + β5 * HNN + ε
Trong đó: Biến phụ thuộc: Vận dụng GTHL tại các công ty niêm yết (Y); Biến độc lập: Môi trường pháp lý (PL), Môi trường kinh doanh (KD), Môi trường văn hóa (VH), Trình độ nhân viên (NV), Vai trò của các tổ chức, hội nghề nghiệp kế toán (HNN).
Dựa vào bảng trên ta thấy: Cả 5 biến đều có ý nghĩa thống kê; Chỉ tiêu nhân tử phóng đại phương sai (VIF) của tất cả các biến độc lập đều nhỏ hơn 10 nên hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình được đánh giá không nghiêm trọng.
Phương trình hồi quy:
Y = 0.325 * HNN + 0.311 * VH + 0.254 * NV + 0.225 * PL + 0.198 * KD
Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, mức độ tác động của các biến theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: Vai trò của các tổ chức, hội nghề nghiệp kế toán (HNN); Trình độ nhân viên (NV); Môi trường văn hóa, xã hội (VH); Môi trường pháp lý (PL); Môi trường kinh doanh (KD).
Đánh giá mức độ giải thích bởi các biến độc lập trong mô hình: Hệ số R2 (R Square) = 0.597, điều này có nghĩa là 59,7% sự biến động của biến phụ thuộc sẽ được giải thích bởi các yếu tố là các biến độc lập đã được chọn đưa vào mô hình.
Kiểm định độ phù hợp của mô hình: Kết quả kiểm định ANOVA với mức ý nghĩa sig = 0.000 cho thấy, mô hình hồi quy tuyến tính bội đã xây dựng phù hợp với tập dữ liệu và sử dụng được.
Kết luận và gợi ý chính sách: Kết quả nghiên cứu cho thấy, có ba nhóm nhân tố tác động mạnh đến việc vận dụng GTHL trong kế toán của các DN: Vai trò các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp; Trình độ nhân viên; Môi trường văn hóa, xã hội; Môi trường pháp lý và Môi trường kinh doanh.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu ở trên, tác giả đưa ra một số gợi ý nhằm có thể vận dụng giá trị hợp lý vào kế toán tại các công ty như sau:
Thứ nhất, đối với nhân tố vai trò của các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp: Tăng cường vai trò quản lý, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho người làm nghề kế toán, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức về các mô hình định giá trong kế toán; giao quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề cho hội nghề nghiệp. Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, tác giả đề xuất việc tổ chức đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề cần được giao lại cho các tổ chức hội nghề nghiệp.
Thứ hai, đối với nhân tố trình độ nhân viên: Các trường đại học, tổ chức đào tạo kế toán cần đi đầu trong việc bắt kịp xu hướng phát triển của GTHL để nghiên cứu đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên.
Thứ ba, đối với nhân tố môi trường văn hóa, xã hội: Chính phủ sử dụng các công cụ pháp lý phù hợp để điều chỉnh, ban hành các văn bản pháp lý quy định, hướng dẫn việc trình bày, công bố thông tin theo GTHL để tạo lập thói quen cho DN. Các tổ chức quản lý và hiệp hội nghề nghiệp cần tăng cường tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho nhà đầu tư chứng khoán hiểu biết về việc sử dụng các thông tin đo lường theo GTHL để phục vụ ra quyết định.
Thứ tư, đối với nhân tố môi trường pháp lý: Bộ Tài chính cần tạo hành lang pháp lý phù hợp cho sự phát triển của GTHL ở Việt Nam, trước tiên GTHL cần được thừa nhận trong Luật và Chuẩn mực chung như một cách định giá riêng. Xây dựng và ban hành chuẩn mực kế toán về “Đo lường GTHL” nhằm thống nhất các khái niệm về GTHL, phương pháp đo lường GTHL tương tự như chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 13.
Thứ năm, đối với nhân tố môi trường kinh doanh: Đẩy nhanh hoạt động cổ phần hóa DN nhà nước, góp phần tạo “sân chơi” bình đẳng cho các DN, đồng thời, phát triển TTCK, thị trường vốn thu hút đầu tư nước ngoài, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và nâng cao môi trường kinh doanh.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thế Lộc, 2010. Tính thích hợp và đáng tin cậy của “GTHL” trong hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế. Tạp chí Phát triển & Hội nhập, số 3;
2.Bộ Tài chính, 2008. 26 CMKT Việt Nam (2001-2006). Hà Nội. NXB Thống kê;
3. Bewley, Graham, Peng, 2013. Toward Understanding How Accounting Principles Become Generally Accepted: The Case of Fair Value Accounting Movement in China. In: Financial reporting and auditing as social and organizational practice Workshop 2. London, December 16-17, 2013;
4. David Carins, 2006. The use of fair value in IFRS;
5. He, TJ Wong, Danqing Young, 2012. Challenges for Implementation of Fair Value Accounting in Emerging Markets: Evidence from IFRS Adoption in China. Contemporary Accounting Research, 29;
6. IASB, IFRS 13 “Fair Value Measurements”, May 2011.