"Vay nợ để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là cần thiết"
(Tài chính) Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên - Người phát ngôn của Chính phủ khi giải đáp về những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm, đặc biệt trong việc điều hành kinh tế của Chính phủ trong thời gian qua.
Có ý kiến cho rằng việc tăng đầu tư công gắn với quản lý sử dụng kém hiệu quả là nguyên nhân làm cho nợ Chính phủ tăng. Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, tái cơ cấu đầu tư công cần đặt trong Đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế và phải gắn với tái cơ cấu hệ thống tài chính. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trước thực trạng này?

Nguyễn Văn Nên
Thời gian qua, đầu tư công đã góp phần quan trọng trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm an toàn nợ công. Hệ thống pháp luật về đầu tư công ngày càng được hoàn thiện theo hướng tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công và kiểm soát chặt chẽ nợ xây dựng cơ bản.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Tích cực triển khai thực hiện Luật Đầu tư công gắn với kế hoạch đầu tư trung hạn; tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương; tăng cường theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra chương trình, dự án đầu tư công, nâng cao vai trò của giám sát cộng đồng, khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời cơ cấu lại các khoản nợ vay; tăng cường huy động các nguồn vốn với lãi suất thấp hơn và thời hạn dài hơn để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm, kể cả vào tháng Tết Nguyên đán. Có ý kiến cho rằng đó là dấu hiệu của giảm phát. Xin cho biết quan điểm về vấn đề này?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua giảm chủ yếu do tác động của việc giảm giá dầu thế giới, nhất là đối với chỉ số giá nhóm giao thông. Nguồn cung hàng hóa dồi dào. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Chương trình kích cầu, khuyến mãi cuối năm đối với hàng tiêu dùng, điện máy, điện tử được thực hiện rộng rãi tại nhiều địa phương. Lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm...
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước tăng 11,4% , nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 10,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6,2%). Các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng 12% (cùng kỳ tăng 5,4%).
Được biết, trong 3 phương án điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các bộ, ngành đều nhất trí với phương án cao nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo phải rà soát lại. Xin cho biết kết quả đến nay như thế nào?
Theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) với mức từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định; do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2015.
Có ý kiến cho rằng, đang có bất cập trong cách thức quản lý giá xăng và giá cước vận tải; cơ quan điều hành phải là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chứ không phải Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Xin cho biết quan điểm về vấn đề này?
Theo quy định của Luật Giá, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định.
Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, các luật chuyên ngành được soạn thảo theo hướng giao các Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm chủ trì quản lý giá sản phẩm, dịch vụ có tính chuyên sâu của ngành mình. Theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá nói chung; các Bộ, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định (như Bộ Y tế quản lý giá thuốc, Bộ Giao thông vận tải quản lý giá cước vận tải, Bộ Công Thương quản lý giá điện, xăng dầu…).
Với mặt hàng xăng dầu hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thông qua cơ chế hoạt động của Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu. Như vậy, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá xăng dầu trong nước; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá xăng dầu.
Tập đoàn xăng dầu Việt Nam vừa thông báo lỗ hơn 1.300 tỷ đồng trong quý IV/2014 và cả năm 2014 lỗ hơn 350 tỷ đồng. Nguyên nhân là do áp dụng Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định công thức tính giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu, trong khi doanh nghiệp luôn phải bảo đảm tồn kho dự trữ tối thiểu là 30 ngày. Xin hỏi vấn đề này có ảnh hưởng gì đến việc điều hành xăng dầu trong thời gian tới?
Giá xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP với nguyên tắc cơ bản là: Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ở nước ta, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá thế giới.
Việc xây dựng giá cơ sở quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP làm căn cứ để điều hành giá bán xăng dầu trong nước trong từng thời kỳ. Mức giá cơ sở được tính bình quân 15 ngày có thể trùng, cao hơn hoặc thấp hơn giá vốn thực tế tại từng thời điểm của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh chu kỳ tính giá, tần suất điều chỉnh giá (15 ngày) đã được xin ý kiến rộng rãi và được các đơn vị thống nhất, bảo đảm sát với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Trong quý IV/2014, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, Liên Bộ tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng hài hòa các công cụ thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) và điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước, trong đó có cân nhắc đối tượng sử dụng từng chủng loại xăng, dầu. Để góp phần hạn chế việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới và bảo đảm thu ngân sách nhà nước, Liên Bộ đã điều hành kết hợp giảm giá bán xăng dầu trong nước, trích Quỹ BOG và tăng thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng dầu phù hợp.
Khi giá xăng dầu thế giới tăng vào cuối tháng 1/2015, Liên Bộ đã tính toán cho phép thương nhân đầu mối tăng mức sử dụng Quỹ BOG để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu theo quy định.
Kết quả kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối được đánh giá trên cơ sở xem xét tác động tổng thể của các yếu tố, nhất là biến động giá xăng dầu thế giới và phương án, chiến lược tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ Quý IV/2014 đến nay, do giá dầu thô thế giới giảm mạnh (xuống mốc thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây), việc sử dụng cách tính giá cơ sở theo Nghị định 83 dẫn đến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số thương nhân đầu mối khó chủ động trong phương án kinh doanh, nhập hàng... Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cần phải tính toán, đánh giá không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung, dài hạn và gắn với diễn biến tăng, giảm của giá xăng dầu thế giới.
Thời gian tới, Liên Bộ tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước, chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về thuế, Quỹ BOG, giá bán lẻ để bình ổn giá xăng dầu; trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.