Vẫn “nóng” tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế
Theo Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) - Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Văn Phúc thông tin tại hội nghị trực tuyến toàn quốc việc thực hiện chính sách BHYT, BHXH diễn ra 31/10 vừa qua cho biết, vẫn còn biểu hiện trục lợi BHYT; các hành vi vi phạm này diễn ra cả ở phía người dân và cơ sở y tế, nhân viên y tế cũng trục lợi bằng cách lấy lại dữ liệu thẻ của người đã chuyển đi chỗ khác để lập khống hồ sơ, rút ruột hàng chục triệu đồng.
Lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế chưa giảm
Ông Phúc dẫn chứng, chỉ riêng tại tỉnh Vĩnh Long, một bác sĩ đã lập khống 272 lượt khám chữa bệnh để đề nghị thanh toán trên 49 triệu đồng. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2017, tại 46 tỉnh, thành phố đã có gần 2.770 người đi khám từ 50 lần trở lên. Bên cạnh đó, việc một số doanh nghiệp đặt máy xã hội hóa tại các bệnh viện, nhưng đi kèm là hợp đồng mỗi ngày phải xét nghiệm bao nhiều lần, có những hợp đồng yêu cầu bệnh viện phải xét nghiệm máu tới 200 lần/ngày.
Theo Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc - BHXH Việt Nam Dương Tuấn Đức, những dấu hiệu thể hiện sự bất thường trong khám chữa bệnh là chia nhỏ ngày điều trị để tránh vượt trần, tính ngày giường bệnh nhân ra viện; lạm dụng chỉ định xét nghiệm; mua sắm sử dụng thuốc vật tư y tế chưa hợp lý.
Đơn cử đợt kiểm tra chuyên đề vừa qua của BHXH tại 5 bệnh viện lớn của Hà Nội gồm Bệnh viện Việt Đức, Xanh Pôn, Đại học Y Hà Nội, Phụ sản Trung ương và Phụ sản Hà Nội cho thấy, các bệnh viện này đã thực hiện tách các dịch vụ y tế để thanh toán BHYT khoảng 5,33 tỷ đồng và thu thêm của người bệnh hơn 4 tỷ đồng.
BHXH Việt Nam cũng nhận thấy những vô lý khi các bệnh viện này tách dịch vụ như bệnh nhân cắt đến hai túi mật, hai đại tràng, chỉ định quá mức cần thiết cận lâm sàng… Thậm chí, có bệnh viện những bệnh lý như viêm bờ mi, đục thủy tinh thể người già đều được chỉ định nội soi tai mũi họng...
Trong khi phía cơ quan BHXH luôn đưa ra những con số cảnh báo về tình trạng lạm dụng quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT đang diễn ra ngày càng phức tạp, thì phía Bộ Y tế chưa đồng tình. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế Đặng Hồng Nam thì nhiều số liệu công bố của BHXH Việt Nam có vấn đề. Những dẫn chứng các trường hợp bị xuất toán BHYT được ông Nam chỉ ra khi nói về vướng mắc thanh toán KCB BHYT đang làm khó khăn cho công tác KCB BHYT.
Cụ thể, một bệnh nhân chụp CT không phát hiện tổn thương, nhưng sau đó được phát hiện nhồi máu não nhờ chụp MRI bị BHXH từ chối thanh toán chụp CT, chỉ thanh toán chụp MRI. Vụ việc huyện Quảng Yên - Quảng Ninh bị từ chối thanh toán 390 triệu đồng, năm 2016 chỉ vì Trung tâm y tế Quảng Yên không đủ điều kiện thực hiện dịch vụ kỹ thuật mà giới thiệu lên Bệnh viện Thụy Điển Uông Bí.
Đại diện Vụ BHYT cũng đề nghị BHXH Việt Nam cần công bố quy tắc giám định để Bộ Y tế giám sát, ngăn chặn giảm thiểu thiếu sót và phát sinh khi thực hiện thanh toán khám, chữa bệnh BHYT; giám định viên phải có chứng chỉ giám định.