Vẫn vướng trong xử lý tín dụng đen
Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để hạn chế tình trạng tín dụng đen, tuy nhiên, công tác xử lý các vi phạm trong cho vay nặng lãi thu lời bất chính vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là khi các quy định pháp lý chưa thực sự rõ ràng và đầy đủ.
Thủ đoạn tinh vi, pháp lý bất cập
Theo thống kê của Bộ Công an, từ ngày 1/1/2018 đến 30/11/2019, cơ quan cảnh sát điều tra các địa phương đã thụ lý, điều tra 353 vụ, 768 bị can liên quan đến tín dụng đen.
Cục Cảnh sát Hình sự thuộc Bộ Công an cho biết, việc đối phó với tội phạm tín dụng đen còn gặp một số khó khăn. Trước hết là khó khăn trong phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ bởi các đối tượng có nhiều thủ đoạn như cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng, cho vay dưới dạng chơi họ, hụi trong thời gian ngắn. Mặt khác, chưa có quy định xử phạt hành chính thay thế các quy định đang bất cập và khó áp dụng biện pháp tạm giam đối tượng do tội danh quy định là tội ít nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất thỏa thuận giữa các bên cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Điều 201 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định lãi suất trên 100%, thu lời bất chính trên 30 triệu đồng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay lãi suất tín dụng đen có khi lên đến 300 - 700%/năm nhưng không dễ xử lý.
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, còn nhiều vướng mắc khi áp dụng quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015. Đó là, chưa quy định và hướng dẫn rõ số tiền thu lời bất chính tính theo số tiền lãi thu được có khấu trừ số tiền lãi cao nhất trong giao dịch dân sự (20%) hay không, cách xử lý số tiền thu lời bất chính và số tiền gốc vay, có được cộng số tiền phí các đối tượng thu của người đi vay với tiền lãi để tính tiền thu lời bất chính hay không, cách tính lãi quá hạn...
Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật
Từ những vướng mắc nêu trên, Đại tá Phạm Văn Tám cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo giải quyết triệt để tín dụng đen. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu ban hành, mở rộng loại hình/sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân; Bộ Công an cần chủ động, quyết liệt trong đấu tranh, phòng ngừa, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong xử lý tội phạm “tín dụng đen”.
Từ góc độ khác, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất, cần xây dựng một chương trình quốc gia, và Chính phủ chỉ đạo một cách quyết liệt các bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm tham gia tích cực, tạo cơ chế phối hợp đồng bộ từ việc giám sát đến việc thực hành chống tín dụng đen trên tất cả các lĩnh vực và tất cả các địa phương.
Chính phủ cần ban hành các quy định làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý và kiểm soát đối với các hoạt động tài chính ứng dụng công nghệ mới. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của họ, hụi, biêu, phường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các quy định pháp lý đối với hình thức cho vay ngang hàng, đặc biệt là trên thực tế cho thấy đa số hình thức cho vay ngang hàng thực chất là hoạt động của tín dụng đen với lãi suất rất cao và áp dụng hình thức đòi nợ theo kiểu xã hội đen.
“Quản lý chặt chẽ không có nghĩa là cấm hay cản trở sự phát triển của các sản phẩm công nghệ tài chính hiện đại, nhưng với những gì đã xảy ra ở các nước mà điển hình là ở Trung Quốc thì các hoạt động này cần phải được quản lý và giám sát trong một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch với những quy định cụ thể và chế tài xử lý nghiêm minh đủ sức răn đe”, ông Đức nói.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, Chính phủ và NHNN sớm ban hành các quy định khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển các sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người nghèo. Mặc dù vậy, việc phát triển hoạt động cho vay để góp phần đầy lùi tín dụng đen là một thách thức không nhỏ đối với các TCTD vì các khoản vay loại này vẫn có mức độ rủi ro và chi phí lớn.