VEPR dự báo GDP quý IV đạt 7,12%
Chiều 11/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2017 và đưa ra dự báo trong quý IV.
Theo đó, trong quý III/2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao với mức tăng trưởng 7,46%, cao nhất trong vòng 7 năm qua, cao hơn nhiều so với quý trước (6,17%) cũng như cùng kỳ các năm trước (2015: 6,87%, 2016: 6,56%).
Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng đạt 6,41%. Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ đều có sự cải thiện so với cùng kỳ các năm trước. Ngoại trừ khai khoáng, các ngành công nghiệp – xây dựng đều tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 12,77%.
Các chỉ báo sản xuất công nghiệp khác đều diễn biến tích cực trong quý. Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI cũng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế trong quý III, đạt 6,56%, tuy thấp nhưng ổn định hơn so với mức tăng trưởng GDP do Tổng cục Thống kê công bố.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng mạnh (16,8%). Quá trình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm nhưng tình hình khá hơn đối với dòng vốn FDI. Trong khi lãi suất huy động duy trì ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm trong quý.
Tín dụng tăng trưởng 11,02% tính từ đầu năm, đã vượt mức tăng trưởng tiền gửi, nhưng vẫn cách xa mục tiêu 21% đề ra. Thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào, thể hiện ở đà giảm mạnh của lãi suất liên ngân hàng. Thị trường ngoại hối và thị trường vàng tiếp tục duy trì sự ổn định danh nghĩa trong quý.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao trong quý III, VEPR điều chỉnh dự báo tăng trưởng quý IV sẽ ở mức 7,12%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,64%, cải thiện 0,27 điểm phần trăm so với dự báo VEPR đưa ra hồi quý trước.
Tuy nhiên, sức ép lạm phát quý IV có thể gia tăng. Sau khi giảm mạnh từ đầu năm, lạm phát toàn phần của Việt Nam đã gia tăng trở lại trong tháng 8 và tháng 9 với sự phục hồi của giá nhóm hàng thực phẩm, sức ép mục tiêu về tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn, lộ trình tăng giá dịch vụ công, sự trao nhiều quyền hạn hơn cho EVN trong việc điều chỉnh giá điện cùng với đó là nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, TS. Thành cho rằng lạm phát quý IV sẽ gia tăng lên mức 4,16%, vượt qua mức mục tiêu là 4% và cao hơn 1,97 điểm phần trăm so với dự báo của VEPR trong quý trước.
Trước xu hướng gia tăng lạm phát vào quý cuối năm, VEPR khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng trong chính sách tăng trưởng tín dụng để tránh tích lũy sức ép lạm phát đang tăng dần, tránh bất ổn vĩ mô tái phát khi lạm phát vượt qua một ngưỡng nhất định, ví dụ 5%. Ngoài ra, Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh giãn tiến độ tăng giá mặt hàng cơ bản tùy theo diễn biến của lạm phát.
Báo cáo cũng chỉ ra, tiến độ thu, chi ngân sách trong năm nay còn chậm so với cùng kỳ các năm trước. Với tình trạng bội chi ngân sách nhà nước dai dẳng trong thời gian qua, cải thiện cơ cấu chi tiêu theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên là một giải pháp quan trọng.
Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả chi tiêu công, củng cố nguồn thu ngân sách nhà nước cũng là giải pháp cần chú trọng.