Thị trường chứng khoán tháng 7/2017: Đạt mức điểm cao nhất trong vòng 9 năm
Đóng cửa thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 7, chỉ số VN-Index và HNX-Index đã có mức tăng lần lượt 16% và 24% so với cuối năm 2016 và được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những thị trường tăng điểm tốt nhất châu Á.
Thị trường chứng khoán biến động theo sự phân hóa của các mã cổ phiếu lớn
Xu hướng giằng co xuất hiện ngay trong những phiên giao dịch đầu tháng do sự phân hóa mạnh mẽ của các nhóm cổ phiếu. Tại phiên giao dịch ngày 3/7, mặc dù trên TTCK, đa phần các cổ phiếu thuộc nhóm có thị giá vừa và nhỏ sụt giảm mạnh, nhưng giao dịch sôi động của nhóm cổ phiếu chủ chốt, trong đó có sự góp mặt của các mã cổ phiếu ngân hàng như CTG, VCB, BID… đã giúp VN-Index tăng nhẹ ở mức 0,31% so với phiên giao dịch 2/7.
Nhưng ngay sau phiên giao dịch ngày 4/7, chính nhóm cổ phiếu ngân hàng lại quay đầu sụt giảm trước áp lực bán ra để chốt lãi của nhà đầu tư, kéo chỉ số VN-Index sụt mất 0,43%. Sau hai phiên chững nhịp trước đó, phiên giao dịch ngày 5/7 và 6/7, tuy hiện tượng phân hóa giữa các cổ phiếu blue-chips vẫn còn mạnh, nhưng nhờ vào dòng tiền khá lớn đổ mạnh vào những mã cổ phiếu chủ chốt, chỉ số VN-Index đã vượt lên trên mức 778,32 điểm trong phiên 5/6 và đặc biệt tại phiên 6/7, VN-Index đã thiết lập đỉnh mới ở mức 782,65 điểm.
Tuy nhiên, nhiều nhóm cổ phiếu chủ chốt và Bluechip như VNM, VCB, CTG, MBB, BID… đã tăng giá khá mạnh trong nhiều tuần liên tiếp tính từ tháng 6 sang tháng 7, nên đã trở thành tâm điểm chốt lời của giới đầu tư khi VN-Index thiết lập đỉnh mới. Chính vì vậy, trong hai phiên giao dịch ngày 7/7 và 10/7, VN-Index đã sụt giảm tổng cộng 16,09 điểm so với phiên giao dịch ngày 6/7.
Sự giảm điểm mạnh liên tiếp trong 2 phiên giao dịch trên đã kích hoạt lực cầu bắt đáy ở nhiều mã cổ phiếu có thị giá nhỏ và sự phân hóa lên xuống của các mã cổ phiếu chủ chốt, đồng thời thông tin tích cực từ nền kinh tế vĩ mô đã giúp thị trường lấy lại sự cân bằng trong các phiên giao dịch 11, 12, 13/7.
Theo đó, chỉ số VN-Index liên tiếp có mức tăng nhẹ chạm mức 780 điểm. Theo giới quan sát, sự hồi phục của thị trường trong 3 phiên này vẫn chủ yếu do nhóm cổ phiếu chủ chốt dẫn dắt như GAS, PLX, VNM, VIC… nên đà tăng này không thể bền vững bởi mỗi nhịp hồi của các mã này xuất hiện đều trở thành một cơ hội để bên bán tranh thủ “thoát hàng” trước tâm lý “ăn chắc, mặc bền” của nhà đầu tư.
Do đó, dù dòng tiền bắt đáy vẫn hiện diện sôi động nhưng không đủ để giúp thị trường hồi phục trước sự áp đảo hoàn toàn của bên bán. Chính vì vậy, chỉ số VN-Index đã có một chuỗi 6 phiên giảm điểm, tính từ phiên giao dịch ngày 14/7 - 24/7, đưa VN-Index thêm một lần nữa dò đáy tháng 7 tại phiên 24/7 khi đóng cửa thị trường ở mức 759,74 điểm.
Sau khi chạm đáy tháng 7, sang phiên giao dịch ngày 25/7, cường độ bán trên TTCK đã suy giảm đáng kể và giúp giao dịch thị trường dần lấy lại sự cân bằng. Theo đó, sắc xanh cũng lan tỏa trở lại nhờ sự gia tăng của lực cầu bắt đáy. Đóng cửa phiên giao dịch 31/7, VN-Index đạt 783,55 điểm và đây cũng là đỉnh cao nhất của tháng 7 và cũng là mức điểm cao nhất trong 9 năm qua.
Những yếu tố chính giúp thị trường chứng khoán tăng
Trong suốt tháng 7, đã có những lúc VN-Index điều chỉnh mạnh, ngưỡng 760 điểm đã từng bị xuyên thủng và nhiều người chờ đợi những đợt điều chỉnh sâu, nhưng rốt cuộc điều đó đã không những không xảy ra mà ngược lại, xu hướng tăng mạnh của TTCK lại được duy trì cho đến hết tháng 7.
Tại phiên giao dịch ngày 31/7, VN-Index một lần nữa lại vượt qua mốc lịch sử 780 điểm và ghi nhận mức tăng cao hơn đỉnh lập được tại phiên 6/7 là 0,9 điểm, đóng cửa thị trường ở mức 783,55 điểm. Đà tăng của thị trường lại tiếp tục kéo dài các phiên giao dịch đầu tháng 8 khi chỉ số VN-Index đã chính thức vượt lên mốc 790 điểm tại phiên giao dịch 7/8.
Cho dù tháng 7 đã có nhiều phiên TTCK “đỏ sàn” nhưng đây lại là một tháng giao dịch đầy sôi động và cũng được xem là trụ đỡ cho các tháng tiếp theo.
Theo các chuyên gia phân tích, một trong những yếu tố chính giúp TTCK tháng 7 tiếp tục diễn biến khả quan, đó là nền kinh tế Việt Nam đang được thúc đẩy tăng trưởng theo hướng bền vững, qua đó đã thu hút được các dòng vốn lớn đổ vào cổ phiếu thuộc nhiều nhóm ngành giúp những mã này phân hóa và tích lũy.
Bên cạnh đó, dòng vốn ĐTNN cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho TTCK tháng 7 tăng trưởng. Trong tháng 7, nhà ĐTNN luôn là nhân tố góp phần đưa chỉ số VN-Index xác lập kỷ lục mới khi họ tích cực gom mua những mã cổ phiếu tốt, giúp thanh khoản TTCK tăng mạnh. Ngược lại, những phiên TTCK giảm sâu, nhà ĐTNN đã đẩy mạnh mua ròng, từ đó ngăn bớt đà đi xuống của thị trường.
Ngoài ra, theo các chuyên gia phân tích, yếu tố tác động hàng đầu tới TTCK tháng 7 chính là việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng. Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam xuống 0,5%/năm của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay, để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế; cùng với đó, giảm lãi suất điều hành 0,25% vào ngày 7/7, dù TTCK bị điều chỉnh nhưng thanh khoản trên TTCK lại tăng vượt trội. Theo thống kê trên 2 sàn HOSE và HNX, phiên giao dịch 7/7, GTGD đã tăng trên 5.400 tỷ đồng và phiên 10/7 là 5.200 tỷ đồng.
Các phiên giao dịch sau đó, GTGD vẫn duy trì ổn định. Theo các chuyên gia phân tích, việc lãi suất giảm thêm sẽ hỗ trợ tích cực cho sự khởi sắc của TTCK từ nay đến cuối năm, không chỉ bởi triển vọng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện nhờ chi phí vốn vay giảm, mà còn kích thích các dòng vốn chảy mạnh hơn vào TTCK.
Kết quả giao dịch thị trường
Thị trường tháng 7 đã trải qua 21 phiên giao dịch đầy kịch tính. Trên sàn HOSE, thị trường có 10 phiên tăng và 11 phiên giảm. Chỉ số VN Idex tăng 0,91% so với tháng 6. GTGD bình quân tháng 7 xấp xỉ bằng tháng 6 khi đạt trên 3.800 tỷ đồng/phiên.
Còn trên sàn HNX, thị trường có 11 phiên tăng điểm và 10 phiên giảm. HNX-Index điểm đạt mức 101,18 điểm tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/7/2017, tăng 2,01% so với thời điểm cuối tháng 6. GTGD bình quân/phiên đạt 676,45 tỷ đồng/phiên, tăng 2,7% so với tháng trước.
Trong tháng 7/2017, hoạt động giao dịch của nhà ĐTNN khá sôi động. Tại HOSE, nhà ĐTNN mua ròng trong 18 phiên giao dịch và chỉ bán ròng có 3 phiên. Tính chung trong 21 phiên giao dịch, tổng khối lượng mua ròng của nhà ĐTNN đạt trên 37 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt trên 2.544 tỷ đồng. Trong đó, trên HOSE, nhà ĐTNN mua ròng khá mạnh, đạt hơn 2.807,7 tỷ đồng, tăng 33% so với giá trị mua ròng của tháng trước.
Tháng này, lực mua ròng của nhà ĐTNN tập trung mạnh vào các mã cổ phiếu có quy mô vốn lớn như VNM, HPG, VCB, KCD, BID… Ngược lại, trên HNX, tháng 7 là tháng thứ hai nhà ĐTNN đã bán ròng mạnh liên tiếp, với giá trị bán ròng trên 263,6 tỷ đồng (gấp 3,6 lần so với tháng trước) tương ứng khối lượng bán ròng đạt 25,9 triệu cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 8 cần có thời gian tích lũy?
Phiên giao dịch ngày 7/8 đã ghi dấu ấn khá quan trọng cho TTCK khi chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 790 điểm sau chuỗi 7 phiên giao dịch bền bỉ leo dốc. Tuy nhiên ngay sau đó, phiên giao dịch ngày 8/8, TTCK bắt đầu sụt giảm và tại phiên giao dịch ngày 9/8, thị trường bị điều chỉnh sâu với số điểm bị mất của chỉ số VN-Index lên đến 17,91 điểm, còn HNX-Index cũng bị mất 1,19 điểm, do tin đồn chưa được kiểm chứng lan tỏa khắp thị trường.
Nhìn nhận về xu hướng của thị trường, một số ý kiến cho rằng trong thời gian tới, sẽ có một số yếu tố tác động theo chiều hướng bất lợi cho TTCK như sau:
Thứ nhất, hầu hết giá các cổ phiếu cơ bản đều đã tăng mạnh trong quý II vừa qua, đẩy hệ số P/E lên mức khá cao. Điều này khiến cho lực đẩy của TTCK sẽ bị chững lại và thậm chí có thể sẽ bị sụt giảm khi TTCK rơi vào vùng trũng thông tin; Thứ hai, chiến lược “tin ra là bán”. Thực tế, nhiều cổ phiếu hiện nay bị bán mạnh sau khi thông tin được công bố; Thứ ba, chu kỳ điều chỉnh hàng năm.
Những năm gần đây, TTCK thường có xu hướng điều chỉnh bắt đầu trong khoảng tháng 8 đến tháng 9. Nhịp điều chỉnh này thường sẽ kéo dài đến cuối năm hoặc sang đầu năm sau.
Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích vẫn có những góc nhìn tích cực về xu hướng của TTCK tháng 8 và những tháng cuối năm. Một trong những thông tin tốt đối với nhà đầu tư quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng đó là việc NHNN chấp thuận nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20%.
Tính đến hết quý II/2017, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng vượt bậc và hầu hết đều sắp chạm trần cho phép. Theo các chuyên gia phân tích, việc NHNN đồng loạt hạ lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu là nhằm hỗ trợ mạnh hơn cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Chính phủ giao. Chính vì thế, lợi nhuận của ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện hoặc ít nhất cũng sẽ duy trì được như giai đoạn vừa qua.
Với những diễn biến trên, cổ phiếu ngân hàng còn cơ hội khi các doanh nghiệp trong ngành này có khả năng mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn dự kiến. Yêu cầu của Chính phủ về việc đẩy mạnh việc niêm yết đối với các ngân hàng cổ phần cũng được dự báo sẽ mang đến cơ hội đầu tư mới cho thị trường.
Mặt khác, trong bối cảnh Chính phủ đang có những chính sách theo đuổi tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK sẽ có thể cải thiện kết quả kinh doanh, đặc biệt là các đơn vị trong lĩnh vực tiêu dùng, ngân hàng và bất động sản. Bên cạnh đó, dòng vốn ĐTNN cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho TTCK.
Tính từ đầu năm tới nay, nhà ĐTNN đã mua ròng tổng cộng hơn 9.000 tỷ đồng trên TTCK, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng đổ vào các doanh nghiệp tốt có triển vọng cao và điều này cũng nói lên rằng nếu có “hàng hóa” tốt thì nhà ĐTNN sẵn sàng đổ tiền vào. Theo các chuyên gia phân tích, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn, thu hút dòng vốn ĐTNN.
Việc có dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) đổ mạnh vào Việt Nam không chỉ giúp nâng đỡ giá cổ phiếu mà còn giúp mang lại nguồn ngoại tệ lớn, ổn định tỷ giá, duy trì lãi suất thấp. Trong tương lai, khi có nhiều doanh nghiệp tốt niêm yết trên TTCK sẽ giúp thị trường tiếp tục thu hút mạnh dòng vốn ĐTNN đổ vào và đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.